Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Phải hỏi ý kiến dân khi bỏ hội đồng nhân dân”

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cho rằng chưa nên bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường - Ảnh: Thế Dũng.

Bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường cần phải hỏi ý kiến nhân dân cho chắc chắn hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình trao đổi với báo chí.

Quan điểm này được ông Bình đưa ra khi Chính phủ vừa trình bày báo cáo tổng kết bước 1 về thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường tại Hội nghị toàn quốc về hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, sáng 11/9.

Theo ông Bình, Chính phủ đề nghị khi bầu cử vào tháng 5/2011 là đồng loạt bỏ luôn hội đồng nhân dân quận, huyện, phường thì e là vội vàng, vì thời gian thí điểm chưa được nhiều.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM Phạm Phương Thảo lại cho rằng có thể không tổ chức hội đồng nhân dân cấp huyện kể cả ở những nơi không phải thành phố lớn. Thậm chí ngay cả ở các xã đang có xu hướng đô thị hóa tại Tp.HCM cũng có thể không tổ chức hội đồng nhân dân.

Kiểm soát để tránh lạm quyền

Chủ nhiệm Lê Quang Bình cho biết, nhiều ý kiến chưa thật đồng tình với việc bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Bởi trước hết là xuất phát từ lý luận, Nhà nước pháp quyền thì phải quản lý Nhà nước bằng pháp luật, quyền lực phải thuộc về nhân dân. Mà nhân dân thì từng người một không thể tự mình làm chủ được mà phải thông qua người đại diện cho mình, đó là đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội. Bây giờ bỏ hội đồng nhân dân đi, về lý luận là bỏ trống.

“Về nguyên tắc thì khi nhân dân giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền’, ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến chức năng giám sát, vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nhắc lại câu chuyện trước đây giao cho viện kiểm sát thẩm quyền giám sát việc thi hành pháp luật. Khi quyết định bỏ chức năng đó cũng lấy lý do giao thẩm quyền này cho Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, ngoài ra còn có mặt trận.

Thế nhưng, trước đây mỗi một năm viện kiểm sát kiến nghị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật không tương thích, thậm chí trái với luật, với pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội. Nay, “tôi thấy hầu như không có việc bãi bỏ một văn bản nào”, ông Bình so sánh.

Cũng bởi thế, ông Bình cho rằng phải xem xét lại khi bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường mà giao việc tập hợp kiến nghị cử tri cho đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong khi số đại biểu chuyên trách lại rất ít.

Một lý do nữa, theo ông Bình là thời gian thí điểm chưa đủ. Và điều quan trọng, “hiện nay chưa có luật trưng cầu dân ý nhưng có thể bằng hình thức nào đấy để lấy thêm ý kiến của nhân dân, phải hỏi ý kiến nhân dân”.

Ngoài ra, theo ông Bình cũng phải có thêm kênh ý kiến của hội đồng nhân dân các cấp một cách chính thức và ý kiến của mặt trận. Bởi “chúng ta phải tin ở Chính phủ, tin ở ủy ban nhân dân các cấp nhưng nếu hỏi ý kiến của hội đồng nhân dân một cách độc lập thì tôi nghĩ có thể hội đồng nhân dân các cấp sẽ cho rằng không nên bỏ. Mặt trận tổ quốc cũng chưa chắc đồng ý bỏ”.

Theo Chủ nhiệm Bình, đây là vấn đề lớn, liên quan đến quyền làm chủ của dân, nên kỳ họp Quốc hội tới chưa nên vội vàng kết luận mà nên tiếp tục thí điểm. Và “chắc chắn hơn là lấy ý kiến nhân dân, như thế sẽ tốt hơn”.  

HĐND huyện không quyết được nhiều

Không đồng tình với một số ý kiến cho rằng bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường là do hoạt động không hiệu quả, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM Phạm Phương Thảo khẳng định thành phố thực hiện thí điểm trong khi hội đồng nhân dân cấp này đang hoạt động khá tốt.

Tuy nhiên, “trong thực tế hội đồng nhân dân cấp huyện không quyết được quá nhiều vấn đề. Vì ngân sách cấp trên quyết rồi, những chỉ tiêu, pháp lệnh về thuế cũng không sửa đổi được, vấn đề nhân sự cũng có tổ chức Đảng thông qua. Còn lại là giám sát, tiếp dân thì cấp trên làm cũng được, nếu có sự phối hợp với mặt trận và các đoàn thể”, bà Thảo phân tích.

Thực hiện ở tất cả 259 phường và 24/24 quận huyện, Tp.HCM là nơi thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường với quy mô lớn. Và, theo đánh giá của bà Thảo thì việc thí điểm khá thành công. Ở chỗ đã khắc phục sự trùng lắp về chức năng nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy nhưng điều hành kinh tế - xã hội vẫn đảm bảo.

Đặc biệt, việc làm này rất hợp với đề xuất của thành phố về thí điểm xây dựng chính quyền đô thị. Và theo bà Thảo thì cũng phù hợp với các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Cái được rất lớn của việc không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, theo đánh giá của Chủ tịch hội đồng nhân dân thành phố là tinh gọn bộ máy, tiết kiệm hội họp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Con số cụ thể được bà Thảo cho biết là mỗi quận, huyện tiết kiệm từ 1 - 1,7 tỷ, thành phố 1 năm có thể tiết kiệm 30 tỷ đồng.

Vừa qua thành phố cũng đã sắp xếp chuyển công tác cho hơn 300 cán bộ hợp lý, đảm bảo chế độ chính sách, nên không phát sinh những vấn đề về tâm tư. Vậy nên qua lấy ý kiến ở 58 xã, 5 thị trấn, thì phần lớn là xin xem xét có thể không tổ chức hội đồng nhân dân, chỉ có 10% xin tiếp tục tổ chức, bà Thảo nói.

Về nỗi lo “khoảng trống giám sát”, bà Thảo cho rằng sẽ không có khoảng trống này nếu Hội đồng nhân dân thành phố phố hợp tốt với mặt trận và các tổ chức đại diện của dân.

Người đứng đầu Hội đồng nhân dân Tp.HCM nhấn mạnh, người dân không quá quan tâm đến việc không tổ chức hội đồng nhân những cấp nào mà quan trọng là vấn đề bức xúc của họ có được thành phố quan tâm xử lý không, kinh tế xã hội có phát triển không...

Tuy nhiên, điều cần đặc biệt quan tâm khi bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, theo bà Thảo là trình độ cán bộ phải tương xứng, đi kèm với cơ chế chính sách, điều kiện hoạt động phù hợp. Đồng thời phải làm rõ hơn nữa chức năng nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, của từng cán bộ, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu phải rõ ràng hơn nữa.

(Theo Vneconomy)

  • Áp lực tăng lương kép
  • Để chống lạm quyền và tham nhũng tài sản công
  • Xác định rõ vai trò kinh tế nhà nước
  • Doanh nhân Việt ở nước ngoài mong có cơ chế thông thoáng hơn
  • Kê khai giá: Doanh nghiệp còn thờ ơ
  • Cải cách tiền lương: Cải tổ để trả giá đúng sức lao động Bài 1: Lương cán bộ công chức: Đã xứng đồng tiền bát gạo chưa?
  • Cải cách tiền lương: Cải tổ để trả giá đúng sức lao động Bài 2: Cải cách tiền lương là...
  • Cơ cấu lại nền kinh tế: Hướng đi nào cho Việt Nam?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi