Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lời giải cho bài toán giao thông đô thị

Mô hình hệ thống quản lý giao thông đô thị do tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, cùng nhóm cộng sự đề xuất.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sự gia tăng dân số đang đặt ra những thách thức cho chính quyền TP.HCM trong công tác quản lý đô thị, trong đó tình trạng kẹt xe đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân đồng thời cũng là rào cản trên con đường phát triển thành phố thành một đại đô thị (megacity).

Bài toán về ùn tắc giao thông vẫn chưa tìm ra được lời giải, và dù có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng dường như vẫn đang ở giai đoạn dò dẫm, thử nghiệm và điều chỉnh, trong khi người dân đang phải đối mặt với mức độ trầm trọng hơn của vấn nạn này.

Các nhà hoạch định chính sách của TP.HCM trong nhiều năm gần đây đã lên kế hoạch và ứng dụng các giải pháp, cả cấp bách lẫn tạm thời, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe. Nhiều giải pháp còn nằm trên bàn giấy hoặc đã đi vào thực tế, từ phân luồng giao thông, làm thông thoáng vỉa hè, thu phí cao, hạn chế xe gắn máy, bố trí giờ làm việc tại công sở và giờ học tại các trường lệch ca nhau… nhưng những nỗ lực đó chỉ càng làm rối thêm mớ bòng bong, mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Bài toán khó

Rõ ràng, ở một thành phố hơn 8 triệu dân, cùng với hơn 5 triệu phương tiện lưu thông trên những con đường nhỏ hẹp, đang trong giai đoạn bị đào xới để phục vụ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thì con số 62 điểm ùn tắc giao thông với thời lượng trên 30 phút trong năm qua là điều không lạ. Hạ tầng giao thông yếu kém, chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, trong khi lượng xe lưu thông trong đô thị ngày càng nhiều, thì việc các chuyên gia tính toán mỗi năm thành phố bị thiệt hại 14.000 tỷ đồng do kẹt xe là có cơ sở.

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết vào cuối năm 2009, tổng số phương tiện mà sở này quản lý là 4,48 triệu, trong đó có 4,07 triệu xe gắn máy (tăng 11,2% so với đầu năm 2009) và 410.000 xe ô-tô (tăng 11,64% so với đầu năm 2009). Có nghĩa là, trong năm 2009, mỗi ngày trung bình thành phố có thêm 117 xe ô-tô và 1.129 xe gắn máy được đăng ký để đưa vào lưu thông. Chưa kể hằng năm có khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 xe ô-tô mang biển số các tỉnh thành khác ra vào thành phố.

Các chuyên gia ngành giao thông xác định việc giải quyết các điểm ùn tắc giao thông là một nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, bên cạnh việc đặt chỉ tiêu hạn chế các điểm kẹt xe mới rất cần những giải pháp hữu hiệu, và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được xác định là một giải pháp tập trung trong năm 2010 của Sở Giao thông - Vận tải.

Ban lãnh đạo sở cho biết trong năm nay sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng một trung tâm điều khiển giao thông, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với các loại xe ô-tô ra vào khu vực trung tâm, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào công tác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ.

Những đề xuất ban đầu

Vào cuối tháng Hai, các chuyên gia IBM toàn cầu đã có chuyến thăm và làm việc với chính quyền TP.HCM, và bài toán giao thông đã được đem ra bàn luận. Sáu chuyên gia cao cấp của IBM được cử đến thành phố ba tuần để nghiên cứu và có những trải nghiệm thực tế và họ đã đưa ra hai ý kiến đề xuất nhằm giải quyết bài toán kẹt xe.

Các chuyên gia đề xuất sử dụng các công nghệ tiên tiến của hãng IBM để giúp thành phố cải thiện việc thu thập dữ liệu giao thông, không chỉ dùng các camera quan sát, hệ thống tín hiệu điều khiển thông minh… mà còn có thể dùng các hệ thống cảm biến khác nhau. Theo họ, thành phố nên sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trên các điện thoại nhằm giúp người dân nhận diện và dự đoán được các hoạt động giao thông trong thành phố một cách kịp thời để tránh đi vào các điểm đang ùn tắc.

Các chuyên gia cũng phân tích hệ thống giao thông, đề xuất các hướng kết nối dữ liệu nhằm làm giảm tình trạng kẹt xe và tăng cường khả năng sử dụng các phương tiện công cộng, nhờ đó giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ, góp phần khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu và xây dựng ý thức, văn hóa giao thông của người dân.

Tuy các công nghệ này đã được ứng dụng thành công ở một số thành phố trên thế giới nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải thận trọng khi đưa vào Việt Nam. Cho nên, phải có một quá trình thử nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp hơn với hiện trạng và văn hóa giao thông của Việt Nam, ở đây là TP.HCM.

Tiến sĩ Guruduth Banavar, Phó chủ tịch phụ trách khu vực công IBM toàn cầu, nói rằng với một thành phố lớn và phức tạp, cùng những nét văn hóa trong giao thông khác biệt như TP.HCM thì việc chuyển đổi công nghệ quả là một thách thức. Trao đổi với TBVTSG, ông cho rằng chương trình này cần phải có sự chuẩn bị, xác định thành phần tham dự, tìm nguồn kinh phí trong thời gian khoảng sáu tháng đến một năm. Ông tin tưởng CNTT có thể giúp giải quyết được bài toán hóc búa về giao thông tại thành phố này.

Để làm được điều này, theo ông cần phải có đồng bộ bốn yếu tố then chốt: chính sách, quy trình, công nghệ và quan trọng nhất là con người. Bên cạnh đó, thay vì từng sở ngành tại TP.HCM đầu tư riêng rẽ hệ thống CNTT như hiện nay thì nên có một mô hình tích hợp để có thể phân tích và tối ưu hóa tất cả các dữ liệu hiện có.

Tiếp nối những đề xuất của các chuyên gia IBM, vào đầu tháng Tư vừa qua tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, cùng nhóm cộng sự của mình cũng đã hoàn thành đề án cảnh báo kẹt xe từ xa bằng hệ thống cảm biến và bảng quang báo. Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System – ITS) này sẽ tự nhận diện lưu lượng xe và truyền dữ liệu về trung tâm điều hành để xử lý và sau đó đưa ra cảnh báo giúp người đi đường biết được những điểm nào sẽ bị kẹt xe.

Ông Phong giải thích, hệ thống cảnh báo bao gồm các thiết bị cảm biến (sensor), biển báo, thiết bị truyền nhận thông tin đặt tại các điểm có lưu lượng xe qua lại cao hoặc các tuyến đường thường xuyên bị kẹt xe. Khi có tình trạng kẹt xe, các thiết bị cảm biến sẽ tự động gửi thông tin về trung tâm điều hành. Các bảng quang báo (bảng LED ngoài trời) được lắp đặt tại các địa điểm nói trên để hiển thị các thông báo từ trung tâm điều hành về tình trạng giao thông, đồng thời hướng dẫn người dân lưu thông.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhận định rằng phương án này sẽ gặp một số khó khăn khi triển khai vì mật độ xe lưu thông tại thành phố luôn dày đặc (chủ yếu là xe máy), các loại phương tiện khác nhau lại đi lẫn vào làn đường của nhau nên hệ thống khó phân biệt được...

Để giải quyết khó khăn này, nhóm của ông Phong đề xuất các bộ cảm biến sẽ được kết hợp với các camera đặt tại các nút giao thông cùng với các bộ cảm biến từ, bộ đếm để đưa ra các thông số. Ví dụ khi xe chạy với vận tốc trên 25 km/giờ hệ thống sẽ đưa ra thông báo tình trạng giao thông thông thoáng, từ 10 - 25 km/giờ là chậm, từ 3 -10 km/giờ là đang trong tình trạng kẹt xe, dưới 3 km/giờ ở tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu gợi ý đặt các bộ cảm biến tại các nút giao thông có lượng xe đi lại cao như ngã tư Phú Nhuận, công trường Dân chủ, ngã tư Hàng Xanh…

Giá thành lắp đặt toàn bộ hệ thống này vào khoảng 700 triệu đồng cho một địa điểm, ông Phong cho biết.

Giải quyết vấn đề của chính mình

Đại diện các cơ quan quản lý đánh giá rằng hai dự án về giao thông mà IBM đề xuất có tính khả thi. Hai dự án này nằm trong loạt bảy dự án mà IBM đề xuất triển khai đồng bộ về giao thông, nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm được tích hợp trong một mô hình chính phủ điện tử, trong mục tiêu xây dựng TP.HCM thành “thành phố thông minh”.

Sở Giao thông - Vận tải cho biết các đề xuất từ IBM phù hợp với chiến lược xây dựng và tổ chức một hệ thống giao thông thông minh tại thành phố. Ngoài mong muốn được triển khai sớm dự án, sở còn muốn IBM hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông thành phố, vốn đang sử dụng công nghệ cũ, thiếu đồng bộ nên không hiệu quả.

Ông Trần Viết Huân, Kỹ sư trưởng CNTT của Công ty IBM Việt Nam, cho biết IBM sẽ làm việc với các sở để đưa ra kế hoạch cụ thể. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, ông Phan Minh Tân, nói rằng cơ quan này sẽ lo việc tìm nguồn tài chính phù hợp để thực hiện, các dự án sẽ không vì lý do thiếu kinh phí mà bị đình lại vì chính quyền thành phố ủng hộ việc tìm hướng giải quyết các vấn đề bức xúc về giao thông, môi trường... “Chúng ta đang phải giải quyết các vấn đề của chính mình”, ông Tân nói. Theo ông, nguồn tài chính cho các dự án có thể lấy từ ngân sách, từ các nguồn vốn dành cho khoa học công nghệ, khoa học ứng dụng, bên cạnh đó sẽ mời gọi các nhà tài trợ để có thể bắt đầu các dự án trên ngay trong năm nay.

Trao đổi với TBVTSG, ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, cũng nhấn mạnh việc thành phố khuyến khích nghiên cứu các đề án ứng dụng công nghệ thông minh vào lĩnh vực giao thông, tuy nhiên chi phí cũng là một vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.

Ông Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Giao thông Vận tải, nói rằng đã đến lúc các thành phố lớn ở Việt Nam phải ứng dụng công nghệ cao vào công tác quản lý đô thị. Chuyện này càng không thể chậm trễ hơn được nữa trong lĩnh vực giao thông.

Đưa công nghệ thông minh lên xe buýt

Tháng Hai vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM bắt đầu đưa thẻ xe buýt thông minh (smart card) đến hành khách đi trên hai tuyến số 1 và số 27. Thẻ xe buýt thông minh là loại thẻ có bộ vi xử lý và có thể nhận dạng thông tin của người sử dụng thông qua một đầu đọc. Hành khách khi lên xe sẽ quét thẻ qua đầu đọc, tiền trong thẻ sẽ được tự động trừ bằng đúng cước phí của hành trình. Khi tài khoản trong thẻ hết, hành khách có thể nạp thêm tại các trạm nạp tiền. Dự kiến sẽ có 7.000 thẻ được phát hành trên hai tuyến này.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết giải pháp này giúp hành khách tiết kiệm được thời gian đồng thời trung tâm sẽ quản lý tốt hơn các thông tin dữ liệu. Tiếp đó, ngành giao thông thành phố cũng dự kiến sẽ lắp đặt bản đồ điện tử tại các nhà chờ xe buýt vào tháng Bảy tới đây. Hành khách có thể tra cứu các thông tin về điểm đi và điểm đến của các tuyến xe buýt trên bản đồ này thông qua một hệ thống đã được cài đặt sẵn bằng tiếng Việt.

Kinh phí để thực hiện đề án này là 1,15 triệu đô-la Mỹ do Công ty Quảng cáo Đất Việt đầu tư.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chuyên gia: Thu phí đường bộ qua xăng dầu thiếu thực tế
  • Hỗ trợ nông dân vay vốn: Thắt chặt quan hệ cung - cầu
  • Hồ du lịch Núi Cốc bị xâm hại nghiêm trọng
  • Doanh nghiệp dự báo triển vọng kinh doanh 2010
  • Phát tiển khu kinh tế biển: Đi theo hình mẫu nào?
  • TS.Vũ Thành Tự Anh: Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam
  • Việt Nam đã thành nước "nghèo" về tài nguyên nước
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi