Đầu tư FDI, điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Đó là nhận định của GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, từ năm 2007 đến nay, làn sóng FDI vào Việt Nam đã ghi nhận những bước đột phá với mức tăng trưởng khá cao. Nếu năm 2006 vốn thực hiện là 4, 1 tỷ USD, vốn đăng ký 12 tỷ USD thì năm 2007 các con số tương ứng là 8, 03 tỷ USD và 21, 34 tỷ USD, năm 2008 là 11, 6 tỷ USD và 64 tỷ USD. Riêng năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tổng vốn FDI đăng ký đạt 19,7%, chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2008, vốn thực hiện đạt 9 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với dự kiến cả năm. Trong 2 năm 2008 - 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trung bình 150 tỷ USD /năm, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2009 giảm 9% so với năm 2008.
“Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng không nên coi đó là tín hiệu xấu, vì đến cuối quý IV, tình hình kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục, cho thấy tương lai sáng sủa trong năm 2010. Đặc biệt là độ tin cậy của các doanh nghiệp đối với Việt Nam khá cao, do chúng ta đã thực hiện nghiêm túc các đòi hỏi của WTO nên chắc chắn, năm 2010 kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào việc điều hành, giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội sau khủng hoảng của Chính phủ trong thời gian tới”, ông Mại nói.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan thì cho rằng: “Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã nhận biết tốt hơn các tín hiệu từ thị trường tự do vốn rất đỏng đảnh. Đội ngũ doanh nghiệp được rèn luyện trong 2 năm, được vật lộn trong khủng hoảng nên sẽ ứng phó tốt hơn với khó khăn và với các rào cản mới, nhất là họ đã dần quen với việc điều hành linh hoạt của Chính phủ. Đây chính là một bài học quan trọng chúng ta có được sau khi hội nhập”.
Gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa xuất khẩu rộng mở, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng có nhiều lợi thế khi Việt Nam đã dần hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, do vậy đã tạo lập được môi trường kinh doanh có sức hấp dẫn, an toàn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, chỉ có 20% doanh nghiệp tận dụng được lợi thế về thuế quan, xuất xứ hàng hóa. Điều này được lý giải là do các doanh nghiệp còn thiếu thông tin. Theo ông Vũ Khoan, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định sau 3 năm gia nhập WTO, nhưng bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bộc lộ “gót chân Asin”, điển hình là hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực kém, thể chế chưa hoàn chỉnh. “Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần ứng xử, nhận biết tốt các khó khăn; hoàn thiện chính sách; công khai, minh bạch thông tin để giúp các doanh nghiệp ứng phó và hoạt động hiệu quả, ông Khoan nói.
Cần sớm xây dựng và hoàn thiện thể chế toàn cầu
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành công của Việt Nam sau khi gia nhập WTO là chúng ta nhận thức ngày càng rõ về cuộc chơi chung, theo đó hội nhập không phải là do mục đích tự thân mà vì mục đích để phát triển. Hội nhập nhằm thúc đẩy cải cách trong nước, bắt đầu từ khâu thể chế, pháp lý, tổ chức bộ máy và cách ra quyết định chính sách, thực thi chính sách, minh bạch thông tin. “Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn nhất mà chúng ta thấy được sau 3 năm gia nhập WTO”, ông Thành bình luận.
Trước những điểm yếu được chỉ ra, các chuyên gia khẳng định trong năm 2010 cũng như các năm tiếp theo, Việt Nam cần sớm xây dựng và hoàn thiện thể chế mang tính toàn cầu, giảm gọn thủ tục hành chính, phân cấp quyền lực gắn với trách nhiệm và kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững, cân bằng giữa thị trường trong nước và ngoài nước, giữa sự can thiệp của Chính phủ và điều tiết thị trường.
Luật sư Oliver Massmann, thành viên Ban quản trị Phòng Thương mại Công nghiệp châu Âu (Euro Cham) cho rằng: “Việt Nam đã chứng tỏ sự sẵn sàng đổi mới để phát triển, môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thị trường rộng mở. Nhưng các bạn cần nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào thị trường nội địa. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại và phân phối cần thay đổi theo hướng nới lỏng và tự do hóa các giới hạn được thiết lập trước đây”.
Ba năm gia nhập WTO chưa đủ dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế; bóc tách rõ ràng những tác động của WTO đối với nền kinh tế. Rõ ràng, câu chuyện chọn mô hình phát triển như thế nào để thực sự phù hợp với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là vấn đề chưa có hồi kết, vì thế rất cần có sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp để con tàu kinh tế không đi chệch đường ray.