Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều chỉnh giá thận trọng không gây tác động lớn đến đời sống nhân dân

Tác động của điều chỉnh giá một số  mặt hàng liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, việc quản lý vốn và tài sản của Nhà nước tại Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines… là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình tại phiên chất vấn của UBTVQH sáng nay (19/3).

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn trong phiên họp UBTVQH sáng 19/3. Ảnh Chinhphu.vn

Điều chỉnh giá than, điện hợp lý

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2010 (tăng 1,96% so với tháng 1/2010; tăng 3,35% so với tháng 12/2009) được các thành viên UBTVQH cho là cao, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình, nếu so sánh với các tháng trong năm 2008 và 2009 thì chỉ số này là bình thường, không đột biến và theo xu hướng biến động giá cả có tính quy luật hàng năm của nước ta (thông thường CPI tháng 2 cao là do nhu cầu và sức mua, thanh toán cao trong dịp Tết Nguyên đán).

Về giá các mặt hàng nhạy cảm như điện, than, xăng dầu, Bộ trưởng giải trình Chính phủ đã có tính toán thận trọng và cụ thể, nhất quyết không để ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân,

 Giá bán điện tuy có điều chỉnh (theo lộ trình được phê duyệt trước) nhưng dự kiến chỉ tác động CPI tăng ở mức thấp (khoảng 0,16%). Chính phủ cũng quyết định giữ ổn định giá bán than cho sản xuất và tiêu dùng trong nước như năm 2009, chỉ điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện. Như vậy, việc điều chỉnh giá than chỉ tác động đến giá điện, không tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng khác.

Với mặt hàng được người dân đặc biệt quan tâm hiện nay là xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, các đợt điều chỉnh giá là đúng quy định và hợp lý. Mặc dù cơ chế giá đã thực hiện theo thị trường, song doanh nghiệp vẫn phải báo cáo phương án điều chỉnh có sự kiểm soát của Nhà nước  chứ không được tùy tiện tăng giá.

Giải đáp các mối quan tâm về chính sách giá năm 2010, Bộ trưởng cho biết, năm 2010 sẽ không tăng giá điện ngoài lần điều chỉnh đầu tháng 3 vừa qua; đồng thời cũng không tăng giá than bán cho điện.

Tổng hợp nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến quản lý giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, mặc dù kịch bản giá năm 2010 chưa có đột biến, nhưng là diễn biến trên mặt bằng giá mới - vốn đã cao, nên không thể chủ quan. “Linh hoạt trong chi tiêu công và thực hiện chính sách tài chính vừa thắt chặt, vừa cởi mở, không làm tăng lượng tiền trong lưu thông là những giải pháp cần thiết”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý.

Chấp nhận tái cơ cấu JPA để thị trường phát triển cạnh tranh

Trả lời đại biểu Lê Quang Bình về hoạt động của Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines - JPA  mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm cổ phần chi phối, Bộ trưởng Tài chính giải trình, từ khi thành lập (năm 1991) - với trên 80% vốn của Công ty mẹ (Vietnam Airlines) - đến năm 2005, JPA liên tục làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán và đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho thị trường phát triển cạnh tranh, Chính phủ quyết định phương án tái cơ cấu JPA trên cơ sở chấp nhận bán phần vốn cho nước ngoài.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đúng là giai đoạn đầu hoạt động của JPA có khó khăn song JPA đã rất cố gắng và có thời điểm có lãi.  Vì thế, cần có thêm thời gian để JPA phục hồi.

Liên quan đến chuyện lãnh đạo JPA hưởng lương cao trong bối cảnh hãng bị thua lỗ, Bộ trưởng cho biết đã có báo cáo giải trình vụ việc lên Chính phủ và trả lời báo chí khi sự việc xảy ra. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu phía đối tác cắt giảm 50% lương, tiết giảm cán bộ, kỹ sư người nước ngoài và thay thế Tổng giám đốc JPA.

* Cũng trong sáng nay, khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, đại biểu Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề, hiện các ngân hàng cho vay theo lãi suất thỏa thuận lên tới 15 – 18% trong khi lãi suất tiền gửi không tăng (trần là 10,5%), như vậy liệu tới đây ngân hàng có huy động được tiền gửi hay không?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, về lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, NHNN đã có thông tư hướng dẫn cụ thể. Các chuyên gia tiền tệ cơ bản ủng hộ hình thức này. Thời gian qua, các ngân hàng cho vay lãi suất thoả thuận ở mức 14-15%, còn các ngân hàng TMCP phổ biến ở mức 16-17%, cá biệt có ngân hàng cho vay với lãi suất 18%, thậm chí 19%.

Theo Thống đốc, năm nay Quốc hội đặt chỉ tiêu CPI không quá 7%. Vì thế, NHNN, sẽ cố gắng đưa lãi suất bám sát chỉ tiêu định hướng này. NHNN đang có các giải pháp hạ lãi suất, kể cả huy động và cho vay.

Thống đốc cũng cho biết thêm, tính đến ngày 16/3/2010, tiền gửi của người dân tăng 8% so với cùng kỳ năm 2009.

(Theo Giang Oanh // Tin Chính phủ)

  • “Điểm nghẽn” trong quản lý giá
  • Cải cách hành chính: Ba vấn đề cần giải quyết
  • Coi trọng tính minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh
  • Kinh tế VN 2010 : Triển vọng lạc quan
  • Lượng hoá lợi ích
  • "Điện hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể ở VN"
  • Dân một ấp đeo hai gông: ô nhiễm và lụt lội
  • Ðồng bộ các công cụ điều tiết thị trường sẽ thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi