Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vay vốn cải tạo môi trường sản xuất: Doanh nghiệp kêu khó, nhà nước bảo không

Vừa qua, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã có đợt kiểm tra hơn 30 doanh nghiệp nhiều lần gây ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Điều đáng quan tâm, những doanh nghiệp này cho rằng không có vốn để đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó cơ quan chức năng lại bảo nguồn vốn không thiếu, thậm chí lãi suất là 0%.

Vì không có hệ thống xử lý chất thải, các doanh nghiệp đã “đầu độc” kênh Ba Bò nhiều năm nay. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Làm căng thì đóng cửa

Lý giải hành vi tái vi phạm môi trường của mình, đại diện Công ty SX-TM T.T, cụm công nghiệp Tân Quy (Củ Chi) cho biết, công ty sản xuất nhỏ, diện tích đất nhà xưởng có giới hạn. Thế nên, muốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải, phải có ít nhất vài chục mét vuông đất. Trong khi đó, đất để mở rộng nhà xưởng sản xuất còn không có, lấy đâu ra đất xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Đại diện cơ sở sản xuất H.T cho rằng, để đầu tư hệ thống xử lý nước thải trong lĩnh vực dệt nhuộm phải mất hàng tỷ đồng, một số tiền quá lớn đối với doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ. Nếu vay vốn ngân hàng thì lãi suất quá cao, cơ sở không thể kham nổi, nên đành sản xuất “chay” được ngày nào hay ngày ấy. Khi nào cơ quan chức năng làm gắt thì đóng cửa thôi!

Đó là thực trạng chung của hầu hết doanh nghiệp đang sản xuất tại các cụm công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Quy và trong khu dân cư các quận, huyện Thủ Đức, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Trước đây, phần lớn những doanh nghiệp này nằm trong nội thành (giám đốc nhà máy là chủ hộ gia đình) và hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm với môi trường như sản xuất nhựa PVC, ó keo, xi mạ, gia công kim loại, dệt nhuộm… Quy mô sản xuất nhỏ ở mức hộ gia đình, nên rất khó có nhiều vốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Năm 2003, khi UBND TP có quyết định buộc các cơ sở ô nhiễm từ nội thành di dời vào khu công nghiệp (KCN) tập trung, đã có hơn 1.000 cơ sở sản xuất dạng này đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh những ngành nghề không phát sinh chất thải. Khoảng 1.000 cơ sở sản xuất khác do không đủ khả năng thuê đất tại các KCN nên di tản ra ngoại thành, hình thành nên những cụm công nghiệp tự phát. Do vậy các cụm công nghiệp này đã nhanh chóng biến thành những khu ô nhiễm tập trung.

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Dụ thừa nhận rằng, thật sự có những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn trong việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Chính vì thế, từ năm 2003 đến nay, nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng vẫn được các cơ quan chức năng “châm chước” không buộc tạm ngưng hoạt động, chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Đồng thời gia hạn thời gian để doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều doanh nghiệp cố tình không đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Cấm hoạt động

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Văn Phước cho rằng, việc doanh nghiệp viện lý do thiếu vốn đầu tư là không hợp lý. Bởi vì, từ năm 2003 TP đã lập 2 nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo môi trường sản xuất với lãi suất 0%. Đó là Quỹ giảm thiểu ô nhiễm trích từ ngân sách TP và Quỹ xoay vòng do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ.

Theo đó, những doanh nghiệp có nhu cầu giảm thiểu tối đa chất thải, đầu tư xử lý nguồn thải, thay đổi quy trình công nghệ, thu hồi và tái sử dụng nguyên vật liệu tại nhà máy, đặc biệt áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn, tự đổi mới và phát triển công nghệ sạch… sẽ nhận được hỗ trợ vay tối đa 70%/ tổng giá trị dự án và thời hạn cho vay là 5 năm. Doanh nghiệp muốn vay chỉ cần lập dự án và thuyết trình được tài sản thế chấp. Nhưng đáng tiếc, đến nay chỉ 1% doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TPHCM cho biết thêm, từ năm 2006 đến nay, những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư xử lý, tái chế chất thải đều được quỹ hỗ trợ. Trường hợp, số vốn doanh nghiệp vay quá lớn, vượt khả năng của quỹ thì Ban giám đốc quản lý quỹ đã giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn quỹ khác như Quỹ Đầu tư phát triển đô thị, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam…

Theo bà Nguyễn Thị Dụ, trước đây các mức phạt không đủ sức răn đe nên không ít doanh nghiệp “lờn thuốc”. Nhưng kể từ sau ngày 1-3-2010 khi áp dụng quy định mới, doanh nghiệp vi phạm môi trường sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, do bị cấm hoạt động hoặc bị cộng đồng tẩy chay không sử dụng hàng hóa.

Trước mắt, thanh tra sở tập trung kiểm tra hơn 30 doanh nghiệp tại cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân và Tân Quy. Những doanh nghiệp này đã tái vi phạm môi trường nhiều lần từ năm 2006. Đến nay, nếu tiếp tục tái phạm, thanh tra sở sẽ đề xuất UBND TP tăng mức xử phạt hành chính. Đồng thời cấm hoạt động cho đến khi đơn vị khắc phục xong hiện trạng ô nhiễm môi trường.


(Theo Doãn Thanh/SGGP)

  • ĐBSCL trước thách thức kép
  • Cần 162,5 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế đảo đến 2020
  • Chỉ số giá tiêu dùng hạ: Cảnh giác, ngăn chặn lạm phát
  • Năm 2010, chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat nhận định: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%
  • 3 lần khủng hoảng và 3 lần chuyển vị thế của Việt Nam
  • Giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%
  • Chương trình xúc tiến thương mại trong nước: Trái cây Việt cần Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ
  • Tăng khả năng cạnh tranh bằng các sản phẩm khoa học công nghệ quốc gia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi