Tin vui khi bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám được UNESCO vinh danh Di sản Tư liệu trong Chương trình Ký ức Thế giới. Mối lo cũng nảy sinh thêm bởi từ đây, chắc chắn sẽ có thêm đông người đến chiêm bái bia đá.
Bia đá ở Văn Miếu |
Theo PGS - TS Trịnh Khắc Mạnh, 82 bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là tư liệu quý, giúp các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tìm hiểu về văn tự học, giúp nghiên cứu lịch sử phát triển chữ Hán từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII ở Việt Nam.
Đặc biệt, tiêu đề của bia viết theo lối triện thư, một thể chữ truyền thống Trung Hoa hình thành thời Chiến Quốc, ngày nay ít sử dụng. Đây là những tư liệu nguyên bản, phản ánh truyền thống thư pháp học ở Việt Nam.
Mỗi tấm bia còn như một tác phẩm nghệ thuật, phong cách trang trí đa dạng. Trán bia đá thường là hình hoa lá, mây chầu mặt trăng, rồng hay chim phượng chầu mặt nguyệt. Nhiều tấm mang hình rồng. Một số mô phỏng phong cách Lý - Trần, phần còn lại theo phong cách mới - với xu hướng dân gian hóa. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật coi đây là nguồn tư liệu vô giá.
Trong 1.304 tiến sĩ đỗ đạt khắc tên trên bia đá, có tới 225 vị từng đi sứ Trung Quốc vào các triều Minh, Thanh. Có vị đi hai ba lần như Nguyễn Như Đổ (1424-1525), đi sứ triều Minh ba lần. Lương Như Hộc cũng từng đi sứ triều Minh hai lần, đỗ tiến sĩ năm 1442 và được khắc năm 1484. Lê Quý Đôn trong chuyến làm phó sứ sang triều Thanh đã làm thơ tặng bạn thơ Trung Quốc và các sứ thần Hàn Quốc. Tài văn chương của ông được người Trung Quốc và sứ thần Hàn Quốc ngợi ca.
Như thế, mỗi tấm văn bia không chỉ là nơi lưu danh thân thế sự nghiệp các sứ thần mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong mối quan hệ giao bang với các nước vùng Đông Bắc Á.
Những tư tưởng vẹn nguyên tính thời sự
Lâu nay, 82 bia đá về các khoa thi tiến sĩ luôn được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ lịch sử, văn hóa, giáo dục, triết học, pháp luật, ngôn ngữ văn tự. Đặc biệt, các bài ký của bia giúp hiểu được chính sách phát triển giáo dục của các triều đại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc chăm lo đào tạo nhân tài.
Ví như, bia khoa thi tiến sĩ năm 1442 khắc năm 1484 viết: “Nghĩ việc đặt khoa thi, kén kẻ sĩ là chính sự cần làm trước nhất. Tô điểm cơ đồ, khôi phục mở mang trị hóa chính là ở đây, mà sửa sang chính sự, sắp đặt công việc, giáo hóa dân phong mỹ tục là ở đây.
Các bậc đế vương đời xưa làm nên trị bình đời nào cũng theo thế”. Rồi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Bia khoa thi tiến sĩ năm 1448 cũng đề cập: “Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc thì đều bị coi là thiếu đường hướng phát triển”.
Việc khắc bia đề tên- ngoài việc nêu gương sáng, còn góp phần giáo dục nhân cách. Nhắc nhở những người đỗ tiến sĩ sống sao cho có ích với xã tắc, sao cho xứng danh kẻ sĩ khi được hưởng ơn vua lộc nước, khi được nhân dân kỳ vọng.
Ví như bia khoa thi tiến sĩ năm 1442 khắc 1484 viết: “Nay những người được đề tên vào tấm bia đá này, nửa phần tuổi tác đã cao, nhưng con người trung chính hay ngụy tà thế nào, việc làm được mất nên hư thế nào, công luận nghiêm xét ngàn đời khó trốn”.
Tấm bia khác viết: “Kẻ sĩ được khắc tên vào bia đá này, thật may mắn biết bao. Cho nên, phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau, làm những việc sở học để làm nên sự nghiệp to lớn quang minh khiến thiên hạ đời sau phải nhón chân lên mà nhắc nhở thanh danh, mến mộ khí tiết. Người ta đọc được trên bia không giống như dư luận mà họ nghe biết, việc làm trái với sở học làm hủy hoại đức hạnh, lụy đến danh giáo thì là vết nhơ cho tấm đá này”.
Bảo tồn thế nào
Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày, Văn Miếu đón hàng vạn lượt khách. Để bảo vệ bia, một dải phân cách được lập nên. Nhưng rồi không ngăn nổi những du khách háo hức sờ đầu rùa lấy may. Xích sắt bị nhổ, bị xô bật. Tiền lẻ rải đầy lưng rùa. Không hiểu, có bao nhiêu người đỗ đạt, bao nhiêu người thăng quan tiến chức sau khi xoa đầu rùa. Chỉ biết hậu quả là đầu rùa cứ bóng lên, chữ trên bia thì mờ dần.
Trong quá trình bàn thảo, nảy ra các phương án bảo tồn. Ví dụ dựng hàng rào gỗ, bảo tồn toàn bộ, tức là đưa cả nhà bia vào khung kính. Cách này an toàn nhất. Nhưng người xem lại khó tiếp cận.
Thời tiết cũng là mối đe dọa, dù chất liệu đá rất bền. Những tấm bia qua phong sương có thể bị lên rêu mốc, khi trời nồm đá đổ mồ hôi rồi bị bụi bám, phải thường xuyên lau dọn. Năm 1995 có chuyên gia nước ngoài thí nghiệm phun hoá chất chống nấm mốc cho mái ngói Văn Miếu, có nghiên cứu thử với bia nhưng vẫn chưa áp dụng được.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh - Viện trưởng Viện Hán Nôm, đưa một số gợi ý cho việc phát huy giá trị văn bia, như quản lý bằng công nghệ thông tin, quảng bá trên mạng. Bên cạnh đó cần sớm có hệ thống ảnh tư liệu tổng thể, bộ phận, chi tiết kèm theo mã, ký hiệu để người xem tiện tra cứu. Nội dung văn bia cũng nên dịch ra tiếng nước ngoài để giới thiệu rộng rãi.
Thời gian tới sẽ có những cuộc phối hợp, hội thảo về việc bảo vệ bia Văn Miếu, tuyên truyền về giá trị của di sản. Bản dịch tiếng Việt của những tấm bia đã được Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho xuất bản, việc vi tính hóa bằng chữ Hán cũng đã hoàn tất.
Trước đại lễ nghìn năm Thăng Long, cuốn Văn khắc Hán Nôm của Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ xuất bản với đầy đủ nội dung của văn bia, chuông, câu đối lưu giữ tại đây. |
(Theo Quang Phạm // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com