Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2009: Nỗ lực vượt khó

 
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May 10.
Nền kinh tế nước nhà đã đi qua 3/4 chặng đường của năm kế hoạch trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ vòng xoáy khủng hoảng kinh tế thế giới. Thực tế cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) đã giúp nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn với triển vọng ngày càng "sáng" hơn…

Nhiều "gam màu" xen kẽ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP 9 tháng đầu năm tăng gần 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng chấp nhận được trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 506 ngàn tỷ đồng, tăng 6,5%. Sản xuất công nghiệp đã và đang tăng với đặc điểm tháng sau cao hơn tháng trước. Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng 2,6% trong bối cảnh thiên tai với giá trị sản xuất của toàn ngành đạt 150 ngàn tỷ đồng, trong đó nông, lâm, thủy sản đều tăng cao hơn. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt hơn 845 ngàn tỷ đồng, tăng 18,6%. Trong đó, sản lượng vận tải hành khách đạt hơn 1.465 triệu lượt khách, tăng 8,5%; có thêm 31 triệu thuê bao mới nâng tổng số thuê bao toàn quốc lên 113 triệu. Tổng thu ngân sách đến cuối tháng 9 đạt hơn 274 ngàn tỷ đồng, bằng 70% dự toán cả năm...

Đáng chú ý là trong bối cảnh khó khăn nhưng giải ngân vốn ODA vẫn đạt 1,715 tỷ USD, bằng 90% kế hoạch cả năm nhờ giải ngân được nhiều dự án thuộc nhóm tài trợ chủ yếu như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới… Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) mới thu hút chỉ đạt hơn 12,5 tỷ USD, giảm 78% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đầu tư xin tăng vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh lại đạt tới gần 4,9 tỷ USD, tăng 0,7%. Điều này thể hiện rõ niềm tin của cộng đồng nhà ĐTNN đối với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, nhất là về khả năng phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cho thấy uy tín, sức hấp dẫn của Việt Nam vẫn được duy trì đáng thuyết phục.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là xuất khẩu đến nay vẫn chưa phục hồi, kim ngạch chỉ đạt 41,73 tỷ USD, giảm hơn 14%. Trên thực tế, hàng xuất khẩu của ta vẫn tăng về số lượng nhưng lại bị giảm giá bán trên thị trường quốc tế, đồng thời giảm kim ngạch tại một số thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…

Nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến

Tại cuộc họp giao ban Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28-9, thứ trưởng Cao Viết Sinh nhận xét, tuy nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nhưng đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực như giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều theo hướng tháng sau cao hơn tháng trước, xuất khẩu từng bước gia tăng do những nỗ lực khai thông thị trường, len vào được những thị trường nhỏ lẻ góp phần nâng cao dần tốc độ tăng trưởng GDP.

Đại diện một số địa phương, bộ, ngành đã nêu nhiều giải pháp để bảo đảm nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững trong những tháng còn lại của năm kế hoạch 2009. Đáng chú ý là những kiến nghị đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng. Đại diện tỉnh Lâm Đồng đề nghị tạo điều kiện cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ nối với TP Hồ Chí Minh và các đô thị vùng Nam Trung bộ để có thể thu hút thêm lượng khách du lịch; mở rộng, hiện đại hóa sân bay Liên Khương nhằm đủ khả năng tiếp nhận những máy bay cỡ lớn, mở chặng bay trực tiếp giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po đến Đà Lạt và từ đó nâng cao lượng khách du lịch quốc tế. Theo đại diện Bộ Giao thông-Vận tải, cần đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng cầu, đường giúp thúc đẩy việc tiêu thụ nguyên vật liệu cho DN, tạo điều kiện tốt cho các nhà thầu, chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Động thái này cũng nhằm góp phần thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ, tăng tốc độ giải ngân và sớm đưa các công trình, dự án đi vào hoạt động...

Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, chủ dự án, nhất là ở hai lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Trước tình hình suy giảm xuất khẩu, các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng chủ động hơn nữa trong việc hỗ trợ cộng đồng DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, phòng tránh tình trạng nhập siêu.

(Theo HNM)

  • Ưu tiên dùng hàng Việt: Chi tiêu tài chính công phải đi đầu
  • Phát triển các hành lang kinh tế ở Việt Nam trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mêkông
  • Gắn các giải pháp trong giai đoạn "hậu suy giảm" với mục tiêu phát triển kinh tế trung - dài hạn
  • Đưa khoa học – công nghệ vào cuộc sống: Hành trình gian nan
  • Khi nông dân làm du lịch
  • Cần tập trung phát huy các gói hỗ trợ hiện có
  • Việt Nam đứng thứ 93/183 thuận lợi trong kinh doanh
  • Doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề sau cổ phần hoá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi