Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm sao để tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp?

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng so với tổng mức tiêu thụ điện năng của giai đoạn 2011- 2015, cần thiết xây dựng và triển khai Chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên tất các các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu điện thương phẩm toàn quốc giai đoạn 2001- 2010 không ngừng tăng, từ 25,8 tỉ kWh năm 2001 lên 85,6 tỉ kWh năm 2010, tốc độ tăng bình quân 14,5%/năm. Tiêu thụ điện cho công nghiệp và xây dựng tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân điện tiêu thụ cho ngành công nghiệp và xây dựng là 17,6%/năm.

Tiềm năng tiết kiệm lớn

Theo Bộ Công thương, qua các chương trình kiểm toán năng lượng và các kết quả khảo sát tại các DN, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành công nghiệp như xi măng, thép, giấy, hoá chất... là rất lớn. Chẳng hạn, các kết quả kiểm toán năng lượng tại 5 nhà máy xi măng cho thấy mức tiết kiệm điện trung bình đạt khoảng 50,8 kWh/tấn xi măng hay 30,7% và mức tiết kiệm nhiệt trung bình đạt khoảng 1,5 GJ/tấn clinke hay 6,2%. Đối với ngành thép, tiêu thụ năng lượng trong ngành công nghiệp thép của VN khá cao so với thông lệ quốc tế. Đối với các nhà máy nhựa, mức tiêu thụ điện trung bình của các nhà máy nhựa ở VN là 1,85 kWh/kg hay 6,7GJ/tấn. Theo ước tính với mức giảm tiêu thụ năng lượng tiềm năng 10%, mức tiết kiệm năng lượng sẽ là 7,7 tỉ kWh và mức đầu tư khoảng 1 triệu USD....

Theo các chuyên gia, những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ DN tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp như: xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các DN; xây dựng và từng bước giới thiệu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng trong DN (ISO 50001), hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Khó khăn lớn nhất nhằm đạt được mục tiêu tiết kiệm điện xuất phát từ cơ sở hạ tầng và nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Đặc biệt, sự thiếu hụt các thiết bị và phương tiện hiệu quả năng lượng, giá điện tương đối thấp dẫn tới thực trạng không thúc đẩy các DN cũng như chủ các cơ sở công nghiệp đầu tư vào tiết kiệm điện...

Xây dựng hệ thống giám sát

Các chuyên gia cho rằng, để chương trình tiết kiệm điện đối với sản xuất công nghiệp hiệu quả cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cụ thể như yêu cầu các DN trọng điểm phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt được các kết quả về tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, để đạt được mục tiêu tiết kiệm trong cơ sở sản xuất công nghiệp cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm điện năng đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, khai khoáng, giấy, thực phẩm, dệt may... trước mắt, DN cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí,... vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Bên cạnh đó, cần chú ý tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ giữa ca; triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng sân, vườn, đường nội bộ trong các khu công nghiệp. Mặt khác, chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.

Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khuyến khích tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Song song đó, thực hiện quản lý năng lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hướng dẫn và hỗ trợ các DN thành lập hệ thống quản lý năng lượng nhằm tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kiểm toán năng lượng bắt buộc đối với các cơ sở năng lượng trọng điểm cũng là việc làm vô cùng quan trọng.

Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng hàng năm nhỏ hơn 1000TOE , khuyến khích tham gia chương trình kiểm toán năng lượng tự nguyện. Ngoài ra, hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nâng cao hiệu suất sử dụng điện, thay thế thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều điện năng.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước: Ba “nút thắt” khó gỡ
  • Kinh tế 6 tháng cuối năm: Lạc quan và lo ngại
  • Quyết định muộn màng!
  • Tổng cục Thống kê nói về hiệu quả đầu tư công
  • Kinh tế 6 tháng cuối năm: Lạc quan và lo ngại
  • Cắt giảm đầu tư công: Nhiều nơi vừa làm vừa... đợi
  • Cải cách hành chính: Cần thêm những bước đột phá
  • Nghịch lý kinh tế và giao thông Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi