15 năm qua, du lịch Việt Nam từ hàng thấp nhất đã vươn lên hàng trung bình khu vực. Hàng năm, Việt Nam thu hút được trên 4 triệu lượt khách tới thăm. Thu nhập từ du lịch đạt 56.000 tỷ đồng, du lịch trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ hiệu quả với mỗi năm mang về cho Việt Nam gần 3 tỷ USD. Đó là những thành tựu đáng tự hào, nhưng nếu dùng 2 từ “cất cánh” để miêu tả sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam thì hình như... còn quá xa vời, cho dù số tiền đầu tư vào du lịch tăng đều theo các năm.
Được mùa dự án
Chưa bao giờ, ngành Du lịch lại đón nhận nhiều dự án đầu tư nước ngoài “đồ sộ” như trong 2 năm qua. Đáng kể nhất là Dự án Hồ Tràm Strip do Công ty ACDL (Canada) đầu tư, với tổng vốn cam kết 4,23 tỷ USD vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép vào tháng 4 vừa rồi. Mục tiêu của Dự án là xây dựng 9.000 phòng khách sạn 5 sao, 2 sòng bài, 1 sân golf và các công trình giải trí trên diện tích 160 ha tại huyện Xuyên Mộc. Dự kiến, khách sạn đầu tiên với 1.200 phòng và một sòng bài sẽ mở cửa vào năm 2010. Dự án có 5 khách sạn, với thời gian xây dựng 10 năm.
![]() |
Mỗi năm, Việt Nam thu hút được trên 4 triệu lượt khách tới thăm |
Trước Hồ Tràm Strip, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã cấp phép cho 2 dự án xây dựng khu du lịch do các công ty Hoa Kỳ đăng ký. Trong đó, Good Choices đăng ký đầu tư 1,3 tỷ USD cho Dự án Vũng Tàu Wonderpark, Winvest Investment xây dựng khu du lịch với 1.200 phòng khách sạn và sân golf tại Chí Linh - Cửa Lấp.
Cái tên Phú Quốc giờ cũng đang trở nên quen thuộc trên “bản đồ” đầu tư . Nhiều nhà đầu tư đã đến đảo này với những dự án quy mô lớn. Trong đó, Công ty Starbay Holding đã chính thức được phép đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng khu du lịch rộng 500 ha tại Bãi Trường, với 2.400 phòng khách sạn, 1.300 căn hộ, 650 biệt thự và sân golf. Thời gian xây dựng của Dự án sẽ kéo dài 12 -15 năm.
Miền Trung cũng đang “hút” nhiều dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch. Tập đoàn Bayan Tree (Singapore) đã quyết định nâng vốn đầu tư từ 276 triệu USD lên 875 triệu USD để xây dựng một khu du lịch cao cấp tại Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), với 2.000 phòng khách sạn, 1.000 biệt thự, sân golf...
Tại Đà Nẵng, Tập đoàn Oaktree Asset Management đã trình với Thành phố khả năng đầu tư 5 tỷ USD vào Khu du lịch Làng Vân. Còn tại Quảng Nam, Công ty Global C&D (Mỹ) đang xin chủ trương đầu tư 10 tỷ USD cho dự án khách sạn - sòng bài...
Đầu tư lớn, hiệu quả... chưa thấy đâu
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2007 được coi là năm bùng nổ các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch nhất là xây dựng các khách sạn cao cấp. Đến nay, trong tổng số 104 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam, đã có 10,8 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực xây dựng khách sạn, kinh doanh du lịch, chưa kể trên 12,8 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và văn phòng, căn hộ cao cấp và trên 4,4 tỷ USD đầu tư vào xây dựng các khu đô thị mới liên quan gián tiếp tới hoạt động phát triển du lịch. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, đã có 18 dự án với số vốn đăng ký khoảng 3,92 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Đầu tư nước ngoài trong ngành Du lịch đã có mặt tại 23 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận...
Đó là chưa kể sự đầu tư không nhỏ của Nhà nước dành cho ngành Du lịch những năm qua. Tính từ năm 2000 đến năm 2007, Nhà nước đã đầu tư 3.516 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Trong đó: vùng du lịch Bắc bộ được hỗ trợ 1.806,5 tỷ đồng chiếm 51,38%; vùng du lịch Bắc Trung bộ là 680,5 tỷ đồng chiếm 19,35%; vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ là 1.029,0 tỷ đồng chiếm 29,27%. Các tỉnh, thành phố nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất là Ninh Bình, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Hà Tây, Quảng Nam, Quảng Ninh, Lâm Đồng (mỗi tỉnh, thành phố trên 130 tỷ đồng).
Phần lớn nguồn vốn được tập trung để phát triển các khu du lịch quốc gia với 2.300 tỷ đồng, chiếm 65,4%. Sự hỗ trợ còn tập trung cho một số địa phương vùng sâu, vùng xa gắn phát triển du lịch với xoá đói giảm nghèo. Thời kỳ 2001-2007, đã có 20 tỉnh được hỗ trợ 487 tỷ đồng (chiếm 13,85%) cho mục đích nêu trên.
Tuy nhiên, sự đầu tư đó vẫn được coi là “muối bỏ bể” và hiệu quả thì.... chưa thấy đâu. Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân được nhận thấy đầu tiên đó là việc đầu tư quá dàn trải. Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tất cả 64 tỉnh thành, từ vùng cao đến duyên hải, hiện nay đều chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế hàng năm không ngần ngại “ném” vào lĩnh vực này hàng tỷ đồng đầu tư. Chỉ riêng hoạt động lễ hội, mỗi năm cả nước có hàng nghìn hội hè lớn nhỏ diễn ra ở hầu hết các địa phương với chung một mục tiêu, thu hút du khách về thăm địa phương mình. Trung bình để tổ chức một lễ hội, nếu ở cấp quốc gia thì “hút” khoảng mươi tỷ, cấp địa phương cũng cần đến vài trăm triệu đồng. Trong hàng nghìn lễ hội đó, không phải lễ hội nào cũng “tròn vai”, đạt được mục tiêu đề ra của các nhà tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng và công sức trở thành “công dã tràng”.
Một nguyên nhân nữa đó là sự lãng phí trong đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Không một địa phương nào trong số 64 tỉnh thành không dành khoản đầu tư lớn cho kinh tế du lịch. Đặc biệt là các tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh vào đến Cà Mau, gần như diện tích bờ biển đều chỉ giành để đầu tư cho các dự án nghỉ ngơi, giải trí. Đơn cử, chỉ tính trên gần 200km bờ biển Quảng Nam và Đà Nẵng, hàng trăm dự án resort, với con số đầu tư (còn trên giấy) hàng tỷ USD, đã đăng ký kín gần như không còn một chỗ nào trống. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều dự án chỉ “nằm treo” trên giấy, hoặc mới đang trong quá trình thi công các hạng mục ban đầu thì dừng lại... bỏ hoang hoặc có hoàn thành nhưng lại kinh doanh “èo uột”, không hiệu quả.
Đã vậy, tuy được coi là ngành có khả năng thu hút ngoại tệ ngay tại sân nhà, nhưng ở Việt Nam sự chi tiêu của khách du lịch quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn. Trong năm 2007, và những tháng đầu năm 2008, lượt khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Thống kê khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 đạt gần 2,3 triệu lượt người, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, mức chi tiêu của du khách vào các hoạt động du lịch như ăn uống, giải trí, mua sắm lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo bảng thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO Barometer), trung bình mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu từ dưới mức 700 đô la Mỹ cho khoảng thời gian lưu trú từ 5-10 ngày. Con số này quá thấp so với các nước lân cận. Du khách đến Thái Lan chi tiêu trên 1.200 đô la Mỹ, tại Singapore thì trên 1.500 đô la Mỹ.
Theo ghi nhận từ các phản hồi của nhiều du khách quốc tế, các hoạt động giải trí và mua sắm ở Việt Nam vẫn kém hấp dẫn, nhất là về đêm. Do đó, du khách dù muốn vẫn không thể chi tiêu nhiều hơn do không biết tiêu tiền vào đâu. Nhiều du khách đánh giá các địa điểm mua sắm và vui chơi về đêm còn ít và chưa đủ sức thu hút du khách.
Tại Hà Nội, tuy được đánh giá là có nhiều địa danh đáng “xem” như Hồ Gươm, Văn Miếu, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,... nhưng ngoài “xem” ra thì... chẳng có đặc sản hay món quà lưu niệm nào đáng mua cả. Ngay cả chợ đêm Đồng Xuân với phố đi bộ Hàng Đào cũng chẳng có gì đặc biệt, bởi hàng hoá ở đây lại chủ yếu là “made in China”.
Tp. HCM được coi là “trung tâm mua sắm” của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng xem nhiều hơn mua. Ngoài chợ Bến Thành là nơi khách du lịch hay đến mua sắm, Tp.HCM còn có những trung tâm thương mại lớn như Saigon Centre, Diamond Plaza, Thương xá Tax, Eden Mall, Saigon Square, Parkson, Zen Plaza... Tuy vậy, theo nhận xét của một số du khách, các trung tâm này không hấp dẫn mấy do hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hiệu thì đắt hơn nhiều so với hàng mua tại Singapore, Malaysia, Thái Lan... Các chương trình khuyến mãi cũng kém hấp dẫn hơn. Cùng là chương trình giảm giá 50% chẳng hạn, ở Singapore, Thái Lan hay Malaysia, khách du lịch có rất nhiều cơ hội để lựa chọn các mặt hàng và chủng loại hàng hóa, còn hàng giảm giá ở Việt Nam chủ yếu là hàng kích cỡ lớn, hàng bị phai màu hay bị lỗi.
Ngoài ra, các du khách cho biết rất thích đi dạo phố và mua sắm về đêm. Chợ đêm Bến Thành gần như là khu mua sắm và ăn uống phổ biến nhất của các du khách tại Sài Gòn. Nhưng thời gian gần đây, khách nội địa mua sắm nhiều hơn hẳn so với khách quốc tế. Khách đến chủ yếu từ các nước châu á, phổ biến nhất là Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia. Họ chủ yếu lướt qua các quầy hàng chứ không mua hoặc trả giá rất sát. Khi được hỏi, những du khách đều cho biết chất lượng hàng hóa không cao lắm và giá không hợp lý nên phải trả giá nhiều.
Những nét đẹp văn hóa đặc trưng của Việt Nam như múa rối nước, trình diễn trang phục áo dài truyền thống là điểm nhấn “hút” khách du lịch thì lại có rất ít địa điểm để xem.
Hiện ở Tp.HCM chỉ có một địa điểm tổ chức trình diễn múa rối nước là Cung Văn hóa Lao động còn chương trình trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam thì chỉ có tại phòng trưng bày của họa sỹ Sỹ Hoàng và khách sạn Equatorial nhưng không tổ chức thường xuyên. Sau 10 giờ đêm, các điểm vui chơi, giải trí phổ biến dành cho khách quốc tế là các quán bar và quán karaoke.
Các công ty du lịch ở Việt Nam cũng thường chỉ thiết kế các hoạt động cho khách đến 8 hay 9 giờ tối, sau đó khách muốn đi đâu thì... tùy, chứ không thiết kế chương trình giải trí về đêm cụ thể nào cho du khách.
Giám đốc công ty du lịch Vietconnect cũng cho biết các tour được thiết kế chủ yếu cho khách tham quan các thắng cảnh, di tích lịch sử..., không tập trung khai thác loại hình du lịch mua sắm và tham gia các hoạt động giải trí cho khách. Mặc dù loại hình này có tiềm năng phát triển do Tp.HCM có hệ thống chợ truyền thống và các trung tâm mua sắm, nhưng các công ty du lịch vẫn không mặn mà lắm với việc đẩy mạnh khai thác loại sản phẩm tour này vì không thể cạnh tranh nổi với Hồng Kông, Thái Lan, Singapore...
Cần một con đường riêng?
Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là có tiềm năng lớn về du lịch với cảnh quan thiên nhiên, bờ biển dài đẹp và nền văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú. Thế nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực thì con đường phía trước quả là vẫn... rất dài.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ cho rằng: Những gì du lịch Việt Nam chưa làm được, còn yếu kém là do chưa tìm được lời giải bài toán phát triển du lịch trong mối quan hệ kinh tế-văn hoá. Tốc độ phát triển du lịch tăng nhanh nhưng số lượng tuyệt đối còn thấp. Đến năm 2010, du lịch Việt Nam mới đạt mục tiêu 5,5-6 triệu lượt khách quốc tế, thu nhập 4,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 1,4 triệu lao động. Trong khi nhiều nước xung quanh đã đạt gấp 3 lần.
Thế giới có nhiều cách để phát triển du lịch trong mối quan hệ kinh tế-văn hoá. Có nước lấy số lượng làm trọng, nhưng có nước lại chỉ chú trọng đến chất lượng sao cho giữ chân khách lưu trú lâu hơn, lôi cuốn khách tiêu nhiều tiền hơn. Việt Nam cần một con đường riêng, tất nhiên có học tập của các nước bạn. Chẳng cần đâu xa, Thái Lan là một tấm gương, một điển hình về làm kinh tế du lịch. Trong khi ở Việt Nam, “tỉnh tỉnh làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” thì ở Thái Lan chỉ có 2 điểm du lịch biển gần như duy nhất được giới thiệu du khách đến là Phuket và Pattaya. Cả hai điểm này không chỉ được đầu tư rất tốt về cơ sở hạ tầng mà hàng trăm dịch vụ vui chơi, giải trí trên cạn, dưới nước như Nongnoc, Fantasy, vịnh Phangnam, Công viên biển Marine Park... đều được đầu tư đến nơi đến chốn và trình độ “móc hầu bao” du khách còn được nâng lên hàng công nghệ.
Không những thế, để đến với Phuket cứ 30 phút là có 1 chuyến bay, trong khi tại Nha Trang (một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới) thì lịch bay mỗi ngày 1-2 chuyến. Một điểm khác, hiện nay giá tour đến Thái Lan từ Việt Nam lại rất rẻ, chưa đến 5 triệu đồng, trong khi dịch vụ phục vụ du khách khá hoàn hảo và khép kín. Năm 2007, Chính phủ Thái Lan đã “hỗ trợ” 50% giá tour cho mỗi du khách. Với hơn 14,5 triệu du khách thì đây quả là một con số khổng lồ. Nhưng lạ một điều Thái Lan không hề lỗ vì các dịch vụ mua sắm, vui chơi... sẽ bù đắp lại khoản thiếu hụt này.
Phản chiếu Thái Lan để nhìn nhận lại mình, ngành Du lịch Việt Nam cần phải tỉnh táo xác định vị thế đồng thời học tập sự tính toán khôn ngoan trong cách làm kinh tế của người Thái. Có như thế du lịch Việt Nam mới có cơ hội “cất cánh”./.
( Phương Anh- Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com