![]() |
Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, kể cả quốc doanh, chỉ "diễn một vai" thôi, đó là kinh doanh lúa gạo có lãi Ảnh: TL |
LTS: Nhân đọc ý kiến của ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong bài phỏng vấn về việc lập liên doanh lúa gạo Việt Nam - Campuchia, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, đã có bài viết nêu thêm ý kiến về việc tổ chức, điều hành kinh doanh lúa gạo hiện nay. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của ông:
Trả lời phỏng vấn trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 29-9-2009, một quan chức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói về chủ trương liên doanh với Campuchia kinh doanh lương thực là "để không cạnh tranh với gạo Việt Nam", vì "nếu chúng ta không tự cạnh tranh thì phải cạnh tranh với người khác".
Thông tin trên, có người hỏi tôi và băn khoăn cho hạt gạo Việt Nam sẽ gặp khó khăn mới vì phải có thêm "đối thủ" trên thị trường. Với trả lời của quan chức VFA trong bài phỏng vấn, tôi thật sự không hiểu và nhất là hai câu trích dẫn nói trên càng không hiểu sự thật của vấn đề là gì.
Các công ty và tổng công ty lương thực (Vinafood 1 và Vinafood 2) của các tỉnh và của trung ương từ khi thành lập cho đến nay (không kể các công ty đã chuyển sang cổ phần) có ba chức năng: (1) bảo đảm an ninh lương thực, (2) tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với giá có lợi cho nông dân nhất, (3) kinh doanh có lãi.
Vì một mình "diễn ba vai tuồng" nên từ ấy đến nay, có công ty nào mà diễn trọn "ba vai"? Chính phủ phải rất vất vả trong điều hành hàng năm, như chu kỳ chống bão. Trong khi đó, các công ty - tổng công ty - hiệp hội không khi nào diễn trọn hai vai phục vụ, thế nhưng vai kinh doanh thì thường là diễn trọn hoặc xuất sắc là khác.
Điều này trách công ty hay hiệp hội thì có khi không thỏa đáng. Bởi hai vai: an ninh lương thực và lợi ích nông dân là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị, là pháp lý mà Nhà nước phải thực hiện, thông qua nhiều chính sách, giải pháp, luật pháp, không cần phải duy nhất dựa vào các doanh nghiệp nhà nước. Nếu dựa vào như lâu nay thì tình hình như chúng ta đã thấy trong thực tế. Và mọi phê phán như lâu nay thì cũng là câu chuyện dần lân. Không ai chịu có lỗi cả. Chỉ có nông dân là chịu lỗ!
Sản xuất nông nghiệp đang có nhiều vấn đề về tổ chức sản xuất. Ở đây chỉ nói riêng về kinh doanh lương thực. Muốn bán gạo thì ta phải có gạo trong kho, ít nhất là hơn phân nửa sản lượng ký kết hợp đồng cho cả năm. Kho cũng là một đề tài lớn. Kho lúa hay kho gạo, xây ở đâu, kho và các khâu dịch vụ liên hoàn như lò sấy lúa, máy tách vỏ lúa, máy lau bóng gạo v.v… Còn vấn đề vận chuyển lúa trên đồng, từ đồng về kho bằng phương tiện gì; vấn đề sử dụng thương lái như thế nào; nếu sợ thương lái ép giá nông dân thì ai làm, phải nói rõ, không nên lên án chung chung.
Ta nên học Thái Lan điểm này mà không ngại gì. Chính sách lương thực phải nhất quán và ổn định, giá lúa gạo mua của nông dân phải công bố từ đầu năm hoặc ít nhất là đầu vụ. Giá sàn xuất khẩu cũng phải công bố đầu năm hoặc đấu thầu, điều chỉnh giá từng thời điểm.
Giữ các tổng công ty lương thực nhà nước, không cổ phần hóa; doanh nghiệp lương thực các tỉnh thì có thể cho cổ phần hóa hết, trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối; đồng thời cho tư nhân tham gia hiệp hội lương thực và được quyền bình đẳng, kể cả quyền xuất nhập khẩu như quốc doanh.
Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, kể cả quốc doanh, chỉ còn "diễn một vai" thôi, đó là kinh doanh lúa gạo có lãi. Còn "hai vai" nói trên - (1) bảo đảm an ninh lương thực, (2) tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với giá có lợi cho nông dân nhất - Chính phủ nên giao cho Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch -Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hội Nông dân, chính quyền các tỉnh, và mời các đoàn thể, hiệp hội tham gia.
Không như vậy thì dù có ở nhà hay đi xứ người hợp tác kinh doanh thì các tổng công ty cũng chỉ diễn có một vai thôi, và nhất định sẽ đá lại "gà nhà", đó là quy luật kinh tế thị trường.
Và nhất định sẽ thắng "gà nhà". Vì đất lúa của Campuchia rộng, bình quân diện tích trên hộ nhiều hơn ta, đất lại cao hơn mặt nước biển rất nhiều, canh tác theo chế độ quảng canh…, năng suất tuy thấp nhưng giá thành cũng thấp. Còn Việt Nam, sản xuất năng suất cao, giá thành cũng cao; tuy tỷ suất lợi nhuận có cao, nhưng tổng thu nhập trên hộ không cao (đất ít). Nếu dự báo "biến đổi khí hậu" như kịch bản xảy ra, chi phí cho bảo vệ sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm tăng giá thành hơn nữa, trong khi đó phía Campuchia gần như là không có kịch bản này.
Nhân đây cũng xin nói thêm một chút về các hiệp hội như hiệp hội lương thực, thủy sản, thức ăn chăn nuôi... đều là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp, chúng ta đòi họ lo cho quyền lợi của nông dân thì thật là tréo ngoe. Là tổ chức của các nhà doanh nghiệp, họ bảo vệ cho họ - đúng thôi, vì luật đã quy định.
Đã đến lúc Nhà nước phải phân lại vai tuồng cho rành mạch, cụ thể, minh bạch trong vấn đề sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ lương thực, trên nguyên tắc mổi người diễn một vai thì ai cũng dễ tròn vai diễn.
(Theo Nguyễn Minh Nhị // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com