Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/7 sẽ bắt đầu thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh. Với chi phí thấp, công suất lớn, thủy điện sẽ có lợi thế khi chào bán điện. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tạo ra yếu tố cạnh tranh trong thị trường phát điện.
Lợi thế thuộc về thủy điện
Việc hình thành và đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhằm tạo ra "sân chơi" lành mạnh giữa các đơn vị phát điện, khuyến khích tiết kiệm chi phí cho khâu sản xuất, truyền tải, phân phối để có được giá điện hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng. Đồng thời để tạo tín hiệu tốt, thu hút các nguồn đầu tư vào phát triển điện.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có công suất 450MW sẽ tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7 này. Theo nguyên tắc chào giá, đơn vị nào có giá điện chào thấp nhất sẽ được huy động đầu tiên. Tuy nhiên, quy định này có vẻ thuận lợi với các nhà máy thủy điện vì chi phí đầu tư thấp. Còn đối với các nhà máy điện chạy bằng dầu và khí như Nhơn Trạch 1 thì việc cạnh tranh không phải là lợi thế.
Có ý kiến cho rằng nên sắp xếp theo nhóm để chào bán. Ông Trịnh Việt Thắng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Dầu khí Việt Nam, nói: “Chúng ta nên phân nhóm các dạng điện như: điện gió, điện khí, thủy điện… có thể ưu tiên về dòng điện hay chất lượng nguồn điện".
Theo Bộ Công thương, giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua gồm 2 thành phần: giá cố định và giá biến đổi. Giá biến đổi sẽ phụ thuộc vào giá đầu vào, khi giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi thì giá điện của EVN mua vào cũng sẽ được điều chỉnh. Quy định này giảm khó khăn cho các đơn vị sản xuất điện, đặc biệt đối với các đơn vị ngoài nguồn điện.
Từ năm 2005 đến nay, EVN đã triển khai thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh với sự tham gia của 7 nhà máy thuộc tập đoàn này. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu điện luôn luôn diễn ra nên Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia luôn phải điều động tất cả các nguồn điện, kể cả các nguồn có giá thành cao như chạy dầu.
Cần phải tạo ra yếu tố cạnh tranh
Nhà máy Nhiệt điện Phả lại với công suất 1040MW là 1 trong 7 nhà máy của EVN tham gia thị trường phát điện cạnh tranh ngay từ đầu. Dĩ nhiên, đây chỉ được coi là bước tập dượt. Hàng ngày họ gửi bảng chào giá lên A0 là Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhưng trên thực tế, nhà máy chỉ được thanh toán 5% sản lượng theo giá chào mà họ đưa ra, còn 95% vẫn thanh toán theo hợp đồng đã ký trong 4 năm giữa nhà máy với EVN.
Ông Nguyễn Khắc Sơn - Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, nói: “Nếu giá chào không được chọn thì đương nhiên sản lượng điện không được phát hết”. Từ góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh là phải có công suất dự phòng từ 25-30%, vì thị trường cạnh tranh chỉ có ý nghĩa khi cung vượt cầu ở một tỷ lệ nhất định, trong khi hiện nay chúng ta không hề có điện dự phòng.
Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nói: “Nếu các nhà máy không đảm bảo được các tiêu chí, quy đinh của thị trường điện thì giá điện sẽ không phản ánh thực tế của các nhà máy này. Cho nên, trong quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phải có trách nhiệm xây dựng quy định sao cho đảm bảo không hỗn loạn thị trường, cũng như tính minh bạch trong giá điện”.
Tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, cả nước sẽ có 82 nhà máy trên 30MW, trong đó trên một nửa số này là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sản lượng phát từ các nhà máy của EVN vẫn chiếm trên 60%. Chưa có một cơ quan điều tiết độc lập và phi lợi nhuận để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người dùng điện. Vì vậy, cơ cấu ngành điện đang được tổ chức theo mô hình kết hợp dọc, gồm cả phát điện, truyền tải điện, phân phối mua bán điện và điều hành hệ thống điện.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố cạnh tranh là chưa có. Phát điện cạnh tranh mới chỉ là bước mở đầu để ngành điện Việt Nam tiến tới một thị trường điện cạnh tranh. Khi đó, việc độc lập, tự chủ sẽ diễn ra ở tất cả các công đoạn, từ sản xuất điện, truyền tải tới phân phối điện…
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com