Tại Dubai – Vương quốc của nhiều cái “nhất” – các cao ốc vẫn tiếp tục mọc lên bất chấp những khó khăn do cuộc khủng hoảng nợ gây ra |
Trong vài thập kỷ gần đây, Thấm Quyến (Trung Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và Incheon (Hàn Quốc) nổi lên như những mô hình khu kinh tế biển có sự phát triển đầy ấn tượng. Mỗi khu kinh tế biển này đã lựa chọn một đường hướng phát triển riêng.
Mỗi ngày một cao ốc, 3 ngày một đại lộ
Trước khi trở thành đặc khu kinh tế như ngày nay, Thâm Quyến chỉ là một làng chài thuộc huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông. Năm 1979, làng chài này được lựa chọn để thành lập đặc khu kinh tế như một thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường để từ đó nhân rộng ra toàn quốc. Mô hình thử nghiệm thành công rực rỡ. Trong vòng hai thập kỷ, Thâm Quyến nhanh chóng trở thành một trong những thành phố lớn nhất đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, còn đồng bằng châu thổ sông Châu Giang lại trở thành trung tâm kinh tế của Trung Quốc - phân xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới. Cuối thập niên 1990, tốc độ phát triển thần kỳ của Thâm Quyến được khái quát hóa là “mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ”. Với 13 tòa cao ốc cao hơn 200m, Thâm Quyến là nơi có sự hiện diện của hơn 400/500 công ty lớn nhất thế giới. GDP của Thâm Quyến xếp thứ 4 trong số 659 thành phố của Trung Quốc, đạt 780,65 tỷ nhân dân tệ năm 2008 (bình quân đầu người hơn 13.100 USD). Sở Giao dịch chứng khoán của Thâm Quyến có 540 công ty niêm yết, 35 triệu nhà đầu tư chứng khoán và 177 công ty chứng khoán với giá trị giao dịch mỗi ngày khoảng 807 triệu USD.
Một trong những bí quyết tạo nên sự trỗi dậy thần kỳ của thành phố này là vị trí đắc địa và hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông được đầu tư cực tốt. Cảng Thâm Quyến nằm kề cảng Hồng Kông (cách 20 hải lý), xếp thứ 4 thế giới về khối lượng thông qua container (16,2 triệu TEU năm 2005). Ngoài sân bay quốc tế, Thâm Quyến có đường sắt, đường bộ hiện đại. Hai tuyến tàu điện ngầm (bắt đầu vận hành từ năm 2004) và tàu thủy cao tốc nối liền Thâm Quyến với Hồng Kông và các thành phố lớn của Trung Quốc.
Thành phố những kỷ lục
Dubai có nền kinh tế lớn thứ hai trong 7 vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nhưng có điểm đặc biệt là không dựa vào dầu mỏ. Chỉ có 6% GDP của Dubai là từ dầu mỏ, phần còn lại nhờ vào các dịch vụ cảng biển, du lịch, tài chính. Với những dự án xây dựng khổng lồ và sự phát triển thần kỳ của nhiều ngành công nghiệp, Dubai là nơi hội tụ nhiều kỷ lục thế giới: tòa nhà cao nhất thế giới (828m), khách sạn sang trọng nhất thế giới (KS 7 sao Burj Al Arab), khu mua sắm lớn nhất thế giới, các đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, khu trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới…
Các khu kinh tế tự do, đặc biệt là khu tự do Jebel Ali, đóng góp phần lớn vào sự phát triển của Dubai và UAE nói chung (UAE có 12 khu kinh tế tự do thì Dubai đã chiếm 11 khu). Các khu này được quy hoạch phát triển rất chi tiết theo hướng chuyên môn hóa cao. Chẳng hạn, Dubai International Academic City là nơi tập trung của khoảng 40 trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế; Dubai Internet City là công viên công nghệ thông tin áp dụng mô hình người nước ngoài quản lý, vận hành toàn bộ; hiện đã thu hút tới 850 công ty với hơn 10.000 nhân viên, trong đó có hầu hết các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này như Microsoft, IBM, Oracle, HP, Nokia… The Dubai International Finance Centre là khu tài chính tự do, áp dụng luật pháp kinh doanh quốc tế; có thuế thu nhập và lợi tức bằng 0%.
Tốc độ phát triển nhanh, những công trình kỷ lục, sự sang trọng và trình độ quốc tế về thể chế là những yếu tố làm nên thương hiệu của đặc khu kinh tế biển Dubai.
Khối nam châm thu hút đầu tư nước ngoài
41 tỷ USD là số vốn Chính phủ Hàn Quốc dự kiến đầu tư cho khu kinh tế biển Incheon. |
Thập niên 1990, sự tăng trưởng của Hàn Quốc trên nền tảng công nghiệp chế biến được coi là đã tới ngưỡng, nền kinh tế thiếu những ngành nghề mang tính sáng tạo, năng lực cạnh tranh của khu vực dịch vụ yếu, Chính phủ nước này đã quyết định đầu tư xây dựng khu kinh tế tự do Incheon với diện tích gần 210 km2. Mục tiêu là biến khu kinh tế này thành một “nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng thành trung tâm dịch vụ hậu cần (logistics), kinh doanh, nghỉ dưỡng và du lịch của cả vùng Đông Bắc Á. Đây là khu kinh tế tự do đầu tiên ở Hàn Quốc do Chính phủ trực tiếp xây dựng từ tháng 8/2003, dự kiến hoàn thành năm 2020 với tổng vốn đầu tư ước khoảng 41 tỷ USD. Việc thiết kế khu kinh tế tự do với những tiêu chuẩn hiện đại nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài được các chuyên gia kinh tế coi là bước đột phá về chính sách của Hàn Quốc, bởi trước đây Hàn Quốc chủ trương hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài.
Tận dụng lợi thế sẵn có, có quy hoạch rõ ràng và tư duy toàn cầu nhằm thu hút tối đa đầu tư nước ngoài là đặc trưng thương hiệu của Incheon.
Chuyên môn hóa tạo nên bản sắc
Phân tích mô hình của 3 khu kinh tế biển nêu trên, PGS TS Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, các khu kinh tế nói chung và khu kinh tế tự do nói riêng, đều khai thác triệt để các thế mạnh - nhất là về vị trí địa lý (khu vực ven biển, giao thông thuận lợi); kinh tế xã hội (gần hoặc trong phạm vi một thành phố, có nguồn nhân lực, thị trường tốt…). Việt Nam có thể lựa chọn xây dựng một vài khu kinh tế tự do ven biển, nhưng “cần hướng sự phát triển của mỗi khu vào một lĩnh vực được chuyên môn hóa, tránh tình trạng các khu kinh tế đều nhang nhác như nhau, không khu nào khác khu nào một cách đáng kể”, chuyên gia này bình luận.
Bên cạnh đó, các khu kinh tế tự do thành công đều có điểm chung là thể chế hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng và mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn, trở thành nơi hội tụ của đông đảo các công ty hàng đầu thế giới. Ông Thắng kiến nghị, Việt Nam tập trung nguồn lực xây dựng một trong các khu kinh tế biển trong quy hoạch thành khu kinh tế tự do trong giai đoạn từ 2011 - 2020.
(Theo Ngọc Khánh // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com