Nếu không tiếp tục cải cách một cách mạnh mẽ, thì theo quy luật lợi suất giảm dần, nhịp độ và mức độ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam sẽ giảm đi và thậm chí có thể làm mất đi những thành quả đã đạt được trước đây.
Đó là cảnh báo của nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế trong một báo cáo do viện Chiến lược phát triển, bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì. Báo cáo này nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011 – 2020 đang được soạn thảo.
Hai tác giả chính của báo cáo, Colin Kirkpatrick và Nick Freeman, cho rằng những thành công trong hai thập kỷ qua như xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng đầu tư trong nước… không thể đảm bảo thành công cho Việt Nam trong 10 năm tới.
Lý do là công cuộc phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 10 năm tới ngày càng trở nên khó khăn hơn vì những quả ngọt dễ hái của các cải cách kinh tế không còn nữa. Trong khi đó, một số thách thức mới bắt đầu hé lộ và sẽ hiển hiện rõ nét hơn trong thời gian tới.
Về những đề nghị cụ thể, sau khi phỏng vấn nhiều quan chức, lãnh đạo, giới nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm chuyên gia này đã đưa ra năm vấn đề chính:
Thứ nhất, Việt Nam cần đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa chất và lượng của tăng trưởng kinh tế. Theo đuổi tăng trưởng cao chắc chắn sẽ không bền vững và có thể sẽ mang lại những tác động tiêu cực về mặt xã hội và môi trường vốn đang ngày càng lộ rõ với Việt Nam.
Thứ hai, cần kết hợp tốt hơn giữa phát triển thành thị và nông thôn. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ở nông thôn đang kém hơn so với thành thị. Mặc dù Việt Nam vẫn cơ bản là nước nông nghiệp, nhưng các chính sách công nghiệp hoá và đô thị hoá hiện nay không hỗ trợ khu vực kinh tế nông thôn. Cần giải quyết hợp lý hơn những áp lực lên diện tích đất hữu hạn ở nông thôn và thành thị, và sinh kế của người dân.
Thứ ba, cần giải quyết các bất cập về năng lực trong nước vốn là mối đe doạ nghiêm trọng đối với tăng trưởng tương lai. Do thiếu hụt dai dẳng về nhân lực, cơ sở hạ tầng, thể chế, khu vực doanh nghiệp trong nước đang dần tích tụ và tạo ra giới hạn trần của tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Mức trần này đã hình thành vì Việt Nam đang chật vật tiến lên mức cao hơn trong chuỗi giá trị.
Thứ tư, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau cần tốt hơn. Lý do là những thách thức đa dạng mà Việt Nam phải đối mặt trong thập niên tới dường như không thể giải quyết được bởi một cơ quan đơn lẻ. Các chuyên gia này cho rằng, có một số dấu hiệu cho thấy năng lực của các cơ quan chính phủ ngày càng yếu kém hơn so với khu vực kinh tế tư nhân và có thể trở thành rào cản cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Cuối cùng, về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội: cần xác định nhà nước nên đảm nhiệm vai trò gì để thực hiện chức năng dẫn dắt và hỗ trợ quá trình phát triển, và lĩnh vực nào mà khu vực tư nhân đảm nhiệm sẽ hiệu quả hơn. Các chuyên gia nhận định rằng bản thân xã hội Việt Nam đã biến đổi rất nhiều trong hai thập kỷ qua, người dân ngày càng gắn kết với mạng lưới thông tin toàn cầu, tích cực tìm kiếm những cơ hội tốt hơn, và muốn đóng góp cho các mục tiêu phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, họ kết luận, phải có một mẫu hình quan hệ mới giữa Nhà nước và xã hội.
Những gợi ý này, theo thứ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Bích Đạt, là rất hữu ích trong việc soạn thảo bản Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011 – 2020. Bản chiến lược này sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vào cuối năm nay, trước khi diễn ra đại hội Đảng vào đầu năm sau.
(Theo Tư Giang // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com