Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năng lực cạnh tranh đang được cải thiện

Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của Bà Rịa - Vũng Tàu, việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là vấn đề mấu chốt. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Thuế Vũng Tàu kiểm tra việc sử dụng hóa đơn thuế GTGT của doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Dầu khí miền Nam đang thao tác trên máy.

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) là một trong những thước đo về môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2009, Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 8 trong bảng tổng sắp của 63 tỉnh thành, vượt 4 bậc so với năm 2008.

ĐỨNG TRONG TOP ĐẦU

PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, được thực hiện bởi Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ). Theo báo cáo tổng hợp của các tổ chức này, Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng tổng sắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Phần lớn trong 9 chỉ số thành phần cấu thành nên PCI đều đã được cải thiện, riêng chỉ số thiết chế pháp lý đứng hàng thứ nhất trong cả nước.

2 chỉ số đã có sự cải thiện tốt là chi phí thời gian và chất lượng đào tạo lao động. Từ năm 2006 đến nay, chỉ số chi phí thời gian đã giảm từ bậc 23 xuống bậc 6, cho thấy sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc giải quyết các thủ tục có liên quan đến doanh nghiệp, và cũng khẳng định những tiến bộ trong công tác cải cách hành chính. Chỉ số chất lượng đào tạo lao động giảm đột ngột từ bậc 20 năm 2008 xuống bậc 3 năm 2009, nhờ chủ trương khuyến khích đầu tư xã hội hóa. Theo thống kê, hiện 63% số cơ sở dạy nghề trong tỉnh do tư nhân thành lập.

Nếu so sánh trong 9 tỉnh miền Đông Nam bộ, thì Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ở vị trí thứ 2, sau Bình Dương và đứng thứ nhất trong 3 tỉnh cải thiện được vị trí sắp hạng trong năm 2009.

NHIỀU CHỈ SỐ QUAN TRỌNG CHƯA ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO

Cũng qua các chỉ số PCI cho thấy, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn nhiều hoạt động điều hành chưa được doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là chỉ số về tiếp cận đất đai (vị trí 48/ 63), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (vị trí 43/63). Riêng chỉ số tiếp cận đất đai đã không có sự cải thiện nào đặc biệt trong 4 năm gần đây. Có đến 54,75% doanh nghiệp cho biết mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp có tính ổn định thấp, hoặc rất thấp; chỉ có 32,73% doanh nghiệp cho rằng nếu bị thu hồi đất, doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng; 34,59% doanh nghiệp cho biết, đã từng gặp cản trở về mặt bằng kinh doanh; 25,79% doanh nghiệp đánh giá, thủ tục đất đai phức tạp là cản trở lớn nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Còn chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp không những không được cải thiện mà còn lùi tới 36 bậc so với năm 2008. Chỉ có hơn 50% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh và tư vấn về thông tin pháp luật từ nhà nước; chỉ có 29,66% doanh nghiệp sử dụng “kênh” xúc tiến và triển lãm thương mại do các cơ quan nhà nước thực hiện... Điều này cho thấy sự tin tưởng vào các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước không cao.

Ngoài 2 chỉ số thành phần kể trên, thì một số yếu tố khác cũng làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Bà Rịa – Vũng Tàu. Chẳng hạn, chi phí gia nhập thị trường tuy có điểm số cao nhất trong các chỉ số thành phần của tỉnh, nhưng thứ hạng trong bảng tổng sắp không cao cho thấy tốc độ cải cách trong lĩnh vực này chưa bắt kịp các tỉnh khác. Chỉ có 45,3% doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với các doanh nghiệp dân doanh. Đáng ngại là rất nhiều doanh nghiệp cho biết “luồng” chi phí không chính thức đang tồn tại khá nặng nề và cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Phải chăng những tồn tại kể trên chính là một trong những lý do khiến một số nhà đầu tư quay lưng với Bà Rịa – Vũng Tàu trong khi tiềm năng của tỉnh còn khá rộng mở. Chỉ có 50 doanh nghiệp trả lời sẽ đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu khi có nhu cầu mở rộng đầu tư. Cũng câu hỏi này, TP. Hồ Chí Minh nhận được 472 câu trả lời “có”, Vĩnh Phúc là 98, Lào Cai 65, Đồng Nai là 111.

Bà Phạn Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Cải thiện chỉ số PCI là điều kiện cần thiết để nâng cao tính cạnh tranh của Bà Rịa – Vũng Tàu. Cần tập trung vào một số chỉ số đạt thấp như: Tiếp cận đất đai, hỗ trợ dịch vụ công. Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng cần được chú trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực. Song song với việc đa dạng hóa nguồn đầu tư mà Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện được hiện nay, cần có những chính sách nhằm tập trung việc đào tạo hướng đến tương lai, chú trọng những ngành nghề mũi nhọn như du lịch, công nghiệp công nghệ cao...

Bài, ảnh: Hồng Nhung, Hà Phan

PCI năm 2009 tập hợp tiếng nói của 9.890 doanh nghiệp dân doanh trong cả nước nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trên 9 lĩnh vực điều hành: 1.Gia nhập thị trường, 2.Tiếp cận đất đai, 3.Minh bạch, 4.Chi phí thời gian, 5.Chi phí không chính thức, 6.Tính năng động, 7.Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, 8.Đào tạo lao động, 9.Thiết chế pháp lý.

Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh: Cải thiện hành chính công để tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Trong thời gian qua, tỉnh đã làm tốt một số yếu tố trong cải cách hành chính, thể hiện qua các chỉ số PCI như thiết chế pháp lý, chi phí thời gian, tính minh bạch được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn... Những chỉ số này cần tiếp tục duy trì bằng sự quan tâm và chia sẻ của chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống công quyền cần nỗ lực hơn nữa, tập trung vào các chỉ số chưa đạt yêu cầu, để tạo dựng lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Chi nhánh VCCI Vũng Tàu: Chính quyền và doanh nghiệp cùng đồng hành
VCCI là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, là đầu mối thu thập thông tin nhằm hình thành chỉ số PCI. Qua công việc này, chúng tôi nhận thấy, để tạo môi trường kinh doanh tốt, lành mạnh, cần có sự đồng hành giữa chính quyền và doanh nghiệp. Về phía chính quyền, cần cải cách thủ tục hành chính triệt để, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, xã để giải quyết mọi vướng mắc cho doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, cần có sự chủ động về tiếp cận thông tin, đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận với hành lang pháp lý nhanh và hiệu quả nhất.

Ông Lưu Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc CTCP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân:

Các hiệp hội doanh nghiệp phải tăng năng lực hỗ trợ

Một trong những chỉ số còn yếu của Bà Rịa – Vũng Tàu là chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động tốt, là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, tôi tin chỉ số này sẽ được cải thiện. Như năm 2009 vừa qua, trước thách thức của khủng hoảng kinh tế, nhiều hội đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị để gắn kết doanh nghiệp với các đầu mối cơ quan công quyền, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa qua đó đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, hay nắm được các thông tin hỗ trợ của Nhà nước, những chính sách pháp luật... Tôi nghĩ rằng, các hiệp hội doanh nghiệp đủ năng lực để tăng cường các hoạt động giao tiếp như thế.

Các thông tin doanh nghiệp BR-VT khó tiếp cận:
- Kế hoạch về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (60,44%)
- Bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất (59,13%)
- Các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh (42,31%)
- Công báo đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh (33,09%).

(Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

  • Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông: Việt Nam vẫn còn cơ hội thúc đẩy
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Yêu cầu bức thiết - Kỳ vọng lớn lao
  • Phó tổng giám đốc IMF John Lipsky: Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập cao hơn
  • Nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách
  • Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng
  • Kiềm chế lạm phát: Bài toán tổng thể
  • Sức hút của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng
  • Đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010: Nhiều giải pháp để về đích
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi