Giải pháp tốt nhất để vừa tăng thu nhập cho người lao động, vừa thu hút đầu tư là phải nâng cao chất lượng lao động. Ảnh: HÀ THANH |
Rất nhiều DN, đặc biệt là những DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến… đang có xu hướng chuyển nhà máy đến những vùng ven đô với lợi thế lương tối thiểu thấp, ít phải lo khan hiếm lao động. Đây là cơ hội cho nhiều tỉnh có điều kiện thu hút đầu tư kém thuận lợi. Ví dụ, tại tỉnh Bắc Giang, đang có 20 doanh nghiệp may mặc sử dụng thường xuyên khoảng 10.000 lao động. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã thuê đất trong các khu công nghiệp của tỉnh để xây dựng nhà xưởng. Nguyên nhân chính là do lương tối thiểu ở các vùng của Bắc Giang thấp (chủ yếu là vùng 3 và vùng 4), nên giá nhân công rẻ, lao động dồi dào.
Tuy nhiên, nếu các địa phương vùng thấp đề xuất áp dụng tăng lương tối thiểu lên vùng cao hơn, thì đến thời điểm ngày 1/1/2010, DN sẽ chịu áp lực rất lớn khi lương bị tăng kép (một lần tăng từ vùng thấp lên vùng cao và một lần tăng theo lộ trình). DN sẽ cân nhắc có nên đặt nhà máy tại những vùng này nữa hay không, khi lợi thế quan trọng nhất là lương lại trở thành áp lực. Không những thế hầu hết DN sử dụng nhiều lao động đều rơi vào những ngành gia công, giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp.
Vì vậy, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép các địa phương tự đề xuất phương án phân vùng lương tối thiểu là cơ hội để các tỉnh, thành phố nhìn lại chính sách và nhu cầu thu hút đầu tư trên địa bàn. Có đề xuất nâng vùng hay không, các tỉnh, thành phố phải tự cân đối trong tương quan với các vùng lân cận. Trong bối cảnh tỉnh nào cũng trải thảm đỏ thu hút đầu tư, để cân bằng giữa việc tăng lương và mục tiêu thu hút đầu tư là hoàn toàn không dễ dàng.
“Nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết, họ sẽ chuyển nhà máy sang các nước có mặt bằng lương thấp hơn Việt Nam, nếu lương tối thiểu liên tục tăng”, một lãnh đạo Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thừa nhận và cho rằng, việc cân đối giữa tăng lương để nâng cao đời sống người lao động và mục tiêu thu hút đầu tư không chỉ khó với các địa phương, mà còn là áp lực với cả Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Còn nhớ, tại một hội thảo về tiền lương diễn ra hồi đầu năm, một chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đã nhận định, Việt Nam dựa vào giá nhân công rẻ để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và hướng tới xuất khẩu như dệt may, da giày… Tuy nhiên, các DN này sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu, khi xu hướng sản xuất ngày càng sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động có tay nghề cao. Do vậy, giải pháp tốt nhất để vừa tăng thu nhập cho người lao động, vừa thu hút đầu tư là phải nâng cao chất lượng lao động, để hướng phát triển vào những ngành sản xuất công nghệ cao, thâm dụng vốn và đem lại giá trị gia tăng lớn.
(Theo Phan Long // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com