Hiện nay, trong lúc nước ta đang dồn hết tâm lực để kiềm chế lạm phát, ổn định (nói cho đúng hơn là “cải thiện”) kinh tế vĩ mô thì lại nghe thấy nhiều tin dữ về tình hình kinh tế thế giới. Lần này, những bất ổn nghiêm trọng cùng một lúc diễn ra ở cả ba nền kinh tế lớn vốn được coi là đầu tàu của kinh tế toàn cầu, đồng thời là những thị trường và đối tác hàng đầu của nước ta là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Liệu có bùng nổ cuộc khủng hoảng toàn cầu mới không? Nhân tố nào sẽ dẫn đến khủng hoảng và nó có thể diễn biến thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới kinh tế thế giới nói chung và kinh tế nước ta nói riêng? Đó là những vấn đề rất lớn cần được nghiên cứu, dự báo và có biện pháp che chắn ngay từ bây giờ. Tôi xin không đề cập tới chuyện đại sự đó trong bài báo này vì chưa đủ thông tin. Ở đây tôi muốn lạm bàn về một câu chuyện khác; đó là những biến đổi của kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm qua (tôi không nói là trong những năm 2008-2009 vì cho tới nay thế giới vẫn chưa thoát khỏi dư chấn của nó mà còn đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kép), từ đó gợi ý về những hệ lụy và cách ứng xử của ta. Khủng hoảng 3F+1E Một trong những đặc điểm của cuộc khủng hoảng trong những năm qua là cùng một lúc diễn ra mấy cuộc khủng hoảng khác nhau. Có người nói tới cuộc khủng hoảng 3F (theo tiếng Anh là tài chính - năng lượng - lương thực). Điều đó đúng nhưng chưa đủ nếu như không thêm vào đó chữ E (môi trường). Trước tình trạng khủng hoảng 3F+1E đang xuất hiện xu thế điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chí ít là ở các nền kinh tế phát triển. Người ta đổ ra rất nhiều tiền của và công sức để khuyến khích sự phát triển của các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Theo hướng đó các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời lên ngôi; điện nguyên tử đang được xem xét lại, thậm chí Đức sẽ chấm dứt, Nhật sẽ giảm dần, nhiều nước khác soát xét lại; ô tô chạy điện, thậm chí máy bay dùng pin mặt trời đang được thử nghiệm; các quy định về an toàn môi trường, vệ sinh ngày càng thắt chặt… Với xu hướng này nước ta sẽ chịu tác động nhiều chiều, nói một cách hình tượng là cả ở “đầu ra” lẫn “đầu vào” cũng như cả quá trình “quay hộp đen” - một từ được sử dụng phổ biến vào những năm 80 thế kỷ trước. Trong khi ta đang loay hoay để thoát khỏi tình trạng công nghiệp gia công là chính để chuyển sang phát triển công nghiệp chế biến và chế tạo là trọng tâm thì các nước phát triển đã bước vào thời kỳ phát triển các ngành hoàn toàn mới. Bối cảnh đó làm cho sự tụt hậu về kinh tế của nước ta vốn đã xa sẽ càng xa. Điều đó yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần được đặt trong sự chuyển dịch cơ cấu mới này chứ không phải theo cơ cấu truyền thống cũ. Ngay chính sách năng lượng cũng cần được xem xét lại một cách nghiêm túc, theo đó cần cân nhắc kỹ lưỡng mối tương quan giữa các dạng năng lượng gây ô nhiễm (kể cả điện hạt nhân) và dựa trên các nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt với các dạng năng lượng tái tạo. Các sản phẩm của nước ta tiêu hao nhiều năng lượng và gây nguy hại về môi trường sẽ bị kiểm soát ngặt nghèo hơn (ngay bây giờ đồ gỗ cũng đã phải đối mặt với nguy cơ bị kiểm soát gắt gao về xuất xứ nguyên liệu). Cái nước ta có lợi thế nhất lúc này là lương thực và một số nông sản trong khi thế giới đang phải đối phó với khủng hoảng lương thực. Đó là ở “đầu ra”, còn ở “đầu vào” thì nhiều ngành tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi trường sẽ được đổ vào nước ta; một trong những biểu hiện của xu hướng này là hàng loạt dự án luyện kim giá trị hàng tỉ đô la được chào mời; nhiều nước đua nhau chào bán thiết bị năng lượng hạt nhân trở nên dư thừa cho ta. Đồng hành với quá trình tái cơ cấu công nghệ là quá trình tái cấu trúc tài chính tiền tệ. Mọi người đều biết, cuộc khủng hoảng vừa qua đã bùng phát trước hết trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, ngân hàng. Khủng hoảng nợ ở châu Âu và ngay cả ở nước Mỹ hiện nay cũng liên quan tới tài chính - tiền tệ, phản ánh xu thế Nhà nước và cả người dân tiêu xài quá cái làm ra, sống bằng bội chi ngân sách và tiền vay nợ ở trong và ngoài nước. Cũng trong khuôn khổ đó, kinh doanh và tín dụng bất động sản luôn là “cái gót A-sin”; chẳng thế mà quả bong bóng bất động sản đã nổ tung ở Nhật Bản vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, nhấn nền kinh tế Nhật vào cảnh trì trệ tới tận nay; quả bóng đó một lần nữa lại vỡ tan ở Mỹ vào năm 2008; thậm chí nền kinh tế Trung Quốc hừng hực khí thế cũng phải hãm phanh ở khâu này. Toàn bộ tình hình đó buộc tất cả các nước phải tái cấu trúc hệ thống tài chính - tiền tệ theo hướng gia tăng giám sát, xếp sắp hệ thống, loại bỏ khâu yếu, thắt lưng buộc bụng, giảm chi ngân sách. Định vị nước ta trong một thế giới đã đổi thay Nhìn người có lẽ chúng ta cũng cần nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết. Ai cũng thấy hệ thống ngân hàng của chúng ta quá đông so với nền kinh tế nhỏ bé nhưng rất không mạnh và đang có rất nhiều bất ổn cần được xử lý rốt ráo. Thị trường bất động sản và cả chứng khoán ngốn một phần đáng kể tín dụng, lúc nóng lúc lạnh tới mức đóng băng. Nợ quốc gia tuy còn ở mức an toàn song vài năm gần đây tăng nhanh, chi trả nợ chiếm tỷ trọng không nhỏ trong khoản chi ngân sách rất hạn hẹp của ta, nhiều doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh làm ăn lỗ lã buộc Nhà nước mà thực chất là người dân vốn khốn khó phải gánh chịu. Bội chi ngân sách kéo dài và ở mức cao, đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả là điều được nói tới nhiều song vẫn chưa thấy có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc rất nghiêm túc rút ra những bài học cay đắng của các nước khác vốn có tiềm năng lớn hơn ta nhiều và có bề dày hàng trăm năm quản lý hệ thống tài chính - ngân hàng để kịp thời ngăn ngừa những hệ quả xấu, cần phân tích xem những bất ổn của thiên hạ trong lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng ra sao tới nền kinh tế nước ta. Chắc rằng, khả năng tranh thủ ODA sẽ eo hẹp hơn; điều kiện vay tín dụng trên thị trường tiền tệ quốc tế sẽ ngặt nghèo hơn; việc thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng không đơn giản. Đó là chưa kể những bất ổn về kinh tế vĩ mô ở ta đã làm cho mức tín nhiệm tín dụng bị sụt giảm. Điều này chắc sẽ ảnh hưởng không thuận đến việc huy động vốn để thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm vừa được thông qua. Còn nếu bùng phát một cuộc khủng hoảng mới, nhất là một loạt nước vỡ nợ thì chưa biết hệ quả sẽ thế nào. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế, nhiều nước đã thực hiện chủ trương tái cấu trúc chính sách kinh tế theo hướng khuyến khích nội nhu đi đôi với việc vừa dựng hàng rào bảo hộ công khai hoặc trá hình, vừa tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Tình hình này càng đẩy xa, thậm chí chôn vùi vòng đàm phán đa phương Doha về tự do hóa thương mại, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với các cuộc đàm phán riêng lẻ về đề tài này. Lâu nay nước ta đã kiên trì theo đuổi chính sách đẩy mạnh xuất khẩu và đã gặt hái được không ít thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế mới cũng cần cân nhắc tỷ trọng thỏa đáng của kinh doanh xuất-nhập khẩu trong GDP mà nay lên tới khoảng trên dưới 140% (đó là chưa kể những yếu kém về cơ cấu và tình trạng nhập siêu cao, kéo dài). Các nhà xuất khẩu của ta sẽ vấp phải không ít rào cản và các cuộc tranh chấp thương mại. Mặt khác cũng nên bàn về vị trí và phương cách khuyến khích nội nhu - một điều cho tới nay ít được đề cập. Các cuộc đàm phán về tự do hóa thương mại, hình thành các khu mậu dịch tự do mà nước ta đang tiến hành cũng nên được đặt trong bối cảnh mới. * Một sự tái cấu trúc khác cực kỳ quan trọng, thậm chí có tính bước ngoặt trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới là quá trình tái cấu trúc sức mạnh của các quốc gia và khu vực. Rõ ràng ba cái đầu tàu của nền kinh tế thế giới là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đang trục trặc nặng; các nền kinh tế mới nổi mà điển hình là nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), nay thêm cả Nam Phi ngày càng lên hương. Trong khuôn khổ đó người ta quan tâm nhiều nhất tới sự đổi ngôi của hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc theo chiều hướng kinh tế Trung Quốc đi lên, kinh tế Mỹ đi xuống. Chỉ ít năm trước đây mấy ai tưởng tượng nổi cảnh Trung Quốc cứu nền kinh tế Tây Âu, nắm giữ hàng ngàn tỉ đô la trái phiếu của Chính phủ Mỹ, Phó tổng thống Mỹ phải đích thân sang Bắc Kinh kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư kinh doanh ở Mỹ!? Nói một cách khác, thế giới đã đổi thay và nên định vị nước ta thế nào trong thế giới ấy; đó mới là điều đáng suy nghĩ và có kế sách thỏa đáng chứ không chỉ xử lý những vấn đề riêng lẻ. Trên đây là vài suy ngẫm sơ lược trước nhân tình thế thái theo phương ngôn “Nhìn người lại ngẫm đến ta”. Ngày nay người ta hay nói đến yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế nhưng dường như cách hiểu và nhất là cách làm thế nào cũng còn quá khác nhau. Dù gì đi nữa thì trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam không thể làm theo phương châm “đường ta ta cứ đi” mà không tính đến các quá trình tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu mà bài viết này chỉ chấm phá đôi điều.
* *
-------------------------
Tác giả: Vũ Khoan
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com