Kết thúc 6 tháng đầu năm, cũng là chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới vào cuối tháng này, những lạc quan và cả lo ngại về những bước đi tiếp theo của nền kinh tế đang được “cân đong” trên nhiều diễn đàn.
Buổi họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng qua và giải pháp trong 6 tháng tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra có mặt người đứng đầu của cả ba ngành trọng yếu của nền kinh tế: kế hoạch đầu tư, tài chính và ngân hàng.
Không quá lạc quan với kết quả kinh tế 6 tháng, khi GDP tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát đã gần gấp đôi kế hoạch, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã đưa ra dự báo rằng kinh tế Việt Nam có thể có thêm nhiều cơ hội, nhất là hoạt động xuất khẩu từ những dấu hiệu phục hồi tích cực của các nền kinh tế phát triển trên thế giới, đặc biệt là liên minh châu Âu.
Ở trong nước, với xu hướng công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh, sản xuất nông lâm nghiệp đạt kết quả khá, du lịch, dịch vụ có triển vọng, Bộ trưởng Phúc đưa ra dự báo GDP 6 tháng cuối năm có thể cao hơn 6 tháng qua và cả năm có thể tăng khoảng 6% (thấp hơn chỉ tiêu 7 - 7,5% đã được Quốc hội thông qua).
Nhận định nền kinh tế từ nay đến cuối năm “đứng trước nhiều khó khăn thách thức”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư lo ngại: lãi suất còn cao, nhập siêu tiềm ẩn xu hướng tăng, trong khi tỷ giá và giá cả hàng hóa nhập khẩu diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến khả năng cải thiện cán cân thanh toán, gây khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trình bày báo cáo về ngân sách Nhà nước ngay sau Bộ trưởng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh còn đề cập đến yếu tố đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm và việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ gây khó khăn nhất định cho sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, áp lực lạm phát, theo vị “tư lệnh” ngành tài chính, đang rất lớn. Đáng lo ngại nhất là nhóm hàng hóa nguyên nhiên vật liệu, nhất là xăng dầu. Nhiều tháng nay dầu thô giữ mức giá cao, trên 100 USD/thùng, gần đây có hạ, nhưng lại có nghịch lý là tuy dầu thô hạ, nhưng giá dầu tinh vẫn đắt đỏ.
“Nếu giá dầu thô tiếp tục ở vào khoảng 97 - 100 USD/ thùng thì chúng ta sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu. Trong khi đó, ngành điện cũng đang lỗ lớn. Phải đến năm 2013 giá điện mới có thể đi theo giá thị trường”, ông Ninh giải thích trong quan ngại.
Ghi nhận “kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực”, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có chung lo ngại về không ít khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế. Nhất là ảnh hưởng của chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đến sản xuất, kinh doanh.
Cũng liên quan đến yếu tố này, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì mặt trái của chính sách tiền tệ bắt đầu bộc lộ. Biểu hiện là thị trường bất động sản, chứng khoán sụt giảm mạnh, lạm phát và lãi suất tăng cao làm chi phí đầu vào bị đẩy lên.
“Tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư phát triển giảm đã tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh trong nước, từ đó ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển lo lắng.
Nhấn mạnh “nền kinh tế mới thu được kết quả bước đầu về ổn định kinh tế vĩ mô”, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ vẫn đặt giải pháp tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.
“Chính phủ sẽ có bước đi thận trọng, xem xét kỹ các tác động đến giá cả trong trường hợp cần điều chỉnh tỷ giá VND/USD và giá cả một số đầu vào thiết yếu”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ giải pháp quán triệt các ngân hàng thương mại tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí hoạt động để bảo đảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, từng bước giảm lãi suất cho vay phục vụ sản xuất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hạ thấp chi phí.
Sẽ theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn giá thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan đến đời sống, Bộ trưởng Ninh khẳng định.
Cũng theo ông Ninh thì Chính phủ kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường, trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
---------------------------------------
Tác giả: Nguyên Thảo // Theo Vneconomy
-----------------------------------------------------------
Đọc thêm:
Tổng quan kinh tế 6 tháng: “Sáng” trong khó khăn
“Thực tế cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng ở mức 5,57% là có cố gắng. Nó có tác động từ loạt chính sách chúng ta điều hành, tôi cho là phù hợp, trúng và đúng”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức đã nhìn nhận như vậy về tình hình nền kinh tế nửa đầu năm 2011, tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011, do cơ quan này tổ chức chiều 29/6.
Tăng trưởng hợp lý
Chia sẻ quan điểm của lãnh đạo trực tiếp, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy cho rằng, Việt Nam là một trong số ít nước chịu tác động ít hơn về mặt kinh tế.
“Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Thêm nữa, hiện nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản đang đánh giá tốt về môi trường đầu tư Việt Nam, coi đây là nơi đầu tư tốt”, ông nói.
Cân đối giữa chỉ tiêu “được” và “mất”, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia Hà Quang Tuyến cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm 2011 nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng không đạt mục tiêu như tăng trưởng GDP, lạm phát, thâm hụt thương mại, thu hút FDI... nhưng nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, quý sau tăng hơn quý trước.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại và có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Trong đó một số ngành, lĩnh vực có điều kiện như lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp khai thác, giáo dục đào tạo, y tế vẫn có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
“Mặt khác, giữ được mức tăng trưởng hợp lý mới đảm bảo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thấp nghiệp còn 2,58% (năm 2010 là 4,1%), tỷ lệ thiếu việc làm 3,9%, người dân có thu thập để trang trải cho đời sống trong bối cảnh giá cả tăng cao”, ông cho hay.
Về điểm này, Tổng cục trưởng Đỗ Thức đồng tình rằng, tỷ lệ thất nghiệp giảm là diễn biến tích cực trong bức tranh kinh tế năm nay. Trong điều kiện khó khăn như vậy, đời sống người dân vẫn được đảm bảo. “Có thể nói là bức tranh sáng trong điều kiện khó khăn”, ông khẳng định vậy.
Trái chiều công nghiệp, dịch vụ
Khác với nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại một báo mới đây, rằng khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao; lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Tổng cục Thống kê cho rằng các doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang phát triển tốt.
Ông Thúy dẫn chứng từ kết quả điều tra trên 4.000 doanh nghiệp lớn cho biết, số lượng doanh nghiệp toàn nền kinh tế so với năm ngoái đã tăng 21,2% trong khi bình quân giai đoạn 2005 - 2011 tăng 20,8%/năm. Về vốn đầu tư, các chỉ tiêu tăng tương ứng là 34,7% và 35,2%; về doanh thu, tăng 28% và 26%/năm.
“Đây là số liệu minh chứng cho sự đầu tư và phát triển trong hệ thống doanh nghiệp vẫn ổn định và ngày càng tăng”, ông Thúy khẳng định.
“Kết quả sản xuất là tăng. Đương nhiên là có khó khăn mới giảm hơn năm ngoái, không có khó khăn thì phải hơn năm ngoái”, Tổng cục trưởng Đỗ Thức bình luận thêm.
Còn theo ông Thúy, doanh nghiệp Việt Nam đến 80% là vừa và nhỏ, phát triển linh hoạt; họ có thể đóng cửa lĩnh vực này nhưng mở ở lĩnh vực khác chứ không chịu ngồi yên.
Hơn nữa, trong tình hình khó khăn hiện nay doanh nghiệp cũng không thể đóng cửa, ngừng sản xuất dù chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, dù lợi nhuận giảm hoặc không tăng bởi vì họ vẫn hy vọng thời gian tới sẽ có cơ hội tiếp tục phát triển và cũng để giữ quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, trái với kết quả ngành công nghiệp kể trên, với các ngành dịch vụ, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng ngành này hầu hết là giảm, trong đó đặc biệt là ngành xây dựng và bất động sản.
Vụ trưởng Tuyến diễn giải, trong 21 ngành cấp 1, xây dựng và kinh doanh bất động sản tăng trưởng thấp hơn cả. “Chúng tôi dự tính tăng tưởng 6 tháng 2011 ngành xây dựng đạt khoảng 4,26%, trong khi đó 6 tháng 2010 là 10,86%. Tức là chưa bằng một nửa năm ngoái”, ông Tuyến cho hay.
Vị này cho rằng, nguyên nhân là do chính sách tài khóa thắt chặt, trong đó là cắt giảm đầu tư mà chủ yếu là đầu tư công, đã ảnh hưởng đến đóng góp của ngành này vào tăng trưởng GDP.
Riêng với ngành kinh doanh bất động sản, ông Tuyến cho biết, tình hình khá hơn ở các tháng đầu năm, nhưng kể từ tháng 4 đến nay, tăng trưởng giảm hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ và kinh doanh bất động sản được cho là phi sản xuất nên bị hạn chế cho vay tín dụng.
Mặc dù cũng đánh giá tình hình là khả quan, Phó tổng cục trưởng Lâm lưu ý thêm rằng, tăng trưởng GDP theo giá thực tế lên đến 25%, trong khi giá trị gia tăng chỉ đạt mức 5,57% là có yếu tố giá tác động mạnh. Chỉ số giá GDP tăng tới 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Những nghiên cứu của cơ quan này trước đây cũng cho thấy, hiệu quả sản xuất có xu hướng giảm. Điều này chưa thể đo đếm trong số liệu 6 tháng đầu năm nay, nhưng cũng là chuyện cần lưu ý.
------------------------------
Tác giả: ANh Quân // Vneconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com