Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Điểm nghẽn” trong thương mại quốc tế

Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tại lễ ký văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam

Thiếu chiến lược về tham gia đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế là nguyên nhân tạo nên “điểm nghẽn” trong hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp là đối tượng chịu thiệt đầu tiên. Câu chuyện tham gia Công ước Viên là ví dụ.

VCCI đang tổ chức lấy ý kiến về việc Việt Nam tham gia Công ước mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên) để từ đó làm cơ sở kiến nghị nhà nước xây dựng lộ trình ký kết. Đây là lần đầu tiên, một sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI được chủ động đóng góp vào quá trình thương lượng và đàm phán thương mại của Nhà nước. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhìn nhận động thái này như một biểu hiện tích cực của quá trình cải cách. Tuy nhiên, từ câu chuyện của việc tham gia công ước Viên, ông Huỳnh nhìn rộng đến những “điểm nghẽn” vẫn còn đang tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách thương mại quốc tế

Hành trình 20 năm của một công ước

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, sáng kiến tham gia một số công ước quốc tế như Công ước Viên, Công ước mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài (Công ước New York - Mỹ 1958), Công ước giải quyết tranh chấp đầu tư… đã được đề xuất tuy chưa chính thức. Dù vậy, đến nay Việt Nam mới chỉ tham gia một công ước quốc tế là Công ước New York - Mỹ 1958.
 
 Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (VCCI) nhớ lại, sau khi tốt nghiệp về nước, nhận công tác tại Bộ Thương mại, bà đã được giao thực hiện việc xem xét tham gia ký kết Công ước Viên. Tuy nhiên, cho đến khi bà Loan nghỉ hưu, công ước này vẫn còn ở dạng nghiên cứu xem xét… vô thời hạn. Vậy nên, với cương vị công tác mới tại VCCI, bà Loan một lần nữa có cơ hội được thúc đẩy cho Công ước Viên thoát khỏi cái sự “treo” trong suốt 20 năm qua. Sau bà Loan, đến nay đã có lớp nghiên cứu trẻ hơn tâm đắc với việc nghiên cứu Công ước Viên với điều kiện Việt Nam. Các nghiên cứu khoa học đều đưa ra kết luận, tham gia công ước sẽ chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
 
TS Nguyễn Minh Hằng, giảng viên Đại học Ngoại thương cho biết, tham gia Công ước Viên, Việt Nam có cơ hội thống nhất luật về mua bán hàng hóa quốc tế của mình với nhiều quốc gia và tăng cường sự tin tưởng của các đối tác thương mại cũng như tăng cường mức độ hội nhập thương mại. Từ góc độ doanh nghiệp, bà Hằng cho rằng, lợi ích nhận được rất trực tiếp như giảm chi phí pháp lý khi đi tìm hiểu về pháp luật; giảm rủi ro khi áp dụng quy phạm xung đột pháp luật. Bên cạnh đó, công ước sẽ tự động áp dụng cho các hợp đồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của 74 quốc gia thành viên trên thế giới. Những điều trên sẽ góp phần tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Công ước Viên mang đến nhiều cái lợi trong khi cái bất lợi hầu như không có. Các chuyên gia cho biết, Việt Nam sẽ không phải đóng góp tài chính, không phải thành lập các cơ quan thực thi, không có nghĩa vụ báo cáo định kỳ như một số công ước khác và thủ tục gia nhập là đơn giản. Vậy vấn đề đặt ra là vì sao công ước này phải mất nhiều thời gian đến thế để được xem xét đến một cách chính thức như vậy?

Hội nhập nhưng thiếu chiến lược xây dựng chính sách

Một lý do khách quan cho việc chậm trễ nói trên có thể là do ở thời điểm của những năm 90 của thế kỷ trước, nhu cầu phát triển cũng như tham gia hội nhập của Việt Nam chưa sâu và chưa cấp bách. Vì vậy, các đối tượng liên quan chưa có kiến nghị chính thức. Nhưng xét về chủ quan, rõ ràng chúng ta chưa có đủ nguồn lực cho việc nghiên cứu và phổ biến về công ước này, bà Loan thừa nhận. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành lưu ý, muốn đề xuất tham gia Công ước Viên không hề đơn giản, từ việc dịch chuẩn xác công ước, những danh mục các bản án mà các quốc gia thành viên công bố cho đến việc tuyên truyền, nghiên cứu đưa ra những khuyến cáo cho doanh nghiệp về các nhóm vụ việc có thể vướng phải…

Tuy nhiên, ngay cả khi những nghiên cứu đưa ra những tác dụng tích cực từ việc tham gia công ước đã được chứng minh, một vị quan chức từ Bộ Tư pháp - người có nhiều năm kinh nghiệm trong đàm phán thương mại quốc tế - vẫn tỏ ra nghi ngờ và đưa ra những lý do e ngại cho việc khó xúc tiến ký kết đàm phán. Sự e ngại, sự kém nhiệt tình hay chính sự kém nhạy cảm trong nắm bắt những yêu cầu từ thực tế để từ đó xây dựng chính sách đón đầu là tâm lý vẫn còn khá phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, một cán bộ chuyên đàm phán của Bộ NNPTNT còn thừa nhận, khối lượng công việc xây dựng chính sách trong thương mại quốc tế thuộc lĩnh vực của bộ nhiều đến nỗi bản thân cán bộ trực tiếp làm cũng không thể nhớ hết những gì mình đã từng làm. Vị này còn cho biết, có nhiều nhóm làm việc đến mức ngồi cạnh nhau mà không biết công việc của nhau. Vậy mà, ký kết các văn bản liên quan đến thương mại quốc tế, mảng nông nghiệp luôn là ưu tiên số một và cũng muôn phần rắc rối, liên quan đến nhiều bộ phận của nhiều bộ, ngành…, vị cán bộ này nói. Trong phạm vi một bộ đã khó như thế, vậy khi liên kết giữa các bộ ngành sẽ thế nào đây?
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, bày tỏ quan ngại, đội ngũ kém chuyên nghiệp, kém liên thông sẽ khiến cho chất lượng các văn bản  thương mại quốc tế không được như yêu cầu phải có. Đến giờ, chưa có đầu mối nào nghiên cứu những tác động của các thỏa thuận quốc tế đến đời sống kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam thế nào, điều gì cần cảnh báo, cần rút kinh nghiệm…, bà Lan nói.

Nhìn từ gốc vấn đề, ông Trần Hữu Huỳnh lý giải, quá trình xây dựng chính sách tham gia thương mại quốc tế của Việt Nam còn bất cập. Một đề xuất chính sách bị “ách” nói lên kênh thông tin đến những cấp thẩm quyển chưa được khai thông và điều đó đương nhiên tạo nên những “điểm nghẽn”. Muốn tháo gỡ cần phải có một chiến lược quốc gia về đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Cần tìm ra những hiệp định ưu tiên xem xét. Nếu Bộ Chính trị ra nghị quyết về vấn đề này thì những “điểm nghẽn” trong thương mại quốc tế mới có thể tháo bỏ được, ông Huỳnh khuyến nghị.

Xây dựng hệ thống chính sách pháp luật trong thương mại quốc tế không thể là chuyện của một tổ chức hay cá nhân nào, nó đòi hỏi phải có sự đồng bộ, liên thông giữa nhiều cơ quan, ban ngành. Doanh nghiệp cũng cần có vai trò tích cực hơn trong đó. Nói như TS Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp hiểu biết quá ít về các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam, và như vậy, cần có cơ chế thông tin cho doanh nghiệp cũng như cơ chế để doanh nghiệp tham gia đóng góp vào quá trình lựa chọn và đàm phán chính sách này.

(Theo Lưu Hương // Báo Doanh nhân)

  • Dự án Đường sắt cao tốc: Tầm nhìn chiến lược
  • CPI tháng 5 tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ 2003
  • Hội nhập là bước đi tất yếu
  • Sản xuất nông nghiệp năm 2010: Rủi ro còn ở phía trước
  • Sau 3 năm gia nhập WTO: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
  • Câu hỏi đằng sau con số thống kê
  • Chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực
  • Đã đến lúc giảm giá xăng dầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi