Nếu 2008, nỗi lo lớn nhất là lạm phát, năm 2009 là suy giảm kinh tế thì với 2010, đó sẽ là cả hai. Nhiều chuyên gia cho rằng sự linh hoạt trong các chính sách kinh tế sẽ là chìa khóa để Việt Nam vượt qua thử thách này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: N.M |
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việc Nam (VCCI): Thị trường xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2010 trước hết là một năm mà chúng ta kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới nhưng sự phục hồi đó vẫn chưa chắc chắn. Một số thị trường lớn của chúng ta có xu hướng trì trệ nên sức tiêu thụ hàng hóa chưa thể tăng nhanh.
Tình hình khó khăn cũng khiến cho một số quốc gia có xu hướng quay trở lại bảo hộ cho hoạt động sản xuất trong nước, khiến cho việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp ta trước mắt còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những thách thức này, một điều dễ nhận thấy là kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc, tốc độ luân chuyển khoa học, công nghệ, kỹ thuật là rất cao. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối doanh nghiệp Việt, làm sao để nắm bắt được công nghệ mới, tránh tụt hậu so xa hơn so với nền sản xuất của các nước phát triển.
Tôi nghĩ rằng để làm được điều này cần nỗ lực của cả Chính phủ và cả nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp rất cần một niềm tin, giống như niềm tin đã giúp họ vượt qua khó khăn của 2009.
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: N.M |
Ông Vũ Thành Tự Anh - Chuyên gia Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục theo hình chữ V, song cần cảnh giác.
Có một hiện tượng mang tính quy luật ở Việt Nam nhiều năm nay đó là GDP đầu năm thường thấp hơn cuối năm. Đà tăng GDP cuối năm 2009 có thể không chỉ do chính sách kích thích kinh tế, mà còn liên quan tới tính quy luật này. Vì thế không nên vội thỏa mãn với những gì đạt được. Thực tế, giá trị sản xuất công nghiệp 2009 tăng trưởng chủ yếu nhờ hoạt động khai khoáng như khai thác dầu, vàng, vốn mang lại giá trị gia tăng thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực chế tạo lại giảm mạnh.
Thâm hụt ngân sách sẽ là vấn đề đáng quan ngại của 2010, đặc biệt sau khi Việt Nam chi hàng nghìn tỷ đồng cho gói kích thích kinh tế. Hiệu quả của các biện pháp kích thích đã rõ, nhưng hậu quả của nó còn kéo dài trong nhiều năm tới, tạo áp lực lạm phát và qua đó gây sức ép tới tăng trưởng.
Trong khi xuất khẩu chậm phục hồi thì nhập khẩu đang tăng nhanh trở lại, đặc biệt từ lúc có gói kích cầu. Điều này không khó hiểu vì các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, khi sản xuất được kích thích thì nhu cầu nhập khẩu cũng gia tăng. Tỷ giá là một nguyên nhân khiến nhập siêu gia tăng. Quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước hợp lý cho dù hơi muộn. Nhưng thị trường ngoại hối vẫn còn nhiều sức ép, dự trữ ngoại hối quốc gia ở mức thấp, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn vênh xa so với tỷ giá tham chiếu.
Lạm phát cũng là mối lo trong năm 2010. Thường thì sau 5-7 tháng tín dụng tăng trưởng cực đại, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Vì vậy, nhiều khả năng đến tháng 6-7 năm nay, CPI sẽ tăng mạnh.
Bà Phạm Chi Lan. Ảnh: N.M |
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: Áp lực cạnh tranh với cách doanh nghiệp trong năm 2010 là rất lớn.
Nhiều hiệp định hợp tác song phương, đa phương và trong khu vực có hiệu lực, Việt Nam phải cắt giảm thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu. Điều đó sẽ tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ với các doanh nghiệp trong nước. Các hiệp định này cùng lúc có hiệu lực ở nhiều nước trong khu vực. Vì thế, trong bối cảnh tự do lưu chuyển vốn, nếu đầu tư ở Việt Nam không hiệu quả các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển qua nước khác.
Năm qua dù khủng hoảng vấn có nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nếu như con số của năm 2007 là 57.000, đến 2008 là 62.000 thì tới 2009 là 76.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Sự bùng nổ doanh nghiệp một phần cho thấy kỳ vọng vào nền kinh tế, song tạo áp lực cạnh tranh về giá, chủ yếu là nhân công rẻ.
Trong chiến lược phát triển kinh tế 2010-2020, Việt Nam cần chú ý làm sao để tránh bẫy thu nhập trung bình, nếu 10 năm tới vẫn tăng trưởng như hiện nay sẽ tụt hậu. Bên cạnh đó phải tạo sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững.
TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính): Lo cả lạm phát và suy giảm kinh tế.
Nếu 2008, nỗi lo đối với kinh tế Việt Nam là lạm phát, năm 2009 là suy giảm kinh tế thì với 2010 sẽ là cả hai - vừa lo tăng trưởng thấp, vừa sợ lạm phát quay lại. Vì thế, việc điều hành kinh tế sẽ phải cân nhắc giữa 2 yếu tố này và cần nhấn mạnh tính linh hoạt. Tôi cho rằng, trước mắt Việt Nam vẫn sẽ tập trung cho tăng trưởng, khi lạm phát gia tăng thì sẽ phải có biện pháp kìm lại. Các doanh nghiệp trong năm nay có thể phải chấp nhận hoạt động trong các điều kiện liên tục thay đổi.
TS. Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia: Độ rủi ro và tính bất định vẫn còn rất lớn.
Trong năm 2009, trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, 5,3%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Sang năm 2010, với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như Việt Nam, thì độ rủi ro và tính bất định vẫn lớn. Xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ khó đạt được mức như trước khủng hoảng, thậm chí nếu không có những giải pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh, khi các nước phục hồi về tiêu dùng, thị phần của hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ rơi vào tay nhiều đối thủ cạnh tranh. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng thấp, dưới 10% trong 2010.
Đi cùng sự phục hồi của kinh tế thế giới, cũng như các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, giá cả nhiều mặt hàng cơ bản sẽ tăng dần trở lại, tạo áp lực lạm phát.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 cho thấy nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần chú trọng phát triển chất lượng thay vì số lượng. Cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, đầu tư không hiệu quả, năng suất lao động thấp... là những biểu hiện rõ nét của phát triển không bền vững.
TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: Kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi theo công thức căn (√), giống như giai đoạn 1997-2002, sau khủng hoảng tiền tệ châu Á. Tăng trưởng kinh tế năm 2010 dự báo chỉ đạt 6-6,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo của một số tập đoàn tài chính quốc tế.
Trong năm 2010, kinh tế Việt Nam vẫn có những nguy cơ làm cho đà phục hồi tiềm ẩn rủi ro, như đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân có dấu hiệu giảm, bắt đầu từ quý III/2009. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục căng thẳng, dẫn tới tình trạng thắt chặt tín dụng, lãi suất cho vay tăng mạnh. Tình trạng khan hiếm vốn cho doanh nghiệp có dấu hiệu nghiêm trọng. Hàng tồn kho đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều năm gần đây do cầu nội địa và quốc tế còn yếu. Đầu tư công, động lực chính cho sự phục hồi trong năm 2009 dự kiến giảm, trong khi đầu tư nước ngoài phục hồi nhưng còn chậm.
Sự tăng trưởng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong năm qua chủ yếu vẫn dựa vào những khoản đầu tư công khổng lồ từ các gói kích thích kinh tế. Do vậy, sự phục hồi này chưa bền vững và nguy cơ rủi ro nền kinh tế rơi trở lại suy thoái vẫn lớn. Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 còn phụ thuộc vào việc kinh tế thế giới có tiếp tục đà hồi phục như dự kiến, hay không, sự điều hành chính sách trong nước có linh hoạt theo tín hiệu thị trường và đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi, không có thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng.
TS. Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tái cơ cấu là việc cần làm.
Đại bộ phận chuyên gia thế giới hiện vẫn giữ quan điểm thận trọng về kinh tế 2010, trong đó phần lớn nhìn nhận kinh tế cơ bản phục hồi trong năm 2010, nhưng sang năm 2011 mới phục hồi thực sự.
Việt Nam đã quyết định giảm gói kích thích trong 2010, như cắt hỗ trợ vốn lưu động, thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Có thể nói đây là chính sách đúng đắn, vì dư địa để tiếp tục kích cầu không còn lớn, có thể nhìn thấy ở dữ trữ ngoại hối, thâm hụt ngân sách. Bản thân tăng trưởng tín dụng đã đến 38-39% trong năm 2009.
Tái cơ cấu là một việc không chỉ Việt Nam cần làm, mà cũng đang được nhiều nền kinh tế khác thực hiện sau khủng hoảng. Nhưng tái cơ cấu không đơn giản là tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP, mà cần chú trọng giá trị gia tăng trong các sản phẩm. Bởi các hãng nước ngoài vẫn có thể nhập toàn bộ linh kiện vào và VN chỉ lắp ráp, đóng một phần rất nhỏ, trong khi cơ cấu công nghiệp trong GDP vẫn tăng.
Tôi cho rằng tái cơ cấu cần biến Việt Nam thành một bộ phận hữu cơ của kinh tế khu vực, nếu không muốn nói là quốc tế. Chúng ta có những doanh nghiệp niêm yết rất lớn, vốn hóa hàng tỷ USD, nhưng chưa chắc đã là bộ phận của một chuỗi nào đó.
Nguyễn Anh Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TPHCM. Ảnh: N.M |
Ông Nguyễn Anh Ngọc – Phó Giám độc Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP HCM: Doanh nghiệp có cơ hội từ thị trường nội địa.
Trong năm 2009, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng dương. Đây là một điểm thuận lợi và là cơ sở để chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm nay. Tuy nhiên, thách thức đối với doanh nghiệp Việt lại nằm ở các thị trường xuất khẩu. Các thị trường lớn như Mỹ hay EU chưa thể phục hồi ở tốc độ cao. Do đó, họ chưa thể lập tức mua hàng với số lượng nhiều và giá tốt như trước. Tôi cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu trước mắt vẫn sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, cơ hội với các doanh nghiệp lại đến từ chính thị trường nội địa với hơn 86 triệu dân. Tôi kỳ vọng rất nhiều vào chủ trương Người Việt dùng hàng Việt. Một thị trường bán lẻ tương đương 15-20% GDP là một thị trường rất lớn, chúng ta nên tận dụng.
Chúng ta có thể mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng về nông thôn, về những nơi hẻo lánh, khu chế xuất, khu công nghiệp…, tới tận tay người tiêu dùng. Tôi tin rằng nếu doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội này để phát triển thương hiệu, mở rộng phân khúc thị trường, họ có thể thành công trong năm 2010.
( Tinkinhte.com//Theo Kỳ Duyên-VNexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com