Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phác thảo bức tranh toàn cảnh về nợ công của Việt Nam

Sẽ công khai các khoản nợ quốc gia

Tại hội thảo “Quản lý và giám sát tài chính công trước những vấn đề nợ công ở châu Âu và những hàm ý đối với Việt Nam” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức hôm qua 2.7 ở Hà Nội, TS Nguyễn Thành Đô - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - đã làm sáng tỏ thêm bức tranh toàn cảnh về nợ công của Việt Nam.
TS Nguyễn Thành Đô đánh giá: “Các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia đang trong giới hạn an toàn. Công tác quản lý nợ ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận thông lệ quốc tế. Tỷ trọng nợ nước ngoài trong cơ cấu nợ Chính phủ có xu hướng giảm. Nghĩa vụ trả nợ trong tầm kiểm soát, đặc biệt, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi”. Theo TS Nguyễn Thành Đô, tính đến ngày 31.12.2009, trong cơ cấu nợ nước ngoài của Chính phủ, vay ODA chiếm tỷ lệ chủ yếu với 74,67%, kế đến là vay thương mại với 19,92%, vay ưu đãi với 5,41%. Lãi suất trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2006 là 1,54%/năm, 2009 là 1,9%/năm, và 2010 là 2,1%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia sẽ gia tăng để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển; tỷ trọng vốn ODA sẽ giảm dần, vốn vay thương mại tăng dần.

TS Nguyễn Thành Đô cho biết sắp tới sẽ hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nợ công, thông qua việc hoàn thiện chính sách quản lý về vốn ODA, vay ưu đãi, phát hành trái phiếu, quản lý phòng ngừa rủi ro; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay; thu thập, báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ... Đặc biệt tới đây Bộ Tài chính sẽ công khai minh bạch thông tin danh mục nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia cũng như các chỉ tiêu giám sát nợ, các chiến lược quản lý nợ, và các báo cáo đánh giá an toàn, bền vững nợ trên website về thông tin nợ quốc gia của Bộ mà thời gian qua phần nào đã được cập nhật. Bộ cũng đã xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trình Chính phủ.

Dự kiến đầu tháng 7.2010 sẽ ban hành các nghị định liên quan đến quản lý nợ công như nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công, nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, và nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. “Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng chiến lược quản lý nợ, định hướng quản lý nợ đến năm 2012 và giai đoạn đến năm 2020, nghiên cứu sử dụng các công cụ quản lý nợ có tính đến bối cảnh trong và ngoài nước, phù hợp với thông lệ quốc tế”, TS Nguyễn Thành Đô cho biết thêm.


Giải pháp nào cho quản lý nợ công?

Vận dụng kinh nghiệm quản lý nợ công các nước như thế nào, giải pháp đặt ra cho quản lý nợ công ở VN thời gian tới ra sao… là những vấn đề được phân tích, mổ xẻ tại cuộc hội thảo “Quản lý và giám sát tài chính công trước những vấn đề nợ công ở châu Âu và những hàm ý đối với Việt Nam” diễn ra sáng 2.7, tại Hà Nội.
GDP có thể giảm 1,7% do khủng hoảng ở châu Âu

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) Lê Xuân Nghĩa, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến tình hình phát triển và tăng trưởng của VN, biểu hiện ở việc xuất khẩu giảm, bất lợi về chi phí cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) VN khi lãi suất thấp ở các nước trong khi cao ở VN, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, giá vàng bùng nổ, bảo hiểm rủi ro tín dụng (CDS) có xu hướng tăng và đặc biệt biến động tỷ giá hối đoái sẽ rất khó lường.

Theo chuyên gia này, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ khiến GDP của VN suy giảm khoảng 1,7%  trong năm 2010, cao thứ 3 chỉ sau Trung Quốc (2,8%) và Anh (1,9%). “Nếu không có những chính sách phản ứng kịp thời hỗ trợ xuất khẩu thì triển vọng trung hạn đối với xuất khẩu VN sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Nghĩa khuyến cáo.

Đặc biệt, do lo ngại tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công, nhiều ngân hàng trung ương của các nước phát triển vẫn duy trì lãi suất thấp nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế và chấp nhận lạm phát trong chừng mực nhất định.

Lãi suất tiệm cận 0% ở hầu hết các nước: FED (Mỹ) với 0,25%; ECB (EU) với 1%; BOE (Anh) với 0,5%; Nhật Bản 0,1%. Trong khi đó, ở VN, lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay đều đứng mức cao, các DN phải vay vốn với lãi suất khoảng 14 - 16%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 14,5 - 17% với kỳ hạn trung dài hạn.

Ông Nghĩa nhẩm tính: “Nếu tính đến lạm phát ước cho năm 2010 là dưới 10%, DN phải đạt mức tỷ suất lợi nhuận trên mức 24 - 27%, là mức quá cao so với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của các ngành trong năm 2009 (khoảng 20%)”.

Để đối phó với tình hình trên, Phó chủ tịch Lê Xuân Nghĩa đề xuất 4 giải pháp, đặc biệt là Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn tốc độ tăng và hiệu quả sử dụng nợ công, trên cơ sở kiểm soát thâm hụt ngân sách hợp lý và có chiến lược cụ thể về huy động và sử dụng hiệu quả nợ công trong trung hạn vì theo ông Nghĩa, mặc dù tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài trên GDP của VN chưa quá cao (thấp hơn 50%) nhưng trong điều kiện mức tín nhiệm tín dụng quốc tế thấp, chỉ cần một cú sốc tài chính nhỏ, các nhà đầu tư rút vốn, có thể biến các khoản nợ dài hạn ngay lập tức thành nợ ngắn hạn như khuyến cáo trước đó.

“Điều này đặc biệt nguy hiểm khi các nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là các ngân hàng thương mại lớn có thể tạo ra cú sốc thanh khoản, sẽ gây bất ổn cho toàn bộ thị trường tài chính”, ông Nghĩa cảnh báo.


Công khai các khoản nợ quốc gia

TS Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết bất cập hiện nay trong công tác quản lý nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia (gọi tắt là nợ quốc gia) thể hiện ở khung pháp lý quản lý nợ chưa hoàn thiện, thị trường trái phiếu trong nước phát triển còn hạn chế, hệ số tín nhiệm quốc gia còn thấp, một số khoản vay còn chứa đựng rủi ro và ràng buộc, chưa thực hiện đầy đủ việc công khai nợ công và đặc biệt năng lực quản lý nợ cần được cải thiện.

Cũng theo TS Đô, thách thức về nợ trong thời gian tới là nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia sẽ gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển; tỷ trọng vốn ODA sẽ giảm dần, vốn vay thương mại tăng dần; thị trường tài chính quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, bao gồm cả các rủi ro và cơ hội.

Vì vậy, về định hướng quản lý nợ công thời gian tới, theo TS Đô là sẽ hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nợ công, kiểm soát nợ quốc gia ở ngưỡng an toàn bằng việc tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý về vốn ODA, vay ưu đãi, phát hành trái phiếu, quản lý phòng ngừa rủi ro…; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thu thập, báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ; xây dựng quy chế quản lý rủi ro.

Đặc biệt, sẽ công khai minh bạch hóa thông tin danh mục nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia, các chỉ tiêu giám sát nợ, các chiến lược nợ, và các báo cáo đánh giá an toàn, bền vững nợ trên website của Bộ Tài chính về thông tin nợ quốc gia.

Theo TS Nguyễn Thành Đô, tính đến ngày 31.12.2009, nợ Chính phủ so với GDP là 42,0%, trong đó nợ trong nước Chính phủ so với GDP là 16,9%, nợ nước ngoài Chính phủ là 25,1%.

Có nên lập cơ quan quản lý về nợ công?

Bên lề hội thảo về “Quản lý và giám sát tài chính công trước những vấn đề nợ công ở châu Âu và những hàm ý đối với Việt Nam”, TS Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo giới xoay quanh hiệu quả sử dụng vốn vay ODA cũng như định hướng quản lý nợ công thời gian tới.
Khuyến khích các DN đủ năng lực tự phát hành trái phiếu quốc tế

* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn vay của Việt Nam thời gian qua?

- Đánh giá hiệu quả vốn vay là vấn đề lớn. Nhìn lại cả một thời gian vừa rồi, những đóng góp của vay nợ đối với nền kinh tế là quá rõ ràng. Nếu không có nguồn vốn vay đó, làm sao đạt tăng trưởng GDP như vậy, với hàng loạt công trình lớn về hạ tầng, cầu cống, đường sá, trường học... được cải thiện. Sử dụng vốn vay có hiệu quả trực tiếp và gián tiếp, phải đánh giá hiệu quả vay nợ chung như vậy trong hiệu quả đầu tư chung của ngân sách.

Còn đối với những dự án vay về, kể cả vay ODA, vay xuất khẩu... nói chung đều có hiệu quả. Chúng ta đã cho vay hơn 560 dự án cho vay lại, theo đánh giá tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,8%, rất thấp so với hệ thống ngân hàng nói chung, như thế là hiệu quả. Đối với dự án do Chính phủ bảo lãnh cũng thế, các dự án này nằm trong lĩnh vực được ưu tiên đầu tư như thủy lợi, phát triển đội bay, đường cao tốc... nói chung là có hiệu quả, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế.
* Nhiều ý kiến cho rằng, khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hơn 1.000USD thì việc vay nợ ODA phải giảm xuống. Vậy để huy động vốn cho đầu tư phát triển, chúng ta đã đề ra lộ trình phát hành trái phiếu quốc tế như thế nào, thưa ông?

- Phát hành trái phiếu trong thời gian tới đây phải nhìn nhận lại vì việc phát hành không thường xuyên như thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến chi phí cũng như nguồn vốn vay. Phát hành thường xuyên là tốt nhất. Nếu phát hành thường xuyên phải tính toán hiệu quả sử dụng, dùng vào đâu cho hiệu quả. Chính phủ không phát hành trái phiếu quốc tế vay thương mại để chi tiêu ngân sách mà chỉ phát hành cho những dự án đầu tư có hiệu quả. Nếu có dự án hiệu quả mới phát hành, nếu không thì thôi. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực tự phát hành trái phiếu quốc tế, và cũng phải lựa chọn DN có đủ năng lực, điều kiện phát hành để không cần bảo lãnh. Việc phát hành cũng phải theo hạn mức thương mại hàng năm, không phải ai cũng phát hành được.

Chưa gắn được quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước

* Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quản lý nợ công. Theo ông có thể nới ngưỡng an toàn nợ công để phù hợp với điều kiện Việt Nam hay không?

- Việc nới hay không phải nghiên cứu thấu đáo, dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia, dựa vào kinh nghiệm thế giới, không thể tùy tiện. Vì với các nước khác nhau, ngưỡng an toàn nợ công là khác nhau. Có nước nợ 100% GDP thì không sao nhưng có nước chỉ nợ mức 60% GDP đã vỡ nợ. Cho nên có nới ngưỡng hay không phải tính toán các yếu tố, kể cả cân đối vĩ mô, khả năng hấp thụ, sinh lời của nền kinh tế, tính thanh khoản của thị trường, ngoại hối, hệ số Icor. Trong chiến lược quản lý nợ công phải đề ra ngưỡng an toàn nợ công, vì Luật quản lý nợ công yêu cầu như vậy.

* Theo đánh giá của ông thì đâu là bất cập trong quản lý nợ công ở ta hiện nay?

- Đầu mối thống nhất về quản lý nợ công chưa có, một số cơ quan khác nhau làm việc khác nhau, nên thống nhất về thông tin nợ công là kém. Chúng ta chưa tập hợp được toàn cảnh về nợ công, chưa gắn được quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước trong khi đáng lẽ ra phải gắn kết 2 vấn đề này với nhau vì nó liên quan hữu cơ với nhau. Đúng ra là huy động nợ trong nước đã, thiếu mới huy động ngoài nước. Chúng ta có lúc huy động cả nợ trong nước lẫn ngoài nước, vì thế chưa hiệu quả.

Vấn đề đánh giá mức nợ công an toàn cũng chưa toàn diện, lẽ ra phải đánh giá nợ công cả trong nước, ngoài nước thì mới chính xác. Ngoài ra, năng lực cán bộ, cơ quan quản lý nợ công là chưa có. Các nước quản lý nợ công phải rất nhanh nhạy với thị trường. Trong khi chúng ta, hiện nay việc mua bán nợ, chuyển đổi nợ, phải qua rất nhiều khâu trình để có quyết định, đến khi có quyết định thì đã lỡ cơ hội.

* Vậy chúng ta sẽ khắc phục những bất cập đó trong quản lý nợ công như thế nào trong thời gian tới?

- Phải làm rất nhiều, từ xây dựng hoàn thiện phương thức quản lý, tăng cường năng lực, hoàn thiện thể chế. Tất cả những điều này đang được soạn thảo thành Nghị định quản lý nợ công trình Chính phủ. Hy vọng Nghị định sẽ ban hành vào đầu tháng 7 này.

* Để quản lý nợ công hiệu quả, ở một số nước họ đã thành lập cơ quan chuyên về quản lý nợ công. Theo ông, Việt Nam có nên thành lập một cơ quan, tổ chức chuyên về quản lý nợ công hay không?

- Đây là mô hình của nhiều quốc gia, chúng ta nên hướng theo, nhưng cơ quan chuyên quản lý nợ công ở đâu, như thế nào thì phải tính. Có nước họ tổ chức cơ quan chuyên quản lý nợ công nằm trong Bộ Tài chính, có nước lại thành lập thành một cơ quan kinh doanh độc lập, hoạt động theo đơn đặt hàng của Chính phủ, hoạt động giống như một doanh nghiệp.

( Hải Âu // Theo Thanh Niên )

  • Phương án tài chính của Quỹ Bảo trì đường bộ: Mất nhiều hơn được
  • Việt Nam nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ
  • Cải cách TTHC: Lợi ích xã hội là ưu tiên hàng đầu
  • Việt Nam đã vượt khủng hoảng kinh tế thế giới thành công
  • Vốn cho ngành năng lượng: Cần minh bạch giá
  • Tổng cục Thống kê: 6 tháng cuối năm, lo nhất vẫn là nhập siêu
  • Chuyển đổi DN Nhà nước: Không làm kiểu "bình mới rượu cũ"
  • Vào năm 2020: 80% tỉnh, thành phố có cơ sở y học hạt nhân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi