Sáng 7- 4, các đại biểu HĐND thành phố đồng loạt tiếp xúc đại biểu cử tri tại một số quận, huyện, lấy ý kiến đóng góp chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa 13. Đây là kỳ họp chuyên đề, tập trung bàn và quyết định, thông qua Đề án phát triển kinh tế biển Hải Phòng đến 2015, định hướng đến năm 2020; quyết định mức thu một số loại phí, lệ phí và một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cơ sở xã, phường, thị trấn… Phần lớn ý kiến cử tri đều phấn khởi, nhất trí với nội dung đề án, tin tưởng và kỳ vọng đề án sớm được thực hiện, đưa kinh tế biển Hải Phòng giữ vị trí chủ lực, tạo sức bật cho sự phát triển của Hải Phòng; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện đề án…
* Cử tri quận Lê Chân đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và tổ đại biểu HĐND thành phố bổ sung vào đề án một số vấn đề như gắn kinh tế biển với y học biển, xác định rõ hơn các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn ngân sách, thay đổi thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế biển, xác định sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của thành phố…
Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Thuận đánh giá cao sự quan tâm của cử tri quận Lê Chân đối với đề án phát triển kinh tế biển, ghi nhận những ý kiến đóng góp, đồng thời làm rõ, giải thích thêm một số vấn đề để cử tri hiểu sâu hơn, có cái nhìn đầy đủ, tổng thể hơn về phát triển kinh tế biển ở Hải Phòng, từ đó cùng chung tay gánh vác. Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, việc đưa đề án phát triển kinh tế biển ra bàn vào lúc này là hoàn toàn phù hợp, là một bước triển khai cụ thể Chiến lược biển tới năm 2020 mà Đảng đã đề ra. Kinh tế biển hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ hoạt động kinh tế trên biển và trên đất liền, nhưng liên quan đến biển chứ không phải là toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Khoanh lại phạm vi sẽ có điều kiện thực hiện sâu sắc, triệt để và hiệu quả hơn. Khi xây dựng đề án, thành phố đã có sự cân nhắc rất kỹ về thứ tự ưu tiên phát triển. Theo đó, Hải Phòng được xác định là thành phố Cảng, cửa chính ra biển lớn nhất phía Bắc, trung tâm đóng tàu của cả nước và khu vực.
Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là cảng biển, đóng tàu…, sau nữa là du lịch và một số ngành khác. Thành phố sẽ sớm xem xét, phân kỳ đầu tư để đề án nhanh chóng được thông qua và thực hiện. Cử tri quận Lê Chân cũng như cử tri toàn thành phố cần thấy rõ hơn những thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức khi thực hiện đề án, cùng tìm giải pháp tối ưu nhất để mang lại hiệu quả thiết thực, đưa kinh tế biển Hải Phòng ngày càng có tỷ trọng lớn hơn trong phát triển kinh tế của thành phố.
* Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Quang Sử, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể tiếp xúc cử tri quận Kiến An.
Các đại biểu cho rằng nên đưa du lịch là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển, nhất là hệ thống giao thông, chưa có nhiều, tiến độ nhiều công trình trọng điểm chậm như cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Đình Vũ…Nên nâng cấp hành lang đê biển thành vành đai giao thông ven biển để kết hợp khai thác và bảo vệ biển hiệu quả. Việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng- an ninh, chú trọng giảm thiểu tác động của sự phát triển đối với môi trường biển.
Cử tri đóng góp nhiều ý kiến thực hiện đề án nâng mức trợ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cơ sở phường, tổ dân phố. Cử tri phường Nam Sơn, Quán Trữ…đề nghị thành phố thống nhất chức danh cán bộ ở cơ sở, tăng cường hình thức kiêm nhiệm, đây là điều kiện nâng mức trợ cấp cho cán bộ, tinh giản bộ máy. Cử tri phường Bắc Sơn, Phù Liễn việc thu một số loại phí khiến người dân băn khoăn như phí quốc phòng, phòng chống bão lụt….
Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Quang Sử tiếp thu và thông tin rõ hơn một số vấn đề cử tri quan tâm. Thành phố đang tập trung xây dựng, phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khai thác lợi thế biển; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Thành phố đang khẩn trương xây dựng danh mục dự án không khuyến khích đầu tư, cấm đầu tư.
* Phó bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Dương Anh Điền chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri đảo Cát Hải và Cát Bà
17 ý kiến phát biểu, kiến nghị của cử tri huyện Cát Hải liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước tại huyện đảo; phát triển kinh tế biển gắn với ổn định nghề nghiệp của người dân, nhất là ngư dân khai thác thuỷ sản và diêm dân, đồng thời giữ vững môi trường, cảnh quan của quần đảo Cát Bà. Một số cử tri kiến nghị giữ nguyên vụng Đồng Hồ, chủ trương lấp vụng, xây dựng dự án phát triển du lịch là không phù hợp, phá vỡ cảnh quan du lịch, mất nơi neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền: Bãi Trương Cao ở khu vực đảo Cát Hải cần được thành phố xem xét, giải quyết địa giới, cử tri đề nghị nhiều lần chưa được giải quyết: Việc triển khai quy hoạch huyện Cát Hải chậm, gây khó khăn cho việc ổn định cuộc sống, nghề nghiệp của người dân. Một số cử tri kiến nghị cần cải thiện thời gian chạy phà, đầu tư nhiều phương tiện vận tải phù hợp, thúc đẩy du lịch phát triển. Phát triển ngành thuỷ sản cần chú trọng hỗ trợ khai thác xa bờ, khu tránh trú bão; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bằng các quy định và chế tài cụ thể. Mục tiêu đưa Cát Bà trở thành trọng điểm du lịch, thuỷ sản thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ
Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Dương Anh Điền giải đáp một số vấn đề cử tri quan tâm, đồng thời nhấn mạnh: việc phát triển kinh tế xã hội, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế biển khó tránh khỏi phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Cát Hải được xác định là trọng điểm phát triển kinh tế biển của thành phố. Những vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được quan tâm xem xét, giải quyết phù hợp. Mục đích cao nhất của phát triển kinh tế biển là hướng đến phục vụ, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm phát triển bền vững, an sinh xã hội và bảo vệ cảnh quan môi trường.
* Các đồng chí Phạm Quốc Huynh, uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Đỗ Trung Thoại và Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố tiếp xúc cử tri tại huyện Kiến Thuỵ.
Về dự thảo đề án phát triển kinh tế biển, các ý kiến góp ý tập trung vào vấn đề quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư nuôi thủy sản nước ngọt, chế biến thuỷ sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ, hạn chế đánh bắt hải sản gần bờ. Việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, dịch chuyển các cơ sở đóng tàu trên địa bàn vào vùng quy hoạch (sông Văn Úc); phát triển các khu công nghiệp đi đôi với hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Thành phố đẩy nhanh tiến độ một số dự án về đê biển, trồng cây ngăn mặn…Về mức phụ cấp cán bộ cơ sở xã, phường không chuyên trách, các đại biểu đề nghị nâng lên bằng mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức; giảm hơn nữa thủy lợi phí và miễn hoàn toàn với gia đình chính sách.
Các đại biểu cử tri phản ánh: xe tải chở vật liệu xây dựng đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng làm hư hỏng hầu hết các tuyến đường liên xã, huyện; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn xuống cấp và hư hỏng chậm được cải tạo; một số dự án trên địa bàn huyện chậm triển khai do vướng mắc thủ tục hành chính; ô nhiễm môi trường khu vực sông Đa Độ. Có xã sau khi chia tách không có trường THCS, trường mầm non quy mô nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhiều ý kiến băn khoăn về cơ chế đóng góp của các dự án nông thôn với tỷ lệ 40/60. Trong đó khoản vốn đối ứng của địa phương là 40% không có nguồn để thực hiện…
* Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Nghĩa tiếp xúc cử tri tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.
Đại biểu cử tri quận Dương Kinh đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo đề án phát triển kinh tế biển và đề án điều chỉnh chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cơ sở xã, phường. Cử tri phường Anh Dũng cho rằng, để đề án phát triển kinh tế biển đạt hiệu quả, cần quy hoạch kinh tế biển gắn với quy hoạch chung phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, tránh tình trạng quy hoạch phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương đang bị phá vỡ. Phát triển kinh tế biển phải gắn chặt với giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân vùng ven biển.
Cử tri các phường Tân Thành, Hải Thành phản ánh tình trạng các dự án tác động xấu đến nuôi trồng thuỷ sản. Sau 7 năm chuyển toàn bộ diện tích canh tác sang nuôi trồng thuỷ sản, hiện nay, toàn bộ quy hoạch, đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản của hai địa phương này hoàn toàn bị phá vỡ. Cử tri hai phường này đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển 1, hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân khắc phục khó khăn trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản do quy hoạch thủy lợi phục vụ vùng nuôi bị phá vỡ. Cử tri các phường Hưng Đạo, Hoà Nghĩa cho rằng, hiện nay, chế độ đãi ngộ giữa cán bộ chuyên trách và không chuyên trách chênh lệchkhá lớn. Cần nâng mức hỗ trợ cán bộ không chuyên trách bằng với mức lương cơ bản tối thiểu, nâng mức hỗ trợ theo định kỳ. Về việc chia tách khu dân cư thành các tổ dân phố, cử tri cho rằng các phường trên địa bàn quận Dương Kinh mới từ xã lên phường nên tập quán, lối sống vẫn mang tính chất cộng đồng theo hình thức các làng văn hoá, rất khó thực hiện việc chia tách này, nhất là sẽ phát sinh một số phức tạp trong quản lý của chính quyền địa phương. Cần chú ý đến vấn đề truyền thống văn hoá, lịch sử của từng khu vực để có sự điều chỉnh cụ thể, phù hợp...
* Tại xã Ngũ Lão, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Thành tiếp xúc cử tri cụm 9 xã phía nam huyện Thuỷ Nguyên. Các cử tri cơ bản nhất trí với đề án phát triển kinh tế biển của thành phố và đề nghị phần thực trạng bổ sung đánh giá hết lợi thế tiềm năng kinh tế biển, phát tiển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, thuỷ sản, nghề truyền thống phát triển chưa bền vững, manh mún, chưa kết hợp sức mạnh các loại hình kinh tế biển: đội tàu vận tải biển nhỏ bé, ngành đóng tàu phát triển nóng, chủ yếu là gia công, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tỷ lệ nội địa hoá thấp, ngành thủy sản chưa vươn khơi hiệu quả, chế biến kém, du lịch biển còn khoảng cách so với thế giới, lúng túng trong quy hoạch. Việc triển khai chủ trương của Đảng chưa có chiến lược tổng thể, chưa quan tâm tới chính sách phát triển về biển của các nước trong khu vực, chưa có cơ quan quản lý làm nhạc trưởng, chỉ đạo phát triển kinh tế biển phù hợp, còn manh mún, chủ yếu dựa vào ngân sách, chưa thu hút các thành phần kinh tế ra biển xa khai thác, không tận dụng lợi thế so sánh, đầu tư dàn trải. Các ngành nghề truyền thống liên quan đến biển đang mai một, nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt do khai thác phản khoa học, môi trường ô nhiễm, lao động dưới nước phải lên bờ và dư thừa; du lịch sinh thải biển còn yếu kém. Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cảng cá Mắt Rồng và các công trình liên quan, nhất là khâu hậu cần nghề cá để Thuỷ Nguyên có điều kiện khai thác, chế biến thuỷ sản hiệu quả trong thời gian tới./.
( Theo báo điện tử Hải Phòng)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com