Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hội nhập là bước đi tất yếu

Ba năm gia nhập WTO cho thấy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước ta nhận được sự đồng thuận lớn và là bước đi tất yếu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo - Ảnh Chinhphu.vn

Các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, quản lý doanh nghiệp đã tham dự và góp những ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau  tại Hội thảo “Đánh giá tác động KT-XH sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội tổ chức hôm nay (24/5).

Các diễn giả tại hội thảo đều thống nhất  là khó có thể tách bạch tác động của việc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) cũng như gia nhập các tổ chức khu vực, hiệp định song phương với những nỗ lực cũng như nội lực nền kinh tế… đối với sự phát triển kinh tế đất nước thời gian qua.

Tuy nhiên, dẫu sao, sau 3 năm gia nhập WTO kể từ tháng 11/2006, không thể phủ nhận, nền kinh tế nước ta đạt được nhiều thành tựu trong một giai đoạn mà ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới không loại trừ một quốc gia hay khu vực nào.

Đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực dân doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh.

Sau 3 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút được hơn 114 tỷ USD vốn FDI, với hơn 4.000 dự án, cao hơn 4,5 lần so với mục tiêu giai đoạn 5 năm 2006-2010.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trong 3 năm 2007 – 2009 là 12,8%.

Dù rằng, theo cam kết gia nhập WTO, chúng ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, nói như ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mọi người cứ nghĩ vào WTO, thuế nhập khẩu giảm thì thu ngân sách giảm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nhưng thực tế, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng (40,9% và 50,7% trong 2 năm 2007 và 2008). Ngay cả trong năm 2009, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng hơn 35,1%.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hội nhập cũng có tác động tích cực đến tạo việc làm do sự phát triển của những ngành sử dụng nhiều lao động. Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế tăng từ 70,27% năm 2006 lên 76,4% năm 2009.

Trên góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quỹ Đầu tư Sài Gòn Đặng Thành Tâm khẳng định: “Hội nhập là bước đi tất yếu, nó thúc ép doanh nghiệp phát triển đồng thời tạo động lực cho cơ quan nhà nước thực hiện cải cách”.

Ông Tâm cho biết, Tập đoàn này đang đầu tư một dự án điện trị giá cả tỷ USD tại Bắc Giang, hay “dám” thuê công ty tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới với chi phí hàng chục triệu USD để thiết kế một công trình Tập đoàn đầu tư ở Hà Nội. Đó là chính là nhờ năng lực của doanh nghiệp được nâng lên khi tham gia vào quá trình hội nhập. 

Về điểm này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, trong bối cảnh vất vả đối chọi khủng hoảng kinh tế nhưng “bản lĩnh hội nhập” của chúng ta vẫn vững vì đã nhận ra tác động có lợi của hội nhập.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh Chinhphu.vn

Tuy nhiên, ông Vũ Khoan cũng bày tỏ "lăn tăn"- từ được ông dùng, về một số vấn đề. Đó là chúng ta còn lúng túng về ứng phó với hội nhập trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chưa tận dụng hết công cụ mà hội nhập cho phép để đối chọi tác động khủng hoảng và vẫn sử dụng nhiều công cụ hành chính. “Tôi cảm giác, làm như thế sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của chúng ta”, ông Vũ Khoan nói.

Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển so với thời điểm nước ta gia nhập WTO.  Nhiều tổ chức, tập hợp đa phương riêng lẻ như khu vực mậu dịch tự do giữa 2 nước, 3 nước, khu vực, đang nổi lên “như nấm sau mưa”. Do đó, chúng ta cần phải tính toán kỹ, bài bản, tổng thể khi gia nhập các tổ chức, hiệp định đa phương, song phương này.

“Điều tôi vẫn chưa rõ là mô hình phát triển trong thời gian tới được xác định như thế nào bởi việc hội nhập phụ thuộc vào mô hình này. Nếu coi xuất khẩu là mũi nhọn hoặc nếu coi thị trường nội địa là chủ yếu thì cách hội nhập sẽ khác”, ông Vũ Khoan lưu ý tới bối cảnh các nước trên thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ sau khủng hoảng.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được các cơ quan liên quan  tiếp thu để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO để trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010 sắp tới.

(Theo Hồng Phong - Ảnh: Nhật Bắc // Tin Chính phủ)

  • Sản xuất nông nghiệp năm 2010: Rủi ro còn ở phía trước
  • Sau 3 năm gia nhập WTO: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
  • Câu hỏi đằng sau con số thống kê
  • Chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực
  • Đã đến lúc giảm giá xăng dầu
  • Ưu tiên hàng đầu: Ổn định kinh tế vĩ mô
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Một số bất ổn vĩ mô đến từ khu vực II
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi