|
Đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Bảy đã hẹp lại, khi chỉ đạt 0,52% so với tháng trước.
Dù không đáng kể, nhưng diễn biến chỉ số giá tháng này đã phá vỡ xu hướng đi lên liên tiếp trong ba tháng trước đó: tháng Tư tăng 0,35%, tháng Năm tăng 0,44%; tháng Sáu tăng 0,55%.
Nếu so với tháng 12/2008, CPI tháng 7/2009 đã tăng 3,22%; so với tháng 7/2008 tăng 3,31%.
Còn nếu so với cùng kỳ năm 2008, CPI bình quân 7 tháng đầu năm đã lần đầu tiên giảm mức tăng xuống một con số (9,25%).
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ - Giá cả (Tổng cục Thống kê), mức tăng 0,52% của tháng này phản ánh đúng diễn biến giá cả thị trường, với nhiều mặt hàng chủ lực tương đối ổn định.
Cũng theo ông Thắng, trong tháng 7/2009, có hai diễn biến giá cả nổi bật tác động đến chỉ số giá.
Thứ nhất, trong khi giá mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định (CPI lương thực giảm 0,78%; thực phẩm tăng 0,06%), thì ăn uống ngoài gia đình tăng mạnh tới 1,16%.
Ông Thắng lý giải rằng nguyên nhân dẫn tới tăng giá đột biến của nhóm này là do vào mùa du lịch, giá cả dịch vụ ăn uống ở nhiều nơi đã tăng mạnh. Hơn nữa, trong tháng, vào những ngày gần với kỳ thi đại học, nhu cầu dịch vụ này tại một số thành phố lớn gia tăng cũng đẩy chỉ số giá đi lên.
Thứ hai, dễ nhìn nhận hơn là tác động của việc tăng giá xăng, theo ông Thắng, đã “đóng góp” vào mức tăng chung trên 0,2%.
Cụ thể, chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 1/7 vừa qua, hai nhóm phương tiện đi lại, bưu điện và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (có bao gồm chất đốt) đã dẫn đầu về mức tăng, lần lượt là 2,79% và 1,92%.
Ở các nhóm còn lại, CPI tăng ở mức thấp hơn, từ 0,18% (nhóm giáo dục) đến 0,57% (nhóm văn hóa, thể thao, giải trí).
Nói về diễn biến giá cả những tháng còn lại trong năm, ông Thắng dự báo: “Chỉ số giá các tháng còn lại, so với tháng trước đó, sẽ ở quanh mức mức tăng của tháng này”.
(Theo Anh Quân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com