Trải qua nhiều cuộc họp đóng góp ý kiến, tổ chức nhiều cuộc gặp mặt với nhiều thành phần, nhưng đến nay việc góp ý cho dự thảo sửa đổi nghị định 59/NĐ-CP ban hành từ năm 2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (KD), hạn chế KD và KD có điều kiện vẫn tiếp tục nổ ra nhiều tranh cãi.
Gần đây nhất là chuyện UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) ra thông báo tạm ngưng cấp phép KD mới các điểm mua bán vật liệu xây dựng tại các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B nhằm chấn chỉnh tình trạng... xây dựng không phép và đã bị Sở Tư pháp TP.HCM “bắt giò” về tính pháp lý vì “có dấu hiệu trái pháp luật”.
Theo ông Trần Thanh Tùng, Công ty luật Phước & Partners, nghị định sửa đổi bổ sung sẽ là một nghị định nóng, nhạy cảm và dễ gây tranh cãi bởi chính vấn đề mà nghị định này điều chỉnh: hàng hóa, dịch vụ cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện. Do đó, nghị định sửa đổi phải giải quyết hai vấn đề có thể nói là trái ngược nhau: một bên là nhu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện, còn một bên là quyền tự do KD của doanh nghiệp.
Nghị định sửa đổi được xem như một trọng tài, phải tìm ra một giới hạn hài hòa cho cả hai vấn đề trên. Nếu nghiêng quá nhiều về góc độ quản lý nhà nước, nghị định sẽ hạn chế quyền tự do KD của doanh nghiệp. Nhưng nếu nghiêng quá nhiều về quyền tự do KD, việc giải quyết những hậu quả tiêu cực trong quá trình KD các hàng hóa, dịch vụ này từ cơ quan quản lý nhà nước là không tránh khỏi.
Hơn nữa, nếu chỉ áp dụng phương pháp liệt kê hàng hóa, dịch vụ cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện như dự thảo nghị định đề xuất thì tính ổn định của nghị định này sẽ không cao, sẽ phải sửa đổi thường xuyên khi phát sinh các hàng hóa, dịch vụ “nhạy cảm” khác. Mặt khác, việc thiếu vắng các tiêu chí chung xác định thế nào là hàng hóa dịch vụ cấm KD/hạn chế KD và KD có điều kiện sẽ khiến các nhà soạn luật lúng túng. Chẳng hạn “dịch vụ đánh bạc, gá bạc” là dịch vụ cấm KD.
Nhưng một dịch vụ tương tự, mà về bản chất cũng là đánh bạc, gá bạc nhưng được xếp vào dịch vụ KD có điều kiện như “hoạt động KD casino và trò chơi điện tử có thưởng”, thì phải được hiểu thế nào cho đúng?
Dù rất đồng tình với các đề xuất của Bộ Công thương về danh mục hàng hóa, dịch vụ bổ sung vào dự thảo sửa đổi, nhưng quan điểm của luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM) rất rõ ràng: nếu càng có nhiều hàng hóa, dịch vụ đưa vào diện hạn chế hoặc cấm KD, xét trên bình diện của một nền kinh tế, dường như cơ quan quản lý không mong muốn sự phát triển thông qua hoạt động KD của doanh nghiệp.
Do vậy, sự cẩn trọng của các nhà soạn luật khi đề xuất quy định những dịch vụ, mặt hàng cần hạn chế/cấm hoặc phải có điều kiện để KD trong nghị định bổ sung sắp ban hành là hết sức cần thiết vì đã qua rồi thời cái gì không quản được thì cấm.
(Báo Tuổi Trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com