Chưa ai làm bài toán cụ thể về con đường tiêu thụ của những thực phẩm thiết yếu nhất hằng ngày như mớ rau, con cá... Bằng cách “hô biến” giá tăng gấp đôi, gấp ba giá gốc, các thương lái, mối buôn kiếm lời từ khoản chênh lệch giá đáng kể này.
Đâu là giá thực của sản phẩm, người tiêu dùng đang được hưởng đúng giá cả và người nông dân có được thật sự hưởng lợi? Như một cuộc khảo sát nhỏ, loạt bài này thử đi tìm giải đáp cho những câu hỏi trên.
Bài 1: “Hành trình” của rau muống và bắp cải
Ngày 22.5, chúng tôi đã có cuộc khảo sát thị trường nhỏ tại hai địa bàn là Hà Nội và TPHCM. Có khảo sát mới thấy, giá một mớ rau, con gà từ ruộng, từ chuồng ra đến sạp hàng những chợ trung tâm của hai thành phố lớn này là cả một mức chênh lệch đáng giật mình.
Giật mình giá rau xanh!
Hơn bốn rưỡi sáng, chợ rau quả đầu mối Dịch Vọng (Q.Cầu Giấy – Hà Nội) đã tấp nập kẻ mua người bán. Đây là điểm đầu mối khá lớn từ các điểm trồng rau ngoại thành như Hoài Đức, Đông Anh... nhập hàng cho mối buôn, nhà hàng và cả khách lẻ nội thành. Qua khảo sát, giá nhiều mặt hàng rau xanh tại đây rẻ bất ngờ như: Rau muống, mùng tơi 1.500đ/mớ, rau lang 1.000đ/mớ, bắp cải 2.000đ, cà chua 5.000đ/kg, cải ngọt 7.000đ/kg...
Chị Thu - chủ xe rau xanh từ huyện Thường Tín vừa vào đến chợ, đôi bàn tay tứa máu cuốn tạm miếng bông dán rồi vội vã xếp hàng ra nền nhà “gần 60 mớ rau muống với hơn chục mớ rau lang vừa cắt sáng sớm nay mà mới chỉ nhập được 1/3 số hàng thôi. Rau quả đang vào mùa nên giá thấp lắm, chả bõ công chăm và chi phí” - chị Thu cho hay.
Với chừng đấy rau, tổng tiền chị bán được tầm 130.000 -140.000 đồng, tiền xăng chạy từ huyện Hoài Đức ra mất khoảng 30.000đ, chi phí gửi xe, chỗ ngồi thêm khoảng 10.000đ nữa. Vị chi mỗi ngày chị nhét túi mang về ngót nghét 100.000đ. “Phải mang trực tiếp ra đây thì mới bán được chứ bây giờ không ai mua rau tại ruộng nữa vì giá rau quá rẻ mạt. Nếu không bán hết chỗ này, tôi lại chạy xe vào phố bán tháo cho dân, chấp nhận giá thấp hơn” – chị Thu nói.
Tại TPHCM, nông dân ở các huyện ngoại thành, các tỉnh lân cận TPHCM bán rau, trái cây với giá rất thấp: Cải ngọt 2.000đ/kg, hành lá 7.000đ/kg... Như vậy, từ người nông dân đến tay người tiêu dùng, các loại rau này đã bị tăng giá gấp 3 lần sau khi qua các người bán trung gian. Không ít nông dân khi có dịp đến TPHCM đã quá kinh ngạc khi thấy nông sản do chính mình trồng lại được bán quá cao.
Anh Sáu Tường - nông dân trồng dưa xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT - cho biết: “Dưa hấu tại ruộng tôi bán chỉ 2.000đ/kg, các vựa trong tỉnh bán cho cư dân trong khu vực 3.000 – 3.500đ/kg, thế mà ở TPHCM tại các điểm bán trên lề đường, chợ đều treo biển giá dưa hấu 7.000đ/kg. Mức giá này gấp đôi so với giá các vựa ở BR-VT bán lẻ cho người dân và gấp 3 lần so với giá dưa người trồng dưa bán được. Phần lãi cho những người mua đi bán lại còn cao hơn giá dưa ban đầu”. Chị Tư Hòa - huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - đã phải lắc đầu khi thấy chôm chôm nhãn trồng tại vườn chỉ 30.000 - 32.000đ/kg, khi lên đến TPHCM đã đội giá lên 55.000đ/kg - cao gần gấp đôi so với giá ban đầu.
“Khoảng trống” lệch giá
Nếu như trước đây mức chênh lệch giá giữa hàng chợ đầu mối và chợ bán lẻ tại TPHCM chỉ 30% thì nay tăng lên 50%, thậm chí cao hơn khi hút hàng. Nếu ở Hà Nội, rau xanh được bán ở chợ đầu mối do chính nông dân trực tiếp mang rau lên bán thì tại đây giá phải chịu thêm một mức trung gian nữa là thương lái ở chợ đầu mối.
Tại chợ nông sản Thủ Đức, giá rau củ quả ở mức trung bình: Bầu 6.000đ/kg, cà chua 4.000đ/kg, cải ngọt 6.000đ/kg... khi về đến chợ Bà Chiểu, Bến Thành, Tân Định... “nghiễm nhiên” tăng khoảng 50 - 65% so với giá đầu mối. Các loại trái cây tại chợ lẻ cũng tăng 20% so với giá ở chợ đầu mối với 4.000 – 8.000đ/kg. Và khi vào đến siêu thị, do được trang bị máy điều hòa nên lại tiếp tục tăng khoảng 30-40% so với mức giá tại chợ đầu mối. Rau xanh ngày 22.5 tại nhiều chợ trung tâm Hà Nội như chợ Ngọc Hà, chợ Nghĩa Đô... đã tăng gấp đôi, gấp ba so với giá gốc.
Theo đó rau muống tăng 3.500đ/mớ, mùng tơi, rau lang 3.000đ/mớ, cà chua 8.000đ/kg, cải ngọt 10.000đ/kg... Không chỉ rau xanh, các loại thịt lợn và thịt gà từ nông trại vào đến sạp hàng ở chợ nội thành đã tăng 30 - 50%. Giá thịt lợn dao động từ 90.000đ – 110.000đ/kg tùy loại, thịt gà 90.000đ/kg gà công nghiệp và 140.000đ/kg gà ta. Trong khi đó tại các nông trại huyện Đông Anh, giá gà lông công nghiệp chỉ ở mức 45.000 – 50.000đ/kg, gà ta 90.000 – 100.000đ/kg. Giá lợn hơi tại đây cũng chào bán 60.000đ/kg, lợn móc hàm 80.000đ/kg.
Với hải sản thì mức chênh này lên đến con số cả trăm ngàn đồng. Anh Thành Khôi sau một chuyến công tác tại tỉnh Cà Mau trở về TPHCM, cho biết: “Giá cua thịt tại Cà Mau chỉ 80.000 – 100.000đ/kg tại các chợ. Thế mà tại TPHCM giá lên gấp đôi với 220.000 – 250.000đ/kg”.
Lý giải nguyên nhân giá hải sản này chênh nhiều so với giá tại gốc, chị Minh Hà - chủ vựa hải sản tại quận 2 - bật mí: “Một số vựa hải sản đặt hàng thẳng từ các mối lái ở Cà Mau rồi gửi xe khách đưa hàng lên, không thông qua chợ đầu mối, giảm bớt người bán trung gian. Nhưng giá hàng vẫn cao là vì mặt bằng kinh doanh ở TPHCM quá cao, 10 – 12 triệu đồng/tháng. Chi phí mặt bằng 350.000 – 400.000đ/ngày là tính hết vào giá bán khiến giá hải sản đội lên”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong những “giải thích” của thương lái khi đội giá hàng hóa lên cao. Đi tìm câu trả lời cho “khoảng trống” giá này vẫn còn rất nhiều nguyên nhân...
Bài 2: Đi tìm “khoảng trống” lệch giá
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com