Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS. Võ Trí Thành: Tình thế lưỡng nan và bước đi cẩn trọng

Từ góc nhìn của nhà khoa học, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đã phân tích con đường phục hồi của nền kinh tế Việt Nam dưới góc độ của  những thành công và cả những vấp váp trong điều hành kinh tế năm 2009 để đúc kết kinh nghiệm cho năm 2010. Đây là năm được dự báo vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, đòi hỏi người điều hành phải quyết Đoán, linh hoạt giữa đảm bảo ổn định vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát và tăng trưởng hợp lý.


Tài chính tiền tệLắng nghe động thái thị trường
Ngoảnh lại hai năm qua chúng ta có thể thấy rõ đây là khoảng thời gian rất đặc biệt. Chưa bao giờ trong thời gian ngắn thế giới phải hứng chịu nhiều cú sốc lớn đến thế. Chưa kịp định thần với sốc giá lương thực, giá xăng dầu, dịch bệnh, thế giới lại phải đối mặt  với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những biến đổi nghiêm trọng của khí hậu. Hệ luỵ của nó là những xáo động đầy kịch tính về thị trường, đầu tư và thương mại. Trong bối cảnh ấy, nền kinh tế Việt Nam đã phải lo lắng và căng thẳng gồng mình chống lạm phát và suy giảm kinh tế để rồi sau 2 năm nhìn lại, Việt Nam đã đi được những đoạn đầu tiên trên con đường phục hồi đầy ấn tượng để bước sang năm 2010 - năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Bầu trời kinh tế thế giới đang rạng dần với  những điều kiện thuận lợi con đường phục hồi tuy vẫn nhiều biến động, rủi ro, bất định và khó dự báo. Cũng bởi vậy, việc trông lại những gì đã qua, sẽ giúp chúng ta chuẩn bị hành trang kỹ hơn để tự tin hơn trên con đường phía trước. Hoàn cảnh khó khăn đã qua cho Việt Nam nhiều bài học trong điều hành  và cách chơi trên nền kinh tế toàn cầu cũng như  sự tương tác giữa hội nhập và cải cách trong nước để điều hành nền kinh tế tốt hơn….

Không thể phủ nhận cách điều hành chính sách năm 2009 đã có những điểm được cải thiện tuy vẫn còn chút vấp váp. Nhưng đó chính là lý do năm 2009 để lại cảm xúc rất mạnh mẽ, rất đáng nhớ trong lòng mỗi người Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất là dấu ấn đậm và hiệu quả lớn từ  những cải thiện đáng kể trong việc hoạch định và ban hành chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Chúng ta đã biết lắng nghe động thái của thị trường khi tập hợp được tiếng nói khác nhau từ các tầng lớp nhân dân, từ các nhà khoa học, các chuyên gia, từ những cơ quan thực thi chính sách, từ những người nghiên cứu, những nhà giám sát và của nhà báo tốt hơn.

Tuy nhiên, khoảng cách chính sách  và thực thi sẽ được rút ngắn hơn nếu chúng ta kịp cung cấp thông tin xác  thực, đáng tin cậy để người dân, doanh nghiệp, những người thụ hưởng có thông tin, suy nghĩ, đánh giá tình hình chính xác hơn. Bởi đây là cơ sở  để hành động hiệu quả hơn, xã hội và nền kinh tế sẽ không bị lũng đoạn, lung lay bởi những tin đồn. Điều này cũng minh chứng, việc tạo dựng lòng tin trên thị trường là rất quan trọng nhưng nếu việc tiên liệu chính sách, minh bạch chính sách, tính giải trình của các nhà hoạch định chính sách không tốt thì sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân.

Vẫn còn lúng túng, chưa trúng, chưa hay
Gặp lúc nguy nan, khi khẩn cấp khó có thể không sử dụng công cụ và biện pháp hành chính. Điều này đã ít nhiều phát huy tác dụng trong 2 năm vừa qua nhưng đó cũng lại là điểm yếu tồn dư trong điều hành chính sách nhiều năm nay. Trong kinh tế thị trường, trước hết cần điều chỉnh bằng công cụ thị trường. Việc sử dụng công cụ và biện pháp hành chính thường tạo ra sự không công bằng trong tiếp cận nguồn lực, gây méo mó trong phân bổ nguồn lực. Hơn thế, khi lỡ rơi vào tình trạng này, để điều chỉnh lại và cân bằng sẽ khó khăn hơn với nhiều tổn phí điều chỉnh.

Thời gian qua, tư duy hành chính đã khiến chúng ta có lúc lúng túng trong cả việc ban hành lẫn thực thi chính sách, khiến nhiều chính sách trở nên không trúng, kém hiệu quả. Việc dự kiến và đánh giá những tác động của chính sách  trước khi ban hành chưa được nhìn nhận một cách thật thấu đáo. Ví dụ như gói kích thích kinh tế, mặc dù đã lường trước là sẽ có tác động phụ, (tất nhiên là khó lường trước được đầy đủ) nhưng những yếu tố để hạn chế nó  như thường xuyên đánh giá, phản biện về những tác động của chính sách lại chưa tốt. Đây là lý do nhiều khi chính sách quyết định chưa thật kịp thời và chuẩn xác.

Thực thi chính sách mang tầm quyết định, mặc dùø đã được cải thiện nhưng vẫn là khâu bất cập. Một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua là vai trò của các bộ, ngành chưa được đặt và thể hiện đúng tầm. Trong nhiều trường hợp việc điều hành chính sách phải dựa vào quyết định của cấp cao nhất, ví dụ như phải quá dựa vào chỉ thị của Thủ tướng. Gắn với nó là  sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan nhà nước và địa phương. Chỗ này, góc kia vẫn còn thấy độ vênh.

Nhìn lại hành trình phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới, có thể nói không có hội nhập thì không có phát triển. Nhưng mở cửa hội nhập chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ nếu thiếu cải cách trong nước. Chúng ta đã nhận thức rất rõ nhưng làm chưa tới.  Bởi cùng với hội nhập, cơ hội và thách thức song hành ùa tới trong khi nhiều doanh nghiệp và cả một số không nhỏ cán bộ lại chưa hiểu thấu đáo những cam kết hội nhập. Cũng vì thế chúng ta đã không tận dụng hết được lợi thế, cơ hội mà hội nhập mang lại. Việc tiếp cận hội nhập của Chính phủ có nhiều điểm mới  song bộ máy chưa tiếp cận kịp khiến Chính phủ cũng còn lúng túng trong cam kết và thực thi. Thêm  một nỗi là chúng ta rất đẩy mạnh tuyên truyền nhưng cách tuyên truyền còn có lúc chưa trúng, chưa hay, chưa thật thiết thực.

Tình thế lưỡng nan
Năm 2010, cả thế giới đang đứng trước tình thế lưỡng nan. Đó là vừa phải rút lui khỏi can thiệp ồ ạt vừa phải tiên liệu gói kích thích của Chính phủ sao cho  đủ khắc phục quá trình phục hồi còn yếu của nền kinh tế. Trong  khi đó quá trình phục hồi vẫn còn hàng loạt các vấn đề, thậm chí vẫn le lói  nguy cơ đổ vỡ, nhất là về tài chính.
Trong bối cảnh thể trạng còn yếu, mầm bệnh chưa được dập tắt triệt để, việc tiếp thêm thuốc kích thích kinh tế là cần thiết. Song với giải pháp này lại phải lo đối mặt với lạm phát, thâm hụt ngân sách quá cao, nợ chính phủ ngấp nghé nguy cơ không kiểm soát nổi. Tình thế lưỡng nan là thế. Tiếp tục tăng trưởng thì gây ra những rủi ro vĩ mô rất lớn. Nhưng nếu dừng thì kinh tế nhiều nước lại có thể lao vào vòng suy thoái, tạo ra áp lực chính trị xã hội rất lớn. Tình thế lưỡng nan này sẽ được đánh giá trong tháng tới, đặc biệt trong quý I/2010, mặc dù trong cả năm tình hình sẽ tươi sáng hơn ít nhiều.

Việt Nam cũng không nằm ngoài tình thế chung ấy. Trong bối cảnh mới, các nước đã, đang và sẽ thay đổi chính sách, gây ảnh hưởng không ít tới sự phục hồi ở Việt Nam - nền kinh tế có độ mở cao. Mặc dù, những kết quả đạt được trong năm 2009  và những giải pháp, quyết tâm của Chính phủ là cơ sở để dự báo năm 2010 Việt Nam có mức tăng trưởng tốt hơn. Nhưng tất cả mọi dự báo đều cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam như: lạm phát, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách tiếp tục ở mức cao.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã phải lựa chọn và quyết định: lấy ổn định vĩ mô làm trọng. Sự thay đổi về lãi suất cơ bản, tỷ giá hồi tháng 11/2009 vừa qua cùng những biện pháp điều hành và định hướng chính sách vừa công bố là tín hiệu rõ ràng. Điều kiện dễ dãi về tín dụng, về chi tiêu Chính phủ, thương mại được chỉnh lý theo hướng nghiêm ngặt hơn ít nhiều. Điều này có thể gây ra những khó khăn nhất định cho sự hứng khởi và tăng trưởng kinh tế của  doanh nghiệp trong vài tháng trước mắt. Nhưng chúng ta phải chấp nhận để vươn tới tăng trưởng cao hơn, ổn định và vững  chắc hơn.

Về phía doanh nghiệp, trải qua điều kiện thị trường  và vươn lên trong bối cảnh hội nhập, họ đã học được rất nhiều. Nhưng, không ít  doanh nghiệp vẫn còn cách tư duy hạn chế mang nặng tâm lý  "ăn xổi", ngắn hạn, ít nghĩ dài hạn vì sợ phải tốn thời gian và vốn đầu tư. Nhiều doanh nghiệp hoặc có ý chí nhưng thiếu điều kiện, nhưng cũng không phải không có số doanh nghiệp "lười".

Tuy nhiên chúng ta không quá bi quan. Chúng ta lớn lên cùng với quá trình cải cách phát triển. Chưa bao giờ như hai năm qua, Chính phủ trưởng thành hơn trong hoạch định và thực thi chính sách, các doanh nghiệp  học được nhiều hơn khi phải bươn chải, đối phó với các cú sốc, nhưng cũng học được nhiều hơn về  cách sống để tồn tại và phát triển. Đây là cơ sở để chúng ta có quyền tin rằng sau hai năm nữa doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiên phong, sẽ lớn lên, vững vàng và bản lĩnh hơn với tiềm lực, cũng như khả năng cạnh tranh lớn hơn.

Chúng ta đều mong, tình hình thế giới sớm trở nên sáng sủa hơn, môi trường thế giới và khu vực trở nên rõ ràng hơn, các chính sách được tạo điều kiện phát huy hơn để kinh tế Việt Nam sớm ổn định và có tăng trưởng tốt hơn. Điều quan trọng nhất, chúng ta cần tiếp tục đi trên con đường phục hồi không chỉ bằng các biện pháp tình thế mà bằng những cải tổ sâu rộng để phát triển bền vững và có hiệu quả hơn. Việc đảm bảo ổn định xã hội, ổn định vĩ mô trong năm 2010 sẽ là một thành công lớn tạo tiền đề phát triển cho những năm sau.

( TS. Võ Trí Thành//Tinkinhte.com// theo NHNN )

  • Kinh tế Việt Nam 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Kinh tế VN năm 2010: Trong thách thức có cơ hội
  • Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nào ?
  • VN cần có những người trí tuệ để theo kịp thế giới
  • Doanh nghiệp tư nhân 10 năm phát triển: Chất không theo kịp lượng
  • PCI: nhìn từ vị trí số 1
  • Liên kết để phát triển
  • Thời hậu khủng hoảng: Ưu tiên ổn định vĩ mô
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi