Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bàn kế hoạch 2011-2015: Phân cấp và chuyện “thả gà ra đuổi”

 
Có mặt hầu hết lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh phía Bắc, chuyện năng lực điều hành chưa tốt sau khi được trung ương phân cấp, cũng như việc phối hợp rất hạn chế giữa các địa phương trong vùng kinh tế được “mổ xẻ” khá thẳng thắn.

Hai chủ đề phân cấp quản lý đầu tư cho địa phương và phối hợp vùng bỗng chốc làm nóng cả hội trường, tại hội thảo tham vấn về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011-2015, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 23/11.

Hiếm khi, một hội thảo chứng kiến diễn giả xin phát biểu lần thứ hai để làm rõ thêm ý kiến của mình.

Có mặt hầu hết lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh phía Bắc, chuyện năng lực điều hành chưa tốt sau khi được trung ương phân cấp, cũng như việc phối hợp rất hạn chế giữa các địa phương trong vùng kinh tế được “mổ xẻ” khá thẳng thắn.

Phân cấp có đột ngột với địa phương?

“Qua quá trình dài phân cấp cả về kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư… chuyên gia nước ngoài có hỏi, Việt Nam nói tiếp tục phân cấp thì sắp tới các ông phân cấp cái gì? Câu hỏi này không có trả lời”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ái ngại.

Gần đây, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng phân cấp cho các địa phương vừa qua đã quá triệt để, quá rộng và đột ngột với các tỉnh, dẫn tới những khó khăn trong điều hành, nảy sinh nhiều vấn đề.

“Theo tôi, phân cấp như vừa qua là đột ngột. Khi bàn đến phân cấp FDI, lúc đầu chỉ tính là phân cấp có mức độ. Sau đó, văn bản ra lại phân cấp triệt để nhưng không có định hướng, thiếu chế tài và nguồn nhân lực chuẩn bị không theo kịp, dẫn đến những hạn chế trong trình độ người điều hành”, bà Hoàng Thị Tư, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), thẳng thắn nhìn nhận.

Không dừng lại ở đó, việc giám sát phân cấp và thực thi ở cấp dưới, theo ông Bùi Hà, chất lượng không cao. Nêu ví dụ về phân cấp đầu tư, ông Hà cho rằng việc xem xét tiền đầu tư đó có được sử dụng đúng mục tiêu không, đến nay thực thi còn kém. “Có địa phương tiền về thì làm cái này, cái khác, báo cáo lên chỉ một con số, Bộ chỉ biết thế”, ông nói thẳng.

Trên thực tế, việc phân cấp quá triệt để đã tăng tính độc lập của các địa phương. Nhưng cùng với điều này, việc phát triển tràn lan, phá vỡ định hướng đã trở nên phổ biến.

Điều này có thể dẫn tới lệch lạc về cơ cấu kinh tế, dẫn đến các hậu quả về môi trường… Quy hoạch không đi trước, vài năm tới sẽ còn phải giải quyết hậu quả, bà Hoàng Thị Tư lưu ý lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều này.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, ông Vũ Quốc Tuấn, cũng đồng tình rằng có việc các tỉnh đang phá vỡ quy hoạch chung: “Tình trạng sản xuất theo phong trào không chỉ trong nông nghiệp mà trong cả sản xuất công nghiệp, dẫn tới dư thừa sản lượng. Vừa qua, ngoài sân golf còn có thủy điện, cùng tràn lan đầu tư”.

Dẫn thêm ý kiến chứng minh quan điểm của người đồng nhiệm, một vị phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, lĩnh vực đào tạo nhân lực cũng có hiện tượng này. “Trong khi đào tạo lái xe tràn lan và đâu cũng làm, đào tạo lao động trình độ cao, phục vụ nhu cầu doanh nghiệp thì không giải quyết”, ông này nói.

Bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư của một tỉnh Nam Trung bộ mới đây, khi được hỏi ý kiến về trường hợp nếu trung ương thu hẹp lại phân cấp đầu tư, chủ tịch tỉnh này giãy nảy: “Tôi tin là không địa phương nào ủng hộ. Phân cấp đã giúp cho các địa phương chủ động hơn trong thu hút đầu tư. Không ai lại đi làm một bước lùi như thế”.

“Có câu thả gà ra mà đuổi. Cái gì đã thả ra rồi, thu lại thì hơi khó”, ông Bùi Hà buồn buồn nói.

Liên kết vùng bị xem nhẹ

Cũng góp thêm ý kiến về hạn chế của phân cấp, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, ông Phan Thanh Hải, cho biết thêm: “Phân cấp về đến các địa phương thì từng địa phương có sự thay đổi rõ rệt, phát triển nhanh. Thế nhưng các công trinh quy mô lớn, mang tính quốc gia, liên kết vùng bị xem nhẹ, không tạo được cú hích cho cả vùng, đất nước”.

Tham gia trong ban điều phối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, một vị phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng nói rõ hơn: “Trong cơ chế điều phối mà chúng tôi cũng là một thành phần tham gia, vẫn còn nhiều vướng mắc và tỏ ra chưa có hiệu quả. Việc phối hợp giữa các tỉnh trên cùng một địa bàn cũng chưa được chặt chẽ, dù mỗi vùng đều có một đồng chí, thậm chí là Phó Thủ tướng, chỉ đạo”.

Cũng đồng tình với quan điểm này, bà Hoàng Thị Tư cho rằng quy hoạch vùng hiện nay chưa tốt, chưa định hướng được cho các tỉnh. Trong khi đó, mỗi tỉnh lại độc lập với nhau, tỉnh nào biết tỉnh nấy, không có sự phối hợp trong các vấn đề kinh tế.

Ở góc độ quản lý quy hoạch, kế hoạch, ông Bùi Hà nêu nguyên nhân: “Chính sách phát triển vùng không rõ ràng. Nói vùng kinh tế trọng điểm, ví dụ như Hà Nội, Tp.HCM chỉ được cộng vài chục điểm ưu tiên, nếu cộng nhiều thì các tỉnh khác bị ảnh hưởng. Nhưng chúng ta cũng ưu tiên cả miền núi, cộng ưu tiên thì không biết bên nào hơn bên nào”.

Dễ thấy nhất là việc phối hợp kém trong phát triển hạ tầng giao thông, khiến cho đất đai chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là với các vùng còn tiềm năng.

Ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương nêu ý kiến, phát triển vùng cần chú ý các công trình kết cấu hạ tầng vùng, vì nó có tác động rất rõ đến tình hình kinh tế xã hội. “Thậm chí, chúng ta chỉ cần có vài công trình hạ tầng vùng, ban điều phối không cần phải lan man nhiều thứ khác, thì thiết thực hơn”, ông Hải gợi ý.

Trước rất nhiều ý kiến nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh tổng kết lại và đề nghị làm rõ trong thời gian tới để đưa vào kế hoạch 5 năm 2011-2015.

“Cần làm rõ phân cấp đã gắn với trách nhiệm hay chưa? Đánh giá vai trò của vùng như thế nào trong 5 năm qua?”, ông Sinh kết luận.

(Theo Anh Quân // Vneconomy)

  • Phát huy vai trò các hiệp hội trong thời kỳ mới
  • Tìm giải pháp tạo ba đột phá lớn cho nền kinh tế
  • Tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp nhà nước : Cần bắt đúng bệnh
  • VAFI đề xuất 7 giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế
  • Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2010
  • Tái cơ cấu nền kinh tế: Chờ quá lâu!
  • Cần dự báo chính xác giá tiêu dùng năm 2010
  • Sản xuất nhiệt điện bằng trấu ở ĐBSCL: Vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi