Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái cơ cấu nền kinh tế: Chờ quá lâu!

Giáo dục là một trong những ngành mà tỷ trọng đóng góp trong GDP còn rất nhỏ và ngày càng thấp xa so với khu vực
Giáo dục là một trong những ngành mà tỷ trọng đóng góp trong GDP còn rất nhỏ và ngày càng thấp xa so với khu vực

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường trong tuần qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra sốt ruột với đề án tái cơ cấu nền kinh tế, hiện mới dừng ở bản dự thảo lần thứ 2.

Quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội cũng trùng hợp với ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cho rằng, Việt Nam cần bắt tay vào tái cơ cấu nền kinh tế (TCCKT) ngay trong năm 2010 chứ không phải chờ đến năm 2011 như dự thảo lần 2 đề án “Tiếp tục đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020” mà Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới hoàn thành.

Nếu chậm nữa sẽ thành… quá chậm!

Mặc dù TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, TCCKT không thể làm trong ngày một, ngày hai nhưng quan điểm này dường như không được nhiều ý kiến ủng hộ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá mới đây cũng kể lại rằng, thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, nhiều người đã phê phán ông (khi đó còn là Bộ trưởng) về sự chậm trễ trong cải cách. Sau năm đó, nhiều nước trong khu vực đã phát triển nhanh hơn Việt Nam do trong khủng hoảng họ tận dụng mọi cơ hội, nhìn thấy những khuyết điểm của nền kinh tế nhanh hơn ta và đẩy nhanh cải cách. “Vì thế khi khủng hoảng chấm dứt thì họ vượt lên được, còn ta thì chậm”, ông nói. Do đó, ông Giá cho rằng: “Đến bây giờ, chúng ta mới đặt vấn đề TCCKT là chậm. Bây giờ nếu tăng cường đầu tư, mà đầu tư theo cơ chế cũ, thì càng tăng đầu tư càng tạo khó khăn cho tương lai sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu”.

1/3 tổng vốn đầu tư xã hội nằm trong khối doanh nghiệp nhà nước

Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại một hội thảo đánh giá tác động khủng hoảng tài chính thế giới đến Việt Nam mới đây cũng nói rằng, Chính phủ nên coi việc TCCKT là việc làm cấp bách, một giải pháp để thoát ra khỏi khó khăn do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới chứ không phải là giải pháp sau khủng hoảng. Ông nói: “Chủ trương TCCKT cần phải đi vào ngay công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chứ không chỉ dừng ở chỗ bàn luận. Nếu TCCKT được thực hiện tốt, sớm sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn sau, còn nếu không sẽ là một nguy cơ (tụt hậu)”.

Vài nét thực trạng

Theo bản dự thảo đề án TCCKT, việc đánh giá sâu sắc và toàn diện thực trạng nền kinh tế đặt ra yêu cầu cải cách sâu rộng. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, những yếu kém chính trong cơ cấu kinh tế hiện nay là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 20 năm qua chủ yếu theo bề rộng, dựa vào gia tăng quy mô tài sản cố định và số lượng lao động trong khi tác động của các nhân tố như đổi mới công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực là chưa đáng kể. Tăng trưởng không theo chiều sâu luôn tạo áp lực gia tăng thêm lượng vốn đầu tư, nhưng lại làm một số cân đối lớn của nền kinh tế trở nên mong manh: tiết kiệm không đủ bù đắp đầu tư, cân đối ngân sách luôn thâm hụt ở mức cao, cán cân thanh toán vãng lai mất cân bằng.

Xét về cơ cấu các ngành kinh tế, sự biến đổi diễn ra rất chậm. Tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và khai khoáng giảm chậm: từ 34,18% GDP năm 2000 còn 31% năm 2008. Tỷ trọng các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, giáo dục, y tế, bảo hiểm, các dịch vụ phát triển kinh doanh thì còn rất nhỏ, không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống, ngày càng thấp xa so với khu vực. Xét về cơ cấu vốn đầu tư cũng rất bất hợp lý. Giai đoạn 2000 - 2008, 72% tổng vốn đầu tư xã hội chỉ tập trung vào 20 ngành: khai thác than, dầu khí, điện, bất động sản, khách sạn, giao thông đường bộ, quản lý nhà nước… Có rất nhiều ngành quan trọng của nền kinh tế như sản xuất lúa gạo, trồng và chế biến cao su, chè, cà phê, sản xuất phân bón, thuốc chữa bệnh, sản phẩm điện tử và đồ gia dụng…- theo nhóm soạn thảo đề án - đã không được quan tâm đúng mức.

Đề án cần được phản biện rộng rãi

Tuy nhiên, nội dung cần thiết nhất là định hướng TCCKT trong thời gian tới và giải pháp thực hiện thì nhiều chuyên gia cho rằng, đề án chưa thể hiện sâu sắc và đầy đủ.

Định hướng trong dự thảo đề án về cơ bản được đánh giá là đúng. Theo đó, trong 10 năm tới, vấn đề chất lượng, hiệu quả tăng trưởng phải được đặt lên hàng đầu. Đề thực hiện điều đó, các ngành công nghiệp chế biến sâu và công nghệ cao sẽ thay thế dần các ngành thiên về khai thác tài nguyên và sử dụng lao động rẻ. Các ngành sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao sẽ phải ngày càng có vai trò quan trọng, chiếm phần lớn trong tăng trưởng GDP. Tổ soạn thảo đề án đưa ra tới 20 giải pháp để TCCKT, trong đó chủ yếu nêu các kế hoạch, đề án cụ thể và đề nghị Chính phủ giao cho từng bộ, ngành chủ trì thực hiện.

Theo một số chuyên gia kinh tế, nhóm giải pháp này là dàn trải, thiếu những giải pháp mới, mang tính đột phá để có thể tác động đến các ngành, lĩnh vực có độ lan tỏa cao làm chuyển dịch nền kinh tế. Nhiều giải pháp trong số đó, “giống như việc nêu lại các việc mà nhiều bộ, ngành đang làm”. Có thể kể tới đề nghị giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì đánh giá, rà soát lại quy hoạch giao thông, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông để tập trung vốn đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực để hoàn thành các dự án ưu tiên một cách sớm nhất; giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đề án tái cơ cấu ngành điện; giao cho Bộ Tài chính sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, bố trí tăng ngân sách chi cho y tế, đào tạo, an sinh xã hội, đầu tư cho nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến… Dự thảo đề án TCCKT, theo nhiều chuyên gia kinh tế, còn thiếu rất nhiều các giải pháp lớn để có thể đạt được các mục tiêu, định hướng như chính đề án này đặt ra. Cụ thể, nó chưa nêu rõ vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp như thế nào (trong khi đây lại là yếu tố chủ yếu quyết định sự thành công chuyển dịch CCKT), chính sách nào của nhà nước để hỗ trợ, định hướng cho tái cấu trúc doanh nghiệp. Dự thảo đề án cũng chưa có những giải pháp cụ thể về đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, chính sách về khoa học, công nghệ.

Cũng có những ý kiến cho rằng, việc dự thảo đề án vẫn xác định khu vực doanh nghiệp nhà nước “giữ vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển dịch CCKT” là sai lầm, vì ngay trong đánh giá của tổ soạn thảo đề án, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước là thấp, không bằng khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư xã hội và sở hữu nhiều nguồn lực tài nguyên nhưng khối doanh nghiệp này chỉ sử dụng 9% lao động xã hội. Ngoài ra, nhiều người cũng nhận thấy, trong các giải pháp mà dự thảo đề án đặt ra chưa thấy rõ hướng đi nhằm đảm bảo cân bằng năng lượng, đối phó với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… những vấn đề cốt tử mà Việt Nam đang phải đối mặt.

(Theo Quang Hà // Báo Doanh nhân)

  • Cần dự báo chính xác giá tiêu dùng năm 2010
  • Sản xuất nhiệt điện bằng trấu ở ĐBSCL: Vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà ?
  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 có thể tăng 1%
  • Lại bàn về gói kích cầu : Vai trò chủ đạo của Ngân hàng Nhà Nước
  • Năm 2010: Tập trung phục hồi kinh tế
  • Cơ cấu kinh tế vùng: Từ chuyện một con đường
  • Tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ 2 : Nhưng có trọng tâm, trọng điểm
  • Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi