Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Khoảng trống CNTT” trong doanh nghiệp

Hiện vẫn còn ít doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quá trình quản lý chất lượng sản phẩm cũng như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.(Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Lê Toàn.

Các chuyên gia công nghệ đánh giá rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các doanh nghiệp vẫn chưa tương xứng với quy mô hoạt động và nhu cầu phát triển của chính họ, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước, tạo thành một bức tranh buồn trong bối cảnh chuyển động của nền kinh tế.

Dù từ năm 2005 Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010” nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng sản phẩm và giải pháp CNTT để tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đạt mục tiêu này, phần lớn chỉ mới dừng lại ở việc trang bị các phần mềm văn phòng cùng vài công cụ như e-mail, trang web giới thiệu, trang web giao dịch điện tử…

Bức tranh buồn

Một chủ xưởng cơ khí-điện ở TP.HCM than rằng cái được gọi là CNTT ở doanh nghiệp của ông chỉ càng làm cho một số nhân viên sao nhãng công việc vì họ lo đọc báo và trò chuyện (chat) với bạn bè trên mạng. Ông cho biết xưởng cơ khí của mình thuộc dạng nhỏ, được thừa hưởng từ gia đình, hình thức sản xuất thủ công, với công nghệ cũ. Cái mà doanh nghiệp này cần là nguồn vốn để chuyển đổi thiết bị sang một công nghệ mới, vừa tiết kiệm năng lượng lại cho ra đời sản phẩm chất lượng cao hơn.

Suy nghĩ của chủ doanh nghiệp nói trên về vấn đề ứng dụng CNTT, theo một chuyên gia, là kiểu nhận thức phổ biến trong giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm hơn 90% trong tổng số hơn 400.000 doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Việc coi ứng dụng CNTT đơn thuần chỉ là trang bị chiếc máy tính cài đặt phần mềm văn phòng, mạng Internet để nhân viên có thể sử dụng e-mail, lướt web và chat, theo vị chuyên gia này, thật là sai lầm.

Điều đáng tiếc là ở chỗ, vẫn còn ít doanh nghiệp nhận thức được rằng ứng dụng CNTT là phải khai thác hiệu quả của các phần mềm ứng dụng quản lý, những công cụ và giải pháp tổng thể nhằm giúp nâng cao năng suất và giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều nguồn thông tin và các kho tư liệu sáng chế khác nhau.

Tiến sĩ Lê Viết Dũng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết phần lớn các doanh nghiệp ở miền Trung mà ông tiếp xúc gần như không sử dụng CNTT. Họ chưa ý thức được và chưa hình dung được việc ứng dụng CNTT vào tổ chức, quản lý doanh nghiệp, xây dựng chiến lược là như thế nào.

“Việc tin học hóa của các doanh nghiệp này chỉ là sự tùy tiện, không đồng nhất, vì thế hiệu quả đạt được là rất thấp, vì thiếu các yếu tố chiến lược, tầm nhìn, tổ chức và văn hóa doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Ông Dũng hiện đang tham gia cùng một nhóm các trí thức và doanh nghiệp ở TP.HCM thực hiện một dự án nhằm thúc đẩy CNTT trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả ứng dụng nội bộ lẫn thương mại điện tử trong doanh nghiệp, bằng các giải pháp tổng thể về tin học hóa, dựa trên bốn yếu tố chính là cơ sở dữ liệu, hạ tầng, phần mềm và con người.

Còn ở Đồng Nai, theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, các doanh nghiệp ở tỉnh đã nhận được các chương trình hỗ trợ, như xây dựng trang web, đào tạo nhân lực, nhưng hiệu quả vẫn còn là tương đối. Bà Huệ cho biết tỉnh Đồng Nai có các đề tài và dự án về CNTT, đồng thời đưa ra các giải thưởng cho các doanh nghiệp ứng dụng tốt CNTT để khuyến khích họ. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, và vẫn chỉ nghiêng về các lĩnh vực cải cách hành chính, chưa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất.

Trao đổi với TBVTSG, tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nhận xét rằng ở Việt Nam, CNTT còn được ứng dụng rất ít, ngay cả ở các doanh nghiệp lớn, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Quân cho rằng việc ứng dụng CNTT trong quá trình quản lý chất lượng sản phẩm cũng như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp cũng còn rất hạn chế. “Đây là khoảng trống mà các doanh nghiệp cần phải tập trung đầu tư, vì CNTT tuy chỉ là một công cụ nhưng giúp các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ mới, với xu thế mới của thế giới cũng như của Việt Nam để tạo ra các sản phẩm có giá trị”, ông nói.

Ông giải thích, nếu không nhờ CNTT thì doanh nghiệp sẽ rất thiếu thông tin để có thể đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, trong đó việc khai thác các thế mạnh về sáng chế, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa là những nguồn thông tin rất bổ ích cho doanh nghiệp, đó là chưa kể các thông tin về giá cả giao dịch sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như thế giới. Từ đó, doanh nghiệp có thể quyết định nên bán sản phẩm ở đâu, mua công nghệ nào… Những thông tin quan trọng đó chỉ có thể tiếp cận được bằng CNTT.

Cũng theo ông Quân, việc thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng CNTT thuộc phạm vi của Bộ Công Thương, nhưng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng sẽ không đứng ngoài cuộc. Bộ này hiện đã xây dựng một mạng thông tin quốc gia cùng một cơ sở dữ liệu quốc gia về các kết quả nghiên cứu khoa học, các phát minh sáng chế, các nguồn sản phẩm, phân tích thị trường để hỗ trợ các bộ ngành khác cũng như giới doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng tin học vào quản lý và sản xuất.

Thêm vào đó, bộ cũng đang chủ trì một chương trình ISO quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa công nghệ quản lý vào doanh nghiệp và cả cơ quan hành chính. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, dù kết quả cho thấy doanh nghiệp nào đưa ISO vào quản lý thì phát triển tương đối tốt, trở thành đòn bẩy cho chất lượng sản phẩm.

Chuyển động từ TP.HCM

Chính quyền TP.HCM xác định CNTT là một trong bốn lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển, nhưng trong hơn hai năm triển khai Đề án đổi mới công nghệ phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố, vẫn có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ, trong đó nổi bật là trình độ công nghệ và vốn.

Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM Lê Hoài Quốc bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ tụt hậu xa hơn của các doanh nghiệp về mức sống lẫn trình độ công nghệ, dù rằng Việt Nam có mức tăng trưởng khá về kinh tế trong khu vực.

Ông Quốc nói rằng sự cạnh tranh trên thị trường khu vực, thị trường quốc tế ngày càng gay gắt hơn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng và có hại cho môi trường. Hơn nữa, trong giai đoạn 1999-2007, lực lượng lao động công nghệ cao giảm từ 15% xuống còn 12%, vốn đầu tư cho công nghệ cao giảm từ 11% xuống còn 9%, dẫn đến một thực trạng là các doanh nghiệp hiện nay đang nặng về gia công và xuất khẩu thô, nên giá trị gia tăng thấp.

Hiện nay, thành phố cũng chỉ mới đánh giá được trình độ công nghệ của 429 doanh nghiệp, điều đáng nói là chỉ 1% trong số đó có trình độ công nghệ tiên tiến, hơn 50% dưới mức trung bình. Trong hơn 1.000 phiếu khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ được phát ra, chỉ có 50 doanh nghiệp có phản hồi, cho thấy một sự thờ ơ đối với mục tiêu đổi mới công nghệ, hợp lý hóa và tự động hóa sản xuất, và chỉ tiêu đổi mới công nghệ ở mức 15% hằng năm cũng sẽ khó đạt. Qua hơn hai năm, đề án này cũng chỉ mới có 13 dự án về nghiên cứu chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu trong các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, CNTT được hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

Chính vì thế, sở đã cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM ký một bản thỏa thuận hợp tác, nhằm đưa công nghệ vào trong doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hàm lượng chất xám trong sản xuất, tạo nên sức cạnh tranh cho hàng hóa, mang về nhiều giá trị gia tăng hơn.

Theo sự thỏa thuận, sở sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tư vấn cho họ về các công cụ quản lý, nâng cao năng suất, nghiên cứu chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, cùng một số công việc khác từ nay đến hết năm 2011.

Bài toán về đầu ra của nghiên cứu khoa học coi như đã tìm được lời giải mới, thay cho tình trạng nghiên cứu để xếp lại, hoặc chỉ các cơ quan nhà nước sử dụng. Nhưng để các sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị thương mại, việc lấy các doanh nghiệp làm trung tâm chưa đủ, mà còn cần đến nguồn vốn lớn để hỗ trợ họ đầu tư cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sử dụng các công cụ quản lý, tin học vào sản xuất và kinh doanh.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đánh giá đây là một sự hợp tác đầy tiềm năng để khai thác thế mạnh của nhau. Trong khi Sở Khoa học - Công nghệ nắm giữ nhiều công nghệ và kinh nghiệm, lại là đầu mối của nguồn ngân sách rất lớn cho nghiên cứu và phát triển, thì các doanh nghiệp lại thiếu nguồn thông tin này, nên phải nhập công nghệ từ nước ngoài và phải vay tiền cho việc đổi mới công nghệ từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn.

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ TP.HCM, với nguồn vốn 50 tỷ đồng, được dự kiến nâng lên đến 200 tỷ đồng vào cuối năm nay để mở rộng đối tượng, điều kiện cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung hạn có mức lãi suất ưu đãi (có thể lên đến 50%), thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.

(Theo Phi Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Dự án nào cần Quốc hội quyết chủ trương đầu tư?
  • Quả ngọt dễ hái không còn nữa
  • “Việt Nam, thị trường triển vọng nhất trong ASEAN”
  • Nhiều nhưng chưa cần
  • Vay vốn cải tạo môi trường sản xuất: Doanh nghiệp kêu khó, nhà nước bảo không
  • ĐBSCL trước thách thức kép
  • Cần 162,5 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế đảo đến 2020
  • Chỉ số giá tiêu dùng hạ: Cảnh giác, ngăn chặn lạm phát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi