Phát triển kinh tế tư nhân: Dấu hiệu mới?
( TS. Nguyễn Quang A // Theo VietnamNet)
Yên lòng doanh nghiệp
Thủ tướng yêu cầu xử lý kiên quyết các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, đẩy nhanh việc cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, Thường trực Ban Bí thư ký Kết luận về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa IX (tháng 3/2002) liên quan đến việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Các chủ trương cải tổ doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân đã có từ lâu, song hai sự kiện trên xảy ra gần cùng lúc dường như báo hiệu các dấu hiệu mới.
Ngày 9/2/2010, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư đã ký Kết luận số 64- KL/TW về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Trước đó, tại phiên họp ngày 27/1/2010, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận sau khi nghe Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX), ý kiến cuả Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW (khóa IX) về phát triển kinh tế tư nhân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung làm tốt những việc chủ yếu sau:
1- Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân và các ngành, các cấp về chủ trương nhất quán phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng.
2- Bám sát các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết để bổ sung một số nội dung trong chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới của đất nước. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính có liên quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ.
3- Thực hiện tốt việc bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh giữa kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh cùng có lợi. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển với quy mô ngày càng lớn, từng bước hình thành các đơn vị kinh tế tư nhân mạnh đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước. 4- Tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước các cấp đối với khu vực kinh tế tư nhân. 5- Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” trong quý II/2010.
(Theo Chính phủ)Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, so với khu vực, với thế giới, cũng như so với khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì đáng tiếc các doanh nghiệp tư nhân còn khá yếu và môi trường để chúng hoạt động trên thực tế rất gập ghềnh (chứ không được như mong muốn về sân chơi bình đẳng).
Các DN phải bươn chải hàng ngày, đối mặt với vô vàn khó khăn về vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, các thủ tục "hành là chính", nạn vòi vĩnh của các cơ quan và tổ chức. Môi trường pháp lý để thực thi thỏa thuận tư giữa họ chưa nghiêm: thủ tục trọng tài, toà án, thi hành án nhiêu khê... khiến cho chi phí của họ gia tăng, hiệu quả chưa cao như có thể, năng lực cạnh tranh bị hạn chế.
Bất chấp vô vàn khó khăn ấy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn có tốc độ phát triển cao nhất, đóng góp ngày càng lớn cho GDP, sản lượng công nghiệp và dịch vụ, tạo ra hầu hết việc làm mới và thực sự đang dần trở thành khu vực nòng cốt của sự phát triển kinh tế nước nhà.
Khẳng định lại việc tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân làm cho người dân yên tâm bỏ vốn, sức lực ra phát triển doanh nghiệp. Nỗi sợ nơm nớp của họ đã giảm nhưng đôi khi vẫn còn lởn vởn, nay có cơ hội giảm nhanh hơn.
Hoàn thiện các cơ chế, nhất là tiếp cận đến vốn và tài nguyên, đơn giản hoá thủ tục, giảm sách nhiễu... sẽ tạo cơ hội cho chúng phát triển và các doanh nghiệp tư nhân lớn có cơ bứt phá để thành các doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Chủ trương tháo gỡ tất cả các khó khăn cho họ, chính quyền phục vụ doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho chúng phát triển, đấy là công việc của nhà nước. Nếu được thế, chúng sẽ phát triển, tạo ngày càng nhiều công ăn việc làm, nộp nhiều thuế, làm tăng nguồn lực và sức cạnh tranh quốc gia.
Tiếp cận ODA: Tránh tạo sân sau, cánh hẩu
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương để các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn ODA là một dấu hiệu mới, đáng mừng, dù hơi chậm.
Sau khi Việt Nam bước qua ngưỡng để gia nhập các nước có thu nhập trung bình thấp, trong tương lai các nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm đi, và có thể giảm mạnh trong vài ba năm tới. Lúc ấy mới đến lượt khu vực tư nhân. Đấy là một cái khó cho các doanh nghiệp tư nhân.
Một khó khăn nữa, là với các thủ tục hiện hành, có lẽ chỉ các doanh nghiệp tư nhân lớn, được quản trị theo quy củ và nhất là có mối quan hệ tốt mới có thể tiếp cận đến nguồn vốn này. Làm không khéo thì các doanh nghiệp sân sau, cánh hẩu có cơ hội phát triển gây méo mó khu vực tư nhân, làm cho tham nhũng trầm trọng thêm.
Đây chẳng phải chỉ là nguy cơ tiềm ẩn, đôi khi sự câu kết của giới có chức có quyền và các đại gia tư nhân ngày càng hiện rõ (bên cạnh các đại gia quốc doanh đã tồn tại từ lâu). Chính vì thế, các tiêu chuẩn, sự minh bạch, công khai trong quá trình tiếp cận nguồn vốn này là rất quan trọng.
Hy vọng các đối tác quốc tế cung cấp vốn ODA cũng đừng ỷ vào bảo lãnh của nhà nước mà sao nhãng việc đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó, đòi hỏi sự minh bạch và công khai.
Việc đẩy mạnh cải tổ các doanh nghiệp nhà nước cũng nên tạo cơ hội (thí dụ, bằng cấp một phần tín dụng, chẳng hạn 70%, cho họ để mua lại một phần hay toàn bộ doanh nghiệp nhà nước với thế chấp là chính doanh nghiệp được mua lại đó), tạo điều kiện cho họ tham gia cổ phần hóa... cũng là để phát triển khu vực kinh tế tư nhân và cải tổ doanh nghiệp nhà nước.
Các vấn đề "quan hệ", "cánh hẩu", "sân sau", cũng tương tự như khi tiếp cận vốn, là các vấn đề hết sức cần chú ý để loại bớt.
Các chủ trương liên quan đến hai sự kiện này, nếu được thực hiện tốt, sẽ đúng là các dấu hiệu rất tích cực, tuy không hoàn toàn mới.
Vấn đề mấu chốt vẫn là có thực hiện nghiêm túc và tốt hay không. Chúng ta đã quen với nhiều chủ trương nghe "đột phá", nhưng việc nói chưa đi đôi với làm khiến người dân xem đó là điều bình thường. Cần phá bỏ nó bằng tính nhất quán giữa lời nói, chủ trương và việc làm. Hy vọng lần này, và từ nay, sẽ khác.
Mô hình nào cho tập đoàn Kinh tế tư nhân ở Việt Nam ?
(Tác giả: Mặc San // Theo Báo Doanh nhân)
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (Hội DNT – VN) trả lời phỏng vấn về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về mặt nguyên tắc.
- Thưa ông, xuất phát từ đâu, Hội DNT VN đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân? Sự phát triển của các tập đoàn kinh tế là tất yếu của quá trình hợp tác phát triển các loại hình doanh nghiệp trên cơ sở nhu cầu phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế cho phép phát huy lợi thế kinh tế có quy mô lớn, khai thác triệt để thương hiệu, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra và nhiều loại hình dịch vụ. Tại Việt Nam, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như Dầu khí, Bưu chính Viễn thông, Than - khoáng sản, Điện lực, Dệt may…. thì đã có những nhóm doanh nghiệp mạnh, có mối liên kết và hoạt động dưới một sự điều hành chung, một thương hiệu chung như: FPT, Kinh Đô, Hòa Phát, Đồng Tâm... Đây có thể xem là sự phôi thai của việc hình thành những mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân non trẻ là chưa được pháp luật thừa nhận một cách đầy đủ. Các tập đoàn vẫn phải mang một cái tên không “chính danh” như “Công ty cổ phần tập đoàn” hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn tập đoàn. Để tháo gỡ vướng mắc này, Hội DNT VN đã có đề xuất và được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan cùng Hội DNT VN nghiên cứu, đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Chúng tôi tin rằng, chủ chương này sẽ góp phần định hướng, khuyến khích việc hình thành và hoạt động của mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân có khả năng, có thương hiệu, trở thành đầu tàu kinh tế trong một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và có khả năng cạnh tranh trong khu vực. - Một mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân như thế nào thì thích hợp với điều kiện ở Việt Nam? Việc xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân theo hướng nào? Lựa chọn lĩnh vực hoạt động gì làm thế mạnh, là lĩnh vực xương sống, mũi nhọn? Đó vẫn đang là câu hỏi khó đặt ra đối với các cơ quan liên quan và ngay đối với các doanh nghiệp có ý định liên doanh, liên kết để tiến tới mô hình tập đoàn. Theo tôi, việc thành lập mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân cần phải chú trọng đến những thế mạnh nội tại của chính doanh nghiệp. Quan trọng hơn nữa, chúng ta cũng cần có những nghiên cứu cụ thể, học tập các mô hình kinh tế tư nhân từ các nước phát triển, nhất là các nước có điều kiện phát triển tương tự Việt Nam để có những hoạch định và bước đi đúng hướng khi hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Hội DNT VN sẽ thành lập nhóm chuyên gia và các doanh nghiệp để có thể hoàn thành sớm nhất đề án hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. - Vậy, ông nhìn nhận các yếu tố cần và đủ để hình thành đội ngũ tập đoàn kinh tế tư nhân là gì? Khi tham gia vào thị trường lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những biến động lớn như: thị trường thay đổi, biến động về giá và tỷ giá, áp lực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản về xuất khẩu… Những điều đó sẽ phải đòi hỏi đội ngũ kinh tế tư nhân phải được đào tạo bài bản, năng động để bắt kịp nhu cầu thị trường. Đội ngũ các nhà quản lý các tập đoàn kinh tế phải có những bước tích tụ phát triển để trở thành những doanh nghiệp lớn có thương hiệu quốc tế, có được sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thế giới, điều hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn. Quy mô vốn của một tập đoàn kinh tế tư nhân ít nhất phải từ 1 tỷ USD trở lên. - Làm sao để hiểu đúng cũng như đạt được sự đồng thuận về tập đoàn kinh tế tư nhân?Quy mô vốn của một tập đoàn kinh tế tư nhân ít nhất phải từ 1 tỷ USD trở lên…”
Tập đoàn kinh tế tư nhân hình thành vì nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế xã hội chứ không phải là kết quả của một quyết định hành chính. Tập đoàn kinh tế tư nhân không dựa vào cơ chế bao cấp của nhà nước mà là kết quả của sự gắn kết quyền sở hữu và quyền sử dụng, vậy nên quá trình quản lý tương đối dễ hơn quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.
Tôi tự tin vào sự đồng thuận sẽ đạt được cũng như tin vào ý chí, quyết tâm của các doanh nghiệp khi muốn đón nhận cơ hội được chính danh để phát triển thành tập đoàn kinh tế tư nhân. - Thưa ông, khi đề xuất với Thủ tướng việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân, hẳn là Hội DNT VN đã tính đến một số hạt nhân doanh nghiệp. Ông có thể hé mở? Những doanh nghiệp muốn phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân cần phải có thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường, có nhận thức đầy đủ về vai trò của hợp tác kinh tế tư nhân. Và một điều không kém phần quan trọng, đó là doanh nghiệp mang khát vọng vươn ra thị trường nước ngoài. Hội DNT VN có mạng lưới 61 Hội, CLB DNT tỉnh, thành, ngành, có 8.000 hội viên, có Câu lạc bộ Sao Vàng Đất Việt với hàng trăm thương hiệu mạnh. Đây chính là “nguồn” phong phú để chúng tôi sàng lọc và hỗ trợ thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển thành những tập đoàn mạnh. Dự kiến, chúng tôi sẽ trình Chính phủ mô hình đề xuất trong 6 tháng đầu năm 2010. Khi đề án của Hội DNT VN trình Chính phủ được xem xét thông qua, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có được đội ngũ các tập đoàn kinh tế tư nhân chính danh hoạt động hiệu quả. - Bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi thế nào khi có đội ngũ tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành, thưa ông? Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải có những tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo và điều tiết một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế để hạn chế sự thao túng và chi phối của nhiều công ty đa quốc gia và các tập đoàn kinh tế tư bản quốc tế tại Việt Nam. Tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành bằng chính sự tăng trưởng quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động của chính các doanh nghiệp. Vì vậy, việc thành lập các mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ góp phần nhanh chóng xây dựng thương hiệu mạnh của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế. Ở góc độ vĩ mô, việc hình thành các tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn kinh tế tư nhân nói riêng sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội. - Thưa ông, Hội DNT VN có kiến nghị gì về các hình thức hỗ trợ của Chính phủ để sớm hình thành được đội ngũ này? Để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, nên sớm có một nghị định về việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân cũng như sự thừa nhận chính thức về pháp lý. Nhà nước cần sớm ban hành các qui định về pháp lý, các mô hình và nguyên tắc hình thành các tập đoàn kinh tế. Tập đoàn kinh tế tư nhân phải đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chí cụ thể như qui mô tổ chức, phương pháp tổ chức, các hệ thống quản lý, đội ngũ cán bộ, số vốn pháp định, các chỉ tiêu kinh tế tối thiểu, tính liên kết các sản phẩm và ngành nghề… Nhà nước cũng cần có các chính sách giúp đỡ và thúc đẩy các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển và hội nhập bền vững và có cơ chế kiểm soát phù hợp.
Tập đoàn kinh tế tư nhân: Cần đúng quy luật phát triển!
(Theo Báo Doanh nhân)
Ông Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn chia sẻ quan điểm, tập đoàn kinh tế tư nhân nên đi đúng quy luật phát triển.
- Như vậy, theo ông sẽ không cần phải có những quyết định hành chính để thành lập nên những tập đoàn kinh tế tư nhân? Quyết định hành chính có thể thành lập ra được tập đoàn kinh tế tư nhân, nhưng không làm nên sức mạnh, năng lực cạnh tranh nội tại và bền vững cho chính bản thân tập đoàn đó. Các doanh nghiệp nếu có chiến lược tốt, xây dựng quản trị công ty tốt, tìm kiếm một đội ngũ quản lý tốt thì tất yếu sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn. Có nghĩa là việc trở thành tập đoàn hay không là một cách thức phát triển, phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Từ chiến lược đó, sự phát triển sẽ theo hướng tập trung tích tụ vốn, huy động thêm vốn của người khác, đến một mức nào đó sẽ phải phân tán, tản quyền xuống các công ty con, công ty cháu... Đó là công cụ để thực hiện chiến lược kinh doanh chứ tập đoàn kinh tế không phải là một pháp nhân.
Theo tôi, doanh nghiệp không nên đi tìm kiếm một tiếng tăm từ danh xưng tập đoàn mà phải nhìn vào bản chất, năng lực cạnh tranh và sức hút của thương hiệu trên thị trường. Đó là cái gốc của sự kinh doanh.
Hơn thế, nếu tập đoàn kinh tế tư nhân được thành lập bằng một văn bản hành chính thì nó có thể tạo nên sự nhầm lẫn rất nguy hại và đáng tiếc cho thị trường, nhất là cách nghĩ tập đoàn là lớn, là cạnh tranh tốt. Nếu tập đoàn được Chính phủ cho phép thành lập thì lại càng lớn. - Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang gặp khó khi lớn lên, khi phát triển rộng hơn. Phải chăng do thiếu cơ chế chính sách? Ở đây, phải nhìn nhận từ hai mặt. Thứ nhất và trước hết phải bắt đầu tư chính các doanh nhân. Họ chính là người quyết định hướng đi cho doanh nghiệp, lựa chọn và thực hiện cách đi. Nếu xây dựng được chiến lược tốt, tìm kiếm thị trường tốt, triển khai các kế hoạch kinh doanh tốt, tạo ra quản trị công ty tốt, xây dựng văn hóa kinh doanh và đội ngũ quản lý tốt thì họ sẽ đưa doanh nghiệp phát triển theo đúng quy luật từ thấp tới cao một cách thực chất theo cách nhanh nhất. Khi đó, với năng lực và sức cạnh tranh, họ sẽ thu hút các đối tác, đối thủ tham gia vào hoạt động của mình, cùng chia sẻ nguồn lực, hoạt động và trở thành tập đoàn kinh tế mạnh. Thị trường sẽ là tác nhân thúc đẩy việc thành lập tập đoàn kinh tế chứ không phải là quyết định thành lập của bất cứ một tổ chức, một chủ đầu tư nào. Những quyết định hành chính trong lĩnh vực này cần rất cẩn trọng. Tất nhiên, vai trò của Chính phủ thực sự quan trọng để thúc đẩy quá trình, tạo điều kiện và cơ hội để các doanh nghiệp lớn nhanh, lớn mạnh. Đó là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi kế hoạch kinh doanh, là thị trường tài chính phát triển đảm bảo đáp ứng nhu cầu huy động vốn, là hệ thống luật pháp chặt chẽ, minh bạch bảo vệ các hoạt động góp vốn, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, đó là các khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp minh bạch, đủ niềm tin cho thị trường... - Cũng đang có đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu mang tầm toàn cầu, ông nghĩ sao về điều này? Tôi muốn nhắc tới quan điểm của tôi về tập đoàn kinh tế, về các doanh nghiệp lớn: đó là các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp là đầu tàu của các ngành, lĩnh vực mà họ tham gia, dù đó là doanh nghiệp nhà nước hay là doanh nghiệp tư nhân. Chính năng lực, khả năng cạnh tranh và thu hút nguồn lực tạo nên thương hiệu và khả năng đầu tàu của các nhóm công ty, doanh nghiệp này. Hơn thế, nhờ năng lực nội tại của mình, các tập đoàn thậm chí có khả năng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia vào chuỗi hoạt động, cùng phát triển... Theo tôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt, bởi chính sự hạn chế về quy mô, năng lực quản trị. Với các doanh nghiệp lớn, đây lại là thế mạnh của họ. Như tôi đã nói ở trên, vai trò hỗ trợ của Nhà nước chỉ là tạo môi truờng kinh doanh, xây dựng hệ thống chính sách, hệ thống pháp lý thuận lợi, ổn định, minh bạch, rõ ràng để các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược.
Thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân: Vẫn còn quan ngại!
(Theo Anh Phương // Báo Doanh nhân)
Được hỏi về ý kiến mới đây của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân (theo đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam), nhiều đại biểu Quốc hội là các chuyên gia kinh tế, doanh nhân… đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên UB Kinh tế Quốc hội
Tôi được biết Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ nghiên cứu xem cách thức quản lý nhà nước đối với mô hình đó như thế nào.
TS Nguyễn Đức Kiên: “Không nên nghĩ rằng khi được gọi là “tập đoàn” thì doanh nghiệp sẽ mạnh lên” |
Hiện tại Điều 149, Luật Doanh nghiệp 2005 đã đưa ra khái niệm về tập đoàn kinh tế. Nhưng đúng là vẫn còn “treo” những vấn đề như: Quản lý như thế nào, khi có vấn đề xảy ra phải giải quyết bằng pháp luật thì xử lý công ty mẹ hay con? Nếu công ty con có tư cách pháp nhân đầy đủ thì quan hệ với công ty mẹ và các công ty con khác như thế nào? Có hay không khả năng tập đoàn ấy liên kết với nhau để chi phối giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán...
Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng họ chờ đợi sự rạch ròi về mặt pháp lý, quyền lợi - trách nhiệm, xác định rõ vị thế của từng doanh nghiệp trong mô hình sản xuất kinh doanh. Ví dụ như một nhà máy trong tập đoàn gây ra ô nhiễm môi trường thì giám đốc nhà máy đó phải chịu trách nhiệm hay là ông chủ tịch tập đoàn.
Tuy thế, cũng phải nói rằng “tập đoàn” hay “công ty cổ phần tập đoàn” được gọi tắt thành “tập đoàn” như hiện nay xét về khoa học kinh tế thì chả khác gì nhau cả. Đó chỉ là tên gọi mà thôi và không nên nghĩ rằng khi được gọi là “tập đoàn” thì doanh nghiệp sẽ mạnh lên, giá trị thương hiệu tự nhiên được nâng cao.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Trên thế giới, “tập đoàn” không phải là một loại hình doanh nghiệp, mà chỉ là tên gọi một nhóm công ty có liên hệ lợi ích với nhau. Những công ty đa quốc gia thực sự lớn mạnh như Toyota hay Samsung chẳng cần gọi mình là “tập đoàn” hay là gì cả, họ đơn giản là Toyota và Samsung! Ý tôi là doanh nghiệp có lớn mạnh hay không không phụ thuộc vào cái tên. Theo tôi, hành lang pháp lý hiện nay (Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán…), nếu ban hành đủ các văn bản dưới luật là đủ để quản lý tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân. Mà như vậy thì việc “dựng khung” pháp lý đối với tập đoàn kinh tế tư nhân có thật sự cần thiết không? Có chăng chỉ là phòng, chống khả năng liên kết tập đoàn dẫn đến độc quyền. Vấn đề mà tôi quan tâm hơn lại là mô hình tập đoàn nhà nước. Tôi nói từ rất lâu rồi, là cần có luật quản lý vốn nhà nước, nhưng văn bản luật đó cũng chưa được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa này. Cái đấy mới là thực sự cần. Nguồn vốn của nhà nước hàng chục tỷ đô la mà chưa có luật để quản lý, giao phó cho các “ông” tập đoàn có thực sự yên tâm? Cũng vì thế mà vừa qua Quốc hội phải tiến hành giám sát nội dung này, thấy rõ nhiều bất cập. Tới đây, ngày 1/7/2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn hết hiệu lực, tất cả các doanh nghiệp chỉ chịu sự diều chỉnh của Luật Doanh nghiệp chung thì việc thiếu luật về quản lý vốn nhà nước sẽ tạo ra một khoảng trống quản lý lớn. Ở các nước, Malaysia chẳng hạn, Tập đoàn dầu khí Petronas của họ được quản lý bằng một đạo luật do Quốc hội thông qua hẳn hoi. Có như thế mới đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn của nhà nước.TSTrần Du Lịch: “Việc “dựng khung” pháp lý đối với tập đoàn kinh tế tư nhân có thật sự cần thiết không”
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Khái niệm “tập đoàn” gần như chưa có trong Luật Doanh nghiệp, hoặc rất mờ nhạt. Tuy hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp tư nhân có tên gọi là “tập đoàn”, nhưng nói chính xác thì đó là loại hình “công ty cổ phần tập đoàn”. Việc “chính danh” cho tập đoàn kinh tế tư nhân là cơ sở bước đầu có ý nghĩa khuyến khích, động viên giới doanh nhân, thể hiện mức độ cởi mở ngày càng lớn hơn của Chính phủ, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn, thậm chí có thể cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn nhà nước trong một số lĩnh vực nhất định. Tôi hy vọng tới đây các cơ quan đã được giao nhiệm vụ sẽ đưa ra những định nghĩa cụ thể hơn, những tiêu chí rõ ràng hơn về “tập đoàn” cũng như những cơ chế, chính sách quản lý đối với loại hình ấy. Còn việc ra đời các tập đoàn đúng nghĩa có tạo ra được sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh hay không phải từ hai phía. Trong khi Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý cho tập đoàn hoạt động, thì các doanh nhân phải trả lời được câu hỏi tại sao thành lập tập đoàn (quy mô vốn, lĩnh vực hoạt động, cách thức tổ chức doanh nghiệp…).BàNguyễn Thị Nguyệt Hường: “Khái niệm “tập đoàn” có ý nghĩa nhất định trong việc tạo ra thương hiệu”
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com