Kẹt xe là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với người dân TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Cuộc hội thảo với chủ đề bàn về tái cấu trúc kinh tế TPHCM do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hôm 31-8 vừa qua dù không đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể nhưng đọng lại không ít vấn đề đáng suy ngẫm.
Có phải “đầu tàu”? Nếu nhìn từ phương diện đóng góp cho cả nước thì TPHCM thực sự phải được “treo giải nhất”. Để chứng minh cho điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra những con số ấn tượng: tăng trưởng GDP hàng năm của TPHCM cao gấp 1,5 lần và đến năm 2009 GDP của địa phương này đã chiếm tới 20% tổng GDP của quốc gia. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý: một mặt TPHCM với vai trò đầu tàu có thể kéo kinh tế cả nước đi lên thì mặt khác cũng có thể đẩy kinh tế cả nước chậm lại khi chịu tác động xấu. Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, mức độ suy giảm tăng trưởng kinh tế của TPHCM sâu hơn rất nhiều so với cả nước và chính sự suy giảm đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nói chung. Ví dụ: từ quí 4-2008 đến quí 1-2009, nếu như mức tăng trưởng của cả nước giảm từ hơn 6% xuống đáy 3%, tức chỉ mất 3 điểm phần trăm tăng trưởng thì TPHCM giảm từ 11% xuống còn 4%, tức mất tới 7 điểm phần trăm tăng trưởng. Như vậy, tính ra trong 3 điểm phần trăm suy giảm của cả nước thì gần một nửa là do suy giảm của TPHCM góp vào (7 x 20% = 1,4 điểm phần trăm). Lưu ý của ông Thành để lại một thông điệp quan trọng: TPHCM giữ một vị trí vô cùng then chốt, nhạy cảm trong huyết mạch của nền kinh tế quốc gia nhưng vị trí ấy lại rất mong manh, rất dễ bị tổn thương trước các tác động. Hay nói cách khác, sự phát triển của thành phố chưa bền vững, độ rủi ro cao và để giữ được vị trí của mình, thành phố không thể không cơ cấu lại nền kinh tế. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng yếu kém của kinh tế thành phố thực chất cũng chỉ là sự yếu kém thu nhỏ của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, như đã đề cập, vấn đề nằm ở chỗ TPHCM đang giữ trọng trách là đầu tàu kinh tế của cả nước. Dù vậy, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian qua đầu tàu này vẫn chưa có những chuyển dịch căn bản trong cơ cấu kinh tế; chưa thoát khỏi trình độ “công nghiệp cơ khí - cổ điển”; vẫn nặng về gia công, lắp ráp, lệ thuộc bên ngoài; chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt về công nghệ… Đặc biệt, chưa có sự đột phá về cơ chế - một yếu tố mà theo ông Thiên, công cuộc tái cấu trúc kinh tế thành công hay thất bại chính là xuất phát từ đây. “Đầu tàu mà chỉ cứ phải lo đối phó tình thế với lô cốt, triều cường thì làm sao cất cánh bay?”, ông Thiên đặt vấn đề. TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, người cho biết là đã 20 năm gắn bó với quá trình đổi mới ở thành phố cũng thừa nhận những hạn chế nói trên. Thế nhưng, để thay đổi về cơ chế là cả một vấn đề không đơn giản đối với thành phố. Ông Lịch cho rằng TPHCM không thể tự đổi mới theo cách từ dưới lên trên như những thập niên 1980-1990 được vì hệ thống luật pháp đã bao phủ. “Tất cả những cái thành phố đề nghị, luật pháp đã quy định rồi, cứ thế mà làm. TPHCM không thể cải cách cơ chế được nếu như cả nước không cải cách cơ chế từ trên xuống”. Ông Lịch dẫn chứng: cách đây mấy năm thành phố đề xuất mô hình chính quyền đô thị nhưng đã thất bại vì đụng nhiều văn bản pháp luật như Luật Tổ chức HĐND và UBND... Chính vì vậy, cách thức tổ chức, quản lý đối với TPHCM - một đô thị 10 triệu dân cho đến nay vẫn chẳng khác gì so với một địa phương vùng cao như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… “Thành thử phải đổi mới chung cả hệ thống chứ không thể một mình thành phố làm riêng được”, ông Lịch kết luận. Bài học từ quy hoạch đô thị Một trong những thành tố quan trọng của cơ chế, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chính là việc hoạch định chính sách. Nếu như vậy thì không phải bất kỳ chính sách nào cũng phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước trung ương. Chính TS. Trần Du Lịch cũng cho biết có 70% chính sách là từ Trung ương. Vậy, còn lại 30% chính sách của địa phương thì sao? Một vấn đề cụ thể được ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nêu là sự yếu kém trong quản lý đô thị. Thành phố sẽ không thể tái cơ cấu kinh tế chừng nào vẫn kẹt xe, lô cốt, ngập lụt… như hiện nay. Thế nhưng, tất cả những vấn nạn nói trên có căn nguyên sâu xa từ việc hoạch định chính sách quy hoạch. Theo ông Hòa, quy hoạch thành phố vào năm 1998 và trước đó hầu như đã bỏ qua yếu tố tình trạng tự nhiên của TPHCM. “Khi xây dựng quy hoạch, chúng ta coi thành phố như một miếng giấy trắng phẳng lì, cứ vẽ lên mà không biết rằng có chỗ ngập nước, chỗ lún, chỗ vênh… Cho nên, chỗ nào cũng xây nhà, cũng lập khu công nghiệp. Chỗ vẽ nhà ở thì bị ngập lụt; ngược lại chỗ khô ráo thì làm công viên”. Việc phân bổ nguồn lực sau quy hoạch lại càng bất hợp lý. Những khu vực đất thấp như quận 7, Nhà Bè thì phải để cho những công ty lớn, có tiềm lực tài chính, làm cầu, xây dựng hạ tầng. Trong khi đó, đất lại bị xẻ nhỏ ra chia cho từng công ty nhỏ lẻ, năng lực yếu, dẫn đến sự phát triển manh mún, rất khó cho quản lý đô thị sau này. Hoặc, một thí dụ khác là việc đào lô cốt. Theo ông Hòa, tình trạng nhếch nhác, chậm chạp ở đây có phần do sự bất hợp lý trong bố trí và sử dụng nhân lực. “Chúng ta chưa chuẩn bị để có những công nhân chuyên nghiệp. Làm sao mang công nhân đào mương ở miền Tây để đào cống ngầm ở TPHCM?”.
(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com