Đó là câu chuyện về nghịch lý giá xăng dầu trong tình hình hiện nay. Khi mà giá dầu thô thế giới đã hạ xuống mức khoảng trên dưới 90USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm nhiệt. Đặc biệt mức thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có lãi, thậm chí lãi cao tới gần 600 đồng/lít dầu.
Và việc xăng dầu bắt đầu được nhập lậu vào nước ta (vì giá đắt hơn các nước trong khu vực) tuy chưa đến mức ồ ạt nhưng chắc chắn sẽ gây ra những phức tạp, những hệ luỵ khôn lường... trong khi đó, các đơn vị kinh doanh xăng dầu trong nước lại cứ “bo bo” giữ mức giá cao ngất ngưởng, vô trách nhiệm và vô cảm với đời sống người dân. Cơ quan quản lý lĩnh vực này dường như đứng ngoài cuộc, trong khi đại bộ phận người dân gò lưng “cõng” những khoản lợi nhuận kếch xù vào kho ngành xăng dầu!
Các chuyên gia phân tích, nền kinh tế VN gặp khó khăn, trong đó thể hiện rõ nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh, chính là do tác động của giá xăng dầu - chi phí đầu vào của hàng loạt lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác. Chính vì thế, kỳ vọng vào việc khi có cơ hội, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ giảm giá là một trong những yếu tố được coi là gỡ “nút thắt” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là khi có cơ hội giảm giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại không thực hiện. Lý giải cho câu chuyện giá xăng dầu luôn trong tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm”, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng: “Khi có điều kiện, doanh nghiệp sẽ giảm giá xăng dầu mà không cần bất cứ sự nhắc nhở nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước”. Cụ thể, ông Dũng phân tích: Vào thời điểm giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới ở mức cao, các doanh nghiệp này đã giảm lượng hàng nhập về. Khi giá giảm thì họ tăng lượng nhập, điều này đã khiến cho giá bình quân của các doanh nghiệp này nhanh chóng giảm và sớm có lãi. Riêng Petrolimex tuy là đơn vị chiếm tới 60% thị phần xăng dầu cả nước, nhưng mức lỗ vẫn cao hơn so với các đơn vị khác. Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Kinh tế Sài gòn, ông Dũng còn nói: “Việc giảm giá sẽ được Petrolimex thực hiện đúng theo các hướng dẫn trong Nghị định 84, chứ không theo tâm lý thị trường hay sự điều chỉnh của một doanh nghiệp nào đó”. Thế nhưng Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu khẳng định nguyên tắc giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Theo thông tin phát đi từ Petrolimex, tại cuộc họp ngày 6-6, Petrolimex cho biết tính chung cả tháng 5-2011, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu thấp hơn tháng 4-2011 từ 1% đến hơn 8%. Trong đó, diesel 0,05S giảm mạnh nhất: 8,32%, còn xăng A92 giảm ít nhất: 1,27%. Với mức giá này và sau khi trừ đi các khoản chi phí, DN lãi khoảng 300đ/lít dầu (nếu tính bình quân 30 ngày dự trữ lưu thông) và khoảng 600đ/lít dầu (nếu so sánh giá nhập theo ngày). Riêng mặt hàng xăng A92, các doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi.
Cần nhắc lại rằng chỉ trong vòng 35 ngày, từ 24 -2 đến 29-3 vừa qua, người dân đã cắn răng chấp nhận 2 đợt tăng giá xăng dầu, tương ứng với mức tăng gần 5.000đ/lít xăng, tương tự diesel cũng tăng thêm 6.300đ/lít, dầu hỏa tăng 5.700đ/lít và madút tăng hơn 4.000đ/kg.
Nay giá xăng dầu thế giới giảm, một số quốc gia láng giềng của ta cũng đã giảm giá bán xăng dầu thành phẩm, nhưng ngành kinh doanh xăng dầu trong nước thì lại cố ý “lờ lớ lơ” hoặc chưa đưa ra phương án giảm giá bán lẻ xăng dầu. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn kiến nghị Nhà nước chưa nên tăng thuế nhập khẩu nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian để bù đắp các khoản lỗ trước đó. Hiện nay, mức thuế này đang là 0%.
Khi khó khăn, Nhà nước và người tiêu dùng đã cùng giới kinh doanh xăng dầu chung sức chia sẻ gánh nặng giá xăng dầu. Cụ thể là Nhà nước giảm thuế nhập khẩu, người tiêu dùng thì chấp nhận sự tăng giá ở mức cao như hiện nay. Chính vì thế, với mối quan hệ “cân bằng lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng” thì đây là lúc doanh nghiệp cũng cần chia sẻ gánh nặng giá với người tiêu dùng hoặc nghĩa vụ với Nhà nước. Cụ thể là “có đi có lại mới toại lòng nhau” chứ không nên kinh doanh theo kiểu độc quyền và “sống chết mặc bay”!
Giảm giá xăng dầu không chỉ phù hợp với quy luật thị trường mà cũng là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu lạm phát cũng như góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Chẳng lẽ điều này lại khiến cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... ngoảnh mặt làm ngơ?
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com