Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát huy vai trò các hiệp hội trong thời kỳ mới

Với vai trò là đại diện quyền lợi, cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm... các hiệp hội ngành nghề  là kênh quan trọng, giúp các doanh nghiệp gắn kết với người lao động, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia hiệp hội. Một số hiệp hội cũng chưa chứng tỏ vai trò của mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

"Bài toán khó"

Trong ngành nông nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản có lẽ gặp nhiều thuận lợi hơn khi những mặt hàng gỗ của Việt Nam đang có giá trên thị trường quốc tế. Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Nguyễn Tôn Quyền cho biết, xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng trưởng theo từng năm. Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đạt 219 triệu USD thì đến năm 2008 đã tăng lên 2,8 tỷ USD. Hiện nay, sản phẩm gỗ của nước ta có mặt ở 120 nước trên thế giới. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ năm châu Á và thứ hai ở Ðông-Nam Á cho nên Nhà nước cũng có nhiều chính sách khuyến khích để phát triển. Hiện nay, hiệp hội đã vận động được ba doanh nghiệp ở các tỉnh phía nam xây dựng phòng thiết kế mẫu, mời các chuyên gia nước ngoài về chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ, nghiên cứu thị trường. Năm 2009 bắt đầu triển khai, trước hết là quảng bá sản phẩm trong nước sau đó sẽ hướng tới thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ngành chế biến, kinh doanh và xuất khẩu đồ gỗ cũng còn không ít điểm yếu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu lại không liên kết với nhau, cộng với nguồn nguyên liệu thiếu cho nên khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu lớn (nhất là thị trường Mỹ và EU). Mặc dù năm 2008, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD, nhưng chi phí nhập khẩu gỗ nguyên liệu, phụ kiện sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ đã lên tới hơn một tỷ USD. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu chính là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, các đầu mối nhập nguyên liệu không tập trung, cho nên số lượng các đơn hàng thường nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời gian giao hàng của đối tác, tốn nhiều công sức, tiền của. Do đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với những doanh nghiệp của Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp đều tự tìm kiếm khách hàng, cho nên tình trạng tự giảm giá để giành được đơn hàng là rất phổ biến. Sự thiếu liên kết đã khiến các cơ hội nhận những đơn hàng lớn bị bỏ qua, phần lớn các doanh nghiệp đều phải qua trung gian nước ngoài để đến được với các nhà phân phối lớn. Sự thiếu kết dính giữa các doanh nghiệp còn làm tăng giá thành sản phẩm do phí vận chuyển từng lô hàng lẻ cao hơn hẳn so với vận chuyển cả một chuyến hàng lớn. Cũng theo ông Quyền, hiện nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp về thông tin, vốn, giải quyết hàng tồn đọng, vấn đề lao động...

Những năm gần đây, ngành thép cũng tăng trưởng mạnh. Năm 2000, sản lượng phôi thép mới đạt hơn 300 nghìn tấn, sản lượng thép cán 524 nghìn tấn, hiện nay sản lượng phôi và thép thành phẩm đã gấp 8 - 10 lần (phôi 2,25 triệu tấn, sản phẩm thép 5,75 triệu tấn).

Cả nước hiện có gần 100 công ty sản xuất thép, gồm đủ các thành phần kinh tế: Nhà nước, tư nhân, cổ phần, liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn đầu tư của nước ngoài.  Cho nên, tổ chức và quy mô của Hiệp hội Thép Việt Nam ngày càng lớn. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2001 thành lập Hiệp hội Thép Việt Nam. Ban đầu, hiệp hội chỉ có 21 thành viên, nhưng đến nay, 85% số DN sản xuất thép đã tham gia hiệp hội, gồm 85 DN, tập trung vào ba chuyên ngành chính như: thép xây dựng, ống thép, thép tấm lá cán nguội, mạ kim loại, sơn phủ mầu và các doanh nghiệp phục vụ luyện kim, văn phòng đại diện kinh doanh thép,... Các thành viên thuộc VSA đã có năng lực sản xuất hơn 80% lượng sản phẩm dài, hơn 50% lượng sản phẩm ống và hơn 70% lượng sản phẩm dẹt của cả nước.

VSA ra đời có nhiệm vụ ổn định và thúc đẩy phát triển thị trường thép nội địa; thúc đẩy xuất khẩu thép và cung cấp thông tin về công nghiệp thép trong và ngoài nước cho các hội viên, đồng thời, kiến nghị Nhà nước về chính sách pháp luật, xây dựng tiêu chuẩn về sản phẩm thép và nguyên liệu phục vụ ngành thép và các vấn đề khác có liên quan đến công nghiệp thép; trợ giúp kỹ thuật cho các thành viên của Hiệp hội thép, tổ chức và tham gia huấn luyện nhằm đào tạo cán bộ và công nhân của ngành; bảo vệ lợi ích chính đáng của các hội viên; quan hệ các tổ chức, hiệp hội sản xuất, gia công thép của khu vực và thế giới...

Những năm gần đây, VSA đã giữ vai trò tham mưu, khuyến cáo các DN thép tập trung đầu tư, đưa công nghệ và trang thiết bị mới có công suất cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, có những dự báo sát thực về diễn biến thị trường, giúp các doanh nghiệp thép ứng phó kịp thời những biến động về cung - cầu thép. Ðồng thời, kiến nghị kịp thời các bộ, ngành liên quan và Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN, kiến nghị các biện pháp tự vệ khi cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh những cạnh tranh không bình đẳng của DN nước ngoài và các hành vi gian lận thương mại, thuế,... Công bằng mà nói, VSA đã thực hiện tốt chức năng của mình, trong đó có việc bảo vệ lợi ích các thành viên. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, VSA cũng có biểu hiện "nuông chiều" một số doanh nghiệp "ruột". Theo đánh giá chung, ngành thép hiện nay phát triển không theo quy hoạch, không cân đối và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn lớn. Thực tế diễn ra tại nhiều địa phương là các nhà máy thép công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ (cỡ 200 - 500 nghìn tấn/năm) đua nhau mọc lên, gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội địa phương và phá vỡ quy hoạch ngành. Trong cạnh tranh với thép ngoại, khả năng thua thiệt của các DN thép trong nước có thể thấy rõ từ bây giờ. Việc tăng giá thép liên tục trong thời gian gần đây (trừ các yếu tố tăng giá nguyên liệu đầu vào) đã chứng minh các DN thép vẫn chưa thật sự đặt mục tiêu lợi ích quốc gia lên hàng đầu, làm giảm tác dụng gói "kích cầu" của Chính phủ. Các DN cũng chưa thể hiện được tầm nhìn chiến lược bằng việc chung tay liên kết tạo dựng thành những thương hiệu lớn, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trong lúc năng lực sản xuất đang trên đà dư thừa lớn thì thép là lĩnh vực thu hút được mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt các dự án lớn với quy mô đầu tư hàng tỷ USD đã được cấp phép với kỳ vọng trong 5 - 10 năm tới, nước ta thành trung tâm luyện kim mới của khu vực. Nhiều nhà đầu tư trong nước đua nhau xây dựng các dự án thép, không quan tâm diễn biến thị trường trong nước và thế giới. Mới đây, Bộ Công thương liệt kê hơn 30 dự án thép được cấp phép nằm ngoài quy hoạch và tình trạng nở rộ các dự án thép chưa được chấn chỉnh kịp thời. Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2014 trở đi, khi nước ta cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu thép xuống còn 0-5%, ngành thép nước ta sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cái vòng luẩn quẩn: đầu tư thiếu tính toán nhiều dự án, dẫn tới dư thừa thép, chỉ nhìn lợi nhuận trước mắt mà quên định hướng đầu tư cho lâu dài, mới gặp khó khăn đã kêu cứu,... là những ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với các DN thép hiện nay. Sau vài năm nữa, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, một loạt các nhà máy thép sẽ bị "khai tử" là kết cục tất yếu. Ðó là "bài toán khó" đặt ra trước mắt của thép mà VSA cũng như các bộ, ngành liên quan đau đầu vì chưa tìm được lời giải hữu hiệu.

Ðể các hiệp hội hoạt động hiệu quả hơn

Hiệp hội là nơi cung cấp các nguồn thông tin quan trọng, có thể tạo doanh thu và cơ hội đào tạo cho các doanh nghiệp thông qua mạng lưới và chia sẻ thông tin, hình thành các nhóm thương mại. Các hiệp hội là nơi cấp nguồn thông tin phong phú để giới thiệu về các thị trường trong nước và quốc tế mới, hỗ trợ tài chính và cơ hội tiếp cận công nghệ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hiệp hội có thể trở thành đối tác với cơ quan chức năng Nhà nước, hoặc các tổ chức quốc tế  nhằm bảo đảm giải quyết bức xúc của các doanh nghiệp.

Nhưng lâu nay, các hiệp hội ở nước ta vẫn bị coi là dựng lên để đấy, chứ không có thực quyền. Xảy ra tình trạng này trước hết là nhận thức nhiều người quá đề cao vai trò Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước có thể cáng đáng và giải quyết mọi công việc trong xã hội. Hiệp hội chỉ là tổ chức phụ trợ, thứ yếu và mang tính biểu tượng. Gia nhập hiệp hội, các doanh nghiệp thường kỳ vọng ở các hiệp hội ngoài việc đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho mình còn phải góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo nhân lực, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các dịch vụ cần thiết khác... Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc nộp lệ phí, góp tiền để nuôi hiệp hội thì họ phải có lợi ích nhất định. Tuy nhiên trên thực tế thì các hiệp hội hiện nay với những hạn chế về kinh phí, nhân lực, bộ máy... rất khó để đáp ứng các yêu cầu nói trên của doanh nghiệp.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hầu hết các hội, hiệp hội  ở nước ta đều tự trang trải các chi phí, nên hoạt động khó khăn. Một số hiệp hội được các doanh nghiệp thành viên trích một phần chi phí ít ỏi để hoạt động. Theo quy định, các hiệp hội ngành hàng Việt Nam là tổ chức hoạt động tự nguyện, phi lợi nhuận. Tuy nhiên, có lẽ vì yếu tố này mà khó khăn của các hiệp hội ít được cơ quan quản lý quan tâm. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Văn Ðạo  cho biết: "Trụ sở Hiệp hội của chúng tôi phải đặt nhờ, cơ sở vật chất thiếu thốn". Ông Ðạo cho biết, Nhà nước đã có chủ trương dành một khu đất thuộc quận Cầu Giấy cho các hiệp hội xây dựng trụ sở. Nhưng không hiểu vì lý do gì, các hiệp hội vẫn chưa tiếp cận được với chủ trương này.

Thực tế cho thấy, hầu hết các hiệp hội ngành của Việt Nam hiện nay đều có trụ sở đặt nhờ tại tổng công ty hoặc tập đoàn thuộc ngành nghề mà họ phụ trách, không có trụ sở riêng. Diện tích sử dụng chật hẹp. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nằm trên tầng 5 của tòa nhà 20 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), có ba phòng, mỗi phòng chỉ hơn 10 m2; Hiệp hội Thép nằm trên tầng 7 của Tổng công ty Thép Việt Nam, các phòng đều rất hẹp.  Mỗi hiệp hội ngành hàng ở Việt Nam có trung bình 5 đến 7 người, trong đó phần lớn là các cán bộ hoạt động trong ngành đã về hưu, tâm huyết với công tác, tự nguyện tham gia hiệp hội. Họ làm công tác tìm hiểu, tư vấn chính sách pháp luật, phổ biến kinh nghiệm... cho doanh nghiệp. Nhân viên văn phòng chỉ có vài người. Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: "Hiệp hội có một nhân viên văn phòng, tất cả công việc giấy tờ, liên hệ, đi lại đều do người này đảm nhận. Công việc quá vất vả, trong khi mức lương nhận được chỉ gần 3 triệu đồng/tháng".

Chủ tịch Hiệp hội Chè Nguyễn Kim Phong cho biết, vai trò của hiệp hội rất quan trọng, bởi vì nó là cái cầu nối tất cả các quyết định, chính sách của Ðảng, Nhà nước, giới chuyên môn, viện nghiên cứu đến nhà sản xuất. Nhà sản xuất tiếp thu để vận dụng trong sản xuất và đưa hàng hóa đến nhà tiêu dùng. Nếu hiệp hội hoạt động tốt thì các doanh nghiệp trong ngành càng được hưởng lợi. Ðơn cử như trường hợp vào những năm 90 của thế kỷ trước, số lượng chè xuất khẩu  sang một tỉnh ở Pa-ki-xtan chỉ khoảng 3.000 tấn/năm, sau khi có sự tác động của hiệp hội đã tăng lên đến 20.000 tấn/năm. Thế nhưng hiện nay, vai trò của Hiệp hội Chè đang bị lu mờ vì nhiều lý do. Quan trọng nhất là các thành viên không đồng tâm nhất trí, các doanh nghiệp chè không tự nguyện tham gia hiệp hội. Nhiều doanh nghiệp không muốn vào hiệp hội vì phải tuân thủ những quy định về chất lượng chè, bảo đảm đúng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo ông Phong, để hiệp hội hoạt động tốt, vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Cần ban hành luật để doanh nghiệp và người dân phải chấp hành. Cần có tiêu chuẩn xây dựng nhà máy, xây dựng đồi chè, nguyên tắc chọn giống, chăm sóc đồi chè... Trong đó, Hiệp hội được quyền giám sát tất cả những yếu tố đó. Mỗi nhà máy chè thành lập phải có chứng nhận của hiệp hội. Hơn ai hết, hiệp hội hiểu rõ yêu cầu về chất lượng chè, về khoa học công nghệ, về vùng nguyên liệu... Khi đã có quyền giám sát thì hiệp hội lên tiếng, các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý. Kinh phí hoạt động của hiệp hội cũng cần được tạo từ nhiều nguồn, nhân lực được đào tạo tốt hơn.

Các hiệp hội hoàn toàn có thể làm tốt những chức năng vốn được xem là của Nhà nước, vừa giảm gánh nặng, vừa hạn chế được phiền hà từ bộ máy hành chính và tăng cường chất lượng dịch vụ dưới sức ép của yêu cầu minh bạch, cạnh tranh. Phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là giải pháp để tăng mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ðể hiệp hội, ngành hàng hoạt động hiệu quả hơn, Nhà nước cần tạo điều kiện nhiều hơn để các hiệp hội ngành hàng có thể tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, xây dựng cơ sở pháp lý cho các hiệp hội, ngành hàng hoạt động; thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập, phát triển thị trường.

Một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì thế vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp càng được nâng cao. Ðiều này đã được thể hiện qua việc số đông các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hiệp hội đứng ra thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, để cạnh tranh, tồn tại và phát triển được, hiệp hội giờ đây phải tham gia hoạt động hội viên, tác động vào sản xuất, tổ chức lưu thông sản phẩm và tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành. Tại hội thảo "Cam kết của WTO và vai trò mới của hiệp hội doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Hiệp hội cao-su Việt Nam cho rằng, cần nâng cao vai trò của hiệp hội trong việc giám sát các cơ quan nhà nước. Vì đây là những đơn vị có tác động rất lớn đến lợi ích của doanh nghiệp trong tháo gỡ những thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp thực hiện đúng luật, đúng cam kết khi nước ta gia nhập WTO.

Theo Bộ Công thương, cả nước hiện có hơn 300 hiệp hội, hội, tổng hội và các tổ chức liên kết. Một trong những mục đích lớn nhất của hiệp hội là lập ra để bảo vệ quyền lợi của hội viên, nhưng theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 71% số hiệp hội, hội chưa có bộ phận chuyên trách về pháp luật.
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, mặc dù vai trò của hiệp hội đối với hoạt động xúc tiến thương mại khi Việt Nam gia nhập WTO ngày càng quan trọng, song hiện nay cơ sở pháp lý để hiệp hội hoạt động còn chưa được rõ ràng đối với chính hiệp hội cũng như đối với xã hội. Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính cũng là một vấn đề nổi cộm... Ðây chính là những bất cập khiến hoạt động của các hiệp hội trong vai trò đại diện tiếng nói của doanh nghiệp cũng như giúp các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế.

(Theo Nhan dan)

  • Tìm giải pháp tạo ba đột phá lớn cho nền kinh tế
  • Tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp nhà nước : Cần bắt đúng bệnh
  • VAFI đề xuất 7 giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế
  • Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2010
  • Tái cơ cấu nền kinh tế: Chờ quá lâu!
  • Cần dự báo chính xác giá tiêu dùng năm 2010
  • Sản xuất nhiệt điện bằng trấu ở ĐBSCL: Vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà ?
  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 có thể tăng 1%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi