Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp Đồng Nai: Chủ động hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh (SX-KD) ở trong nước nói chung, trong đó có Đồng Nai. Tuy nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp, hộ sản xuất lại thụ động đối phó với tình huống xấu này. Chủ động hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh là giải pháp thoát ra khỏi khó khăn, đảm bảo phát triển bền vững.

 Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Chính phủ: Khủng hoảng tạo nên sức ép và thời cơ

 Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế ở nhiều cấp độ trong giai đoạn này rất đáng bàn, song là một vấn đề phức tạp. Riêng tái cấu trúc doanh nghiệp thì có thể nói, những khó khăn đã tạo nên sức ép, và sức ép đã tạo nên cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện. Tái cấu trúc trong khủng hoảng là cần thiết và hợp lý với nhiều góc độ: đổi mới trang thiết bị khi giá đang rẻ, sắp xếp lại tổ chức, đào tạo nhân lực, tiếp tục đầu tư... Tái cấu trúc có những nguyên tắc chung và mỗi doanh nghiệp phải có một cách làm riêng dựa trên những khó khăn và thế mạnh của chính mình.

 Đặt vấn đề doanh nghiệp (DN) Việt Nam quay lại thị trường nội địa lúc này là đúng, hướng đi này cũng không có gì phải bàn cãi. Trong 7 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu suy giảm mạnh và nhiều thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, chính nhờ thị trường nội địa mà chúng ta giữ được mức tăng trưởng kinh tế tương đối. Về lâu dài, DN phải suy nghĩ để quay về thị trường nội địa một cách vững chắc. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ xuất khẩu, vì cả 2 hướng đi đều quan trọng. Trong dài hạn, quy mô của thị trường nội địa là vô cùng lớn, vậy nên tốt nhất, DN phải tự định hướng cho mình, nguồn lực nào dành cho xuất khẩu, nguồn lực nào để dành phát triển thị trường nội địa. Dĩ nhiên, không phải cứ khó khăn hay khủng hoảng là DN có thể "cua gấp" về thị trường nội địa mà thành công, quá trình xây dựng này phải lâu dài và vững chắc, hãy cố gắng đi bằng 2 chân nếu có thể. Vinatex cũng là một ví dụ điển hình thành công cho hướng đi này: xuất khẩu mạnh và phát triển thị trường nội địa một cách song song, hiện họ đã có chỗ đứng của mình ở cả 2 nơi.

 Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai: Vốn kích cầu đã góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh

 Có thể khẳng định, nhờ chính sách kích cầu vốn vay có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, giúp doanh nghiệp phục hồi SX-KD. Ở Đồng Nai, đã có hàng ngàn DN và hàng vạn hộ nông dân được hưởng lợi từ nguồn tín dụng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. 6 tháng đầu năm 2009, tốc động huy động vốn trên địa bàn Đồng Nai tăng 13% và tăng trưởng tín dụng đạt 18%, điều này cho thấy SX-KD đã có những dấu hiệu khởi sắc.

 Tôi nghĩ, đến lúc này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đồng Nai cần phải quan tâm đến chất lượng hoạt động tín dụng, giám sát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, đảm bảo đầu tư đúng vào các ngành nghề, dự án trọng điểm trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội và làm hàng xuất khẩu; hạn chế đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất, như: bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng... Việc tăng trưởng dư nợ phải phù hợp với tăng trưởng kinh tế nhằm không gây sức ép tăng giá tiêu dùng và nguy cơ lạm phát tăng cao, để phục vụ tăng trưởng GDP theo nghị quyết của tỉnh trong năm 2009 ở mức thấp nhất là 8,5%. Các ngân hàng thương mại cần phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh; không được để xảy ra bất kỳ hành vi cạnh tranh không lành mạnh nào gây tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ - tín dụng.

 Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm

 Suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến Việt Nam trong đó có Đồng Nai. 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tuy có tăng khá cao so với mức bình quân chung cả nước nhưng còn thấp so với cùng kỳ năm 2008. Nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm là khá nặng nề, theo tôi cần tập trung thực hiện các công việc chủ yếu sau đây:

 - Về công tác xúc tiến thương mại: phối hợp với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nắm thông tin thị trường tạo điều kiện cho các DN tìm cơ hội xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác vận động và sử dụng hàng Việt Nam trong nước.

 - Tiếp tục triển khai tốt các gói kích cầu theo Nghị quyết 30 của Chính phủ; đặc biệt quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai gói kích cầu cho nông dân vay theo QĐ 497/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 - Đôn đốc triển khai thực hiện các dự án đầu tư từ ngân sách, ưu tiên tập trung vốn cho các dự án trọng điểm; dự án phục vụ nông nghiệp - nông thôn; dự án có tiến độ thực hiện nhanh để sớm đưa công trình vào sử dụng. Rà soát đôn đốc giải ngân các dự án FDI, dự án của các doanh nghiệp trong nước đầu tư trên địa bàn.

 - UBND các huyện, thị xã, TP.Biên Hòa tập trung xây dựng các khu tái định cư để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

 - Tiếp tục rà soát và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đây là khâu quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nghiêm túc thực hiện để giải quyết công khai, nhanh chóng các hồ sơ của tổ chức, cá nhân.

 Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn:  Phải thay đổi nhận thức và tổ chức lại sản xuất

 Khó khăn lớn nhất hiện nay là mâu thuẫn giữa thực trạng sản xuất và yêu cầu của thị trường (cả nội địa lẫn xuất khẩu). Đồng Nai hiện có hơn 951.000 thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích 289.675 hecta, trong đó hộ gia đình, cá nhân 927.774 thửa với 234.612 hécta, bình quân thửa/hộ khoảng 0,235 hécta. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa và việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ KH-KT chưa thật đầy đủ. Do vậy, sản xuất nông nghiệp không có những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, cả về số lượng lẫn chất lượng, nông sản cạnh tranh kém...

 

Trước thực trạng đó, hơn ai hết, người nông dân chính là chủ thể thực hiện cần phải thay đổi nhận thức, vì cứ tiếp tục làm ăn cá thể thì không thể làm giàu được và sản phẩm khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế có nhiều yếu tố tác động. Trước tiên là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hình thức kinh tế hợp tác, có cơ chế tích tụ đất đai để tạo điều kiện cho chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-KT như: giống, kỹ thuật canh tác, hướng dẫn mô hình GAP... Đồng thời, với sự kết hợp có trách nhiệm giữa " 4 nhà" sẽ tạo thuận lợi về đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm.

 Tóm lại, yêu cầu của thời hội nhập bắt buộc phải tổ chức lại sản xuất để có sản phẩm đáp ứng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

 Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai: Nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh

 6 tháng đầu năm 2009, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản phẩm xuất khẩu của Tổng công ty cao su Đồng Nai (CSĐN) bị giảm giá bán làm giảm doanh thu dẫn đến ảnh hưởng thu nhập của người lao động. Để vượt qua khó khăn này, CSĐN tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển thương hiệu; tiếp thị và mở thị trường mới; chủ động hội nhập với thị trường thế giới. CSĐN thực hiện hiện đại hóa phòng thử nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm, đáp ứng theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới, đồng thời  cam kết thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. CSĐN phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2009 như: sản lượng khai thác 48.800 tấn, sản lượng chế biến 43.844 tấn, kim ngạch xuất khẩu 35 triệu USD, tổng doanh thu 1.457 tỷ đồng, lợi nhuận 333 tỷ đồng và nộp ngân sách 155 tỷ đồng.

(Theo Xuân Phú - Kim Ngân // Báo Đồng Nai)

  • Cổ phần hoá DNNN: Liên tục vỡ kế hoạch
  • Gói kích cầu 497: Nông dân khó “chạm tay”
  • Quyết liệt phát triển thị trường nội địa
  • “Đánh thức” Tây Nguyên: Chuyện không chỉ là vốn!
  • Đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả?
  • CPI tháng 7/2009: “Bước sóng” ngắn hơn
  • ĐBSCL: Câu hỏi “hóc búa” dành cho các nhà hoạch định chiến lược ?
  • 6 biện pháp cấp bách hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Nga
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi