Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Con số thống kê: Cố cất tiếng nói trung thực

Những con số vĩ mô quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến thị trường, doanh nghiệp và người dân thì… vẫn chưa thấy công bố qua kênh thống kê.

Các nhà quản lý địa phương đang rất tự hào về thành tích tăng trưởng kinh tế ở địa phương mình. Chỉ sau 6 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các tỉnh và thành phố của Việt Nam đều vượt hai con số. Điều này gây bối rối cho các nhà thống kê ở trung ương!

Theo báo cáo từ các tỉnh, 6 tháng đầu năm 2010, kinh tế Vĩnh Phúc tăng tới gần 43%, Hà Nội hơn 11% và TPHCM trên 11%... Không thể phủ nhận, những con số này rất ấn tượng trong bối cảnh cả nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua giai đoạn trầm lắng nhất trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố những số liệu trên của các địa phương trong một hội nghị của ngành kế hoạch, quyền Tổng cục trưởng Thống kê Đỗ Thức đã phải thốt lên: “Tôi thấy nghi ngờ các con số tăng trưởng như thế”. Đã không có một ý kiến nào giải thích thắc mắc của ông Thức sau đó.

Trung ương đã “chuyển” địa phương vẫn chưa theo?

Điều khiến ông Thức “bức xúc” là ở chỗ, theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 6,16% trong nửa đầu năm nay, trong khi tăng trưởng GDP của hầu hết các tỉnh thành lại ở mức hai con số.

Lý giải điều này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói: “Người ta lấy tăng trưởng kinh tế cao để đánh giá năng lực quản trị của lãnh đạo địa phương. Thế thì chả dại gì mà các ông ấy không tính cao lên”. Cũng may, những con số này của địa phương lại không tác động gì đến cách tính toán GDP hay các chỉ số vĩ mô khác mà Tổng cục Thống kê thực hiện. Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Bùi Bá Cường nói: “Chúng tôi không phụ thuộc vào các con số đó”.

Có một điều không thể phủ nhận, các nhà thống kê ở trung ương đang ngày càng trở nên độc lập và tự chủ trong công việc của mình, nhất là sau khi Luật Thống kê có hiệu lực vào năm 2003. Một cán bộ thống kê kể lại, khi tiếp nhận Tổng cục về Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã nhắn nhủ rằng: “Bộ không can thiệp vào công việc của các anh”.

Trên thực tế, hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như một số bộ và ủy ban khác luôn đưa ra báo cáo về tình hình kinh tế (lĩnh vực của bộ ngành mình) trước khi Tổng cục Thống kê đưa ra kết quả thống kê. Trong các báo cáo đó, có không ít số liệu khác biệt khá lớn. Về điều này, ông Đỗ Thức giải thích: “Thống kê chúng tôi thì sao chép, phản ánh, chụp ảnh trung thực tình hình đã và đang diễn ra. Thời điểm thống kê khác nhau thì đôi khi số liệu nó khác đi”. Ông nói thêm: “Đồng chí Võ Hồng Phúc luôn luôn khẳng định, tất cả các số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ và Quốc hội là của Tổng cục Thống kê công bố và phải lấy của ngành thống kê”.

Chuyện nhạy cảm?

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, các nhà chuyên môn có thể tin tưởng vào những số liệu được công khai hóa trong các bảng tính toán của thống kê như tăng trưởng GDP của cả nước, tăng trưởng của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Đó là những con số ít nhạy cảm. Câu hỏi đặt ra, với những con số có thể được xem là “nhạy cảm” thì sao? Liệu nó có được thống kê công bố theo luật? Chẳng hạn, những chỉ số vĩ mô quan trọng như nợ công, trả nợ ODA, hệ số ICOR và nhiều con số khác liên quan đến công sản. Thực tế là các con số này không xuất hiện trên bảng cân đối của Tổng cục Thống kê, cho dù chúng không thuộc danh mục bí mật quốc gia và vẫn thuộc vào danh mục công bố theo chức năng của ngành thống kê.

Nợ công là một ví dụ điển hình. Chưa bao giờ người Việt Nam lại quan tâm đến con số đó như thời gian gần đây, đặc biệt sau phiên họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê chưa bao giờ lên tiếng về nợ công theo trách nhiệm, trong khi mỗi một tổ chức khác nhau lại có cách tính khác nhau, dẫn đến những cung bậc lo lắng khác nhau.

Theo Bản tin nợ nước ngoài do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, công bố tháng 6 vừa qua, trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam sẽ phải trả nợ nước ngoài (gồm cả gốc, lãi và phí) tổng cộng khoảng 6,775 tỷ USD (biểu đồ). Cho dù không chỉ ra các khoản nợ cụ thể mà Việt Nam đã trả trong giai đoạn 5 năm gần đây, song bản tin nợ nước ngoài lần đầu tiên được công khai hóa, Cục trưởng Nguyễn Thành Đô cho biết, nghĩa vụ trả nợ Chính phủ chỉ vỏn vẹn từ 3,5 - 5,1% so với thu ngân sách nhà nước hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2009. Nhận xét của ông Đô hàm ý rằng, việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam đang rất tốt và không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, nợ nhà nước của Việt Nam năm 2009 lên tới 52% GDP (năm 2009 GDP của Việt Nam vào khoảng 100 tỷ USD) và đứng thứ 44 thế giới. Trong khi đó, con số của Quốc hội lại cho một bức tranh khác. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chi trả nợ và viện trợ với những tiêu chí trùng với của Cục Quản lý nợ là 70.250 tỷ đồng (3,7 tỷ USD) năm 2010, 58.800 tỷ đồng (3 tỷ USD) năm 2009 và 51.200 tỷ đồng (2,6 tỷ USD) năm 2008. Những con số này cho thấy, nghĩa vụ trả nợ là cao hơn nhiều lần so với số liệu của Cục Quản lý nợ. Chỉ tính riêng cho năm 2010, nghĩa vụ trả nợ đã gấp hơn 3 lần. Bên cạnh đó, theo số liệu của Quốc hội, vẫn chỉ tính riêng năm 2010, nợ phải trả dự kiến 70.250 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), tức tương ứng với 1/6 của thu ngân sách cùng năm là 456.400 tỷ đồng, rất khác so với tỷ lệ 3,5 - 5,1% thu ngân sách nhà nước hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2009 mà Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại công bố. Thậm chí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc chi trả nợ hiện nay là quá lớn, tốc độ tăng cao so với các năm trước và đề nghị Chính phủ tính toán, bố trí việc chi trả nợ hàng năm một cách hợp lý trong điều kiện thu ngân sách còn hạn hẹp

Nếu xem xét theo số liệu của Quốc hội, thì nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam hàng năm đã trở nên thực sự đáng quan tâm trong bối cảnh chỉ giải ngân được khoảng hơn 2 tỷ USD vốn ODA mỗi năm trong mấy năm gần đây - theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Trong năm 2009, giải ngân ODA là đặc biệt lớn ở mức khoảng 3,7 tỷ USD vì trong đó đã có 1,8 tỷ USD cho vay khẩn cấp nhằm chống suy giảm kinh tế từ Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á được rót trực tiếp vào ngân sách nhà nước).

Làm sao có số liệu thống nhất, đang tin cậy?

Dù sao đi nữa, nếu như con số nợ công và trả nợ công như nêu trên được công bố công khai qua kênh thống kê, nó sẽ là thông tin mang tính chính thống quốc gia.

Theo cơ chế hiện nay, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi nợ chính phủ, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại chịu trách nhiệm với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước. Những con số từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không được báo cáo về cho Tổng cục Thống kê như lẽ ra phải như vậy. Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Bùi Bá Cường thẳng thắn: “Thống kê có trách nhiệm công bố những con số đó của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng để công bố thì chúng tôi phải thẩm định xem các ông ấy tính toán thế nào, có đúng với chuẩn mực quốc tế không, hay ít nhất phải có phương pháp tiệm cận. Nhưng nói chung, chúng tôi không rõ, mà cũng không được cung cấp những con số này”.

Được hỏi ông bình luận như thế nào trước một số tính toán của các học giả rằng, nợ công của Việt Nam lên tới 52% GDP năm 2009, ông Cường khẳng định: “Cách tính đấy chưa phải là nợ công, mà mới chỉ là nợ nhà nước thôi, vì nợ công là gồm cả khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Vay nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nhà nước cũng phải có trách nhiệm”. Được biết, số nợ nước ngoài mà các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tại thời điểm cuối năm ngoái lên tới 17 tỷ USD, theo điều trần của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tại Quốc hội. Các cơ quan có trách nhiệm gửi thông tin cho thống kê thì đã vậy, còn bản thân ngành thống kê thì sao? Ông Đỗ Thức đoán chắc:“Chúng tôi hoàn toàn không chịu sức ép gì cả, cứ đến ngày đến tháng là công bố số liệu. Ngay cả chỉ số CPI thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay bộ trưởng có biết trước cũng chỉ vài tiếng đồng hồ thôi”.

Nhìn bề ngoài thì rất đúng, và ít ai nghi ngờ phương châm đó. Chỉ có điều những con số vĩ mô quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến thị trường, doanh nghiệp và người dân thì... vẫn chưa thấy công bố qua kênh thống kê. Mà nợ công mới chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều con số đáng quan tâm khác nữa.

(Theo Vũ Minh // Báo Doanh nhân)

  • Không thể vô cảm trước tổn thất về đa dạng sinh học
  • Qua rồi thời “quản không được thì cấm”
  • Đấu thầu qua mạng: Vượt trở ngại để tạo cú hích mới
  • Ổn định kinh tế vĩ mô tạo đà tăng trưởng
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế vĩ mô 2010
  • Tiết kiệm điện: Cân bằng cung - cầu năng lượng
  • Cung cầu lao động ở Đồng Nai : “Lệch pha” !
  • Kinh tế quá ‘nghiện’ đầu tư và tín dụng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi