Mô hình hợp tác nhà nước (NN) – doanh nghiệp (DN) hay còn gọi là quan hệ đối tác công tư (PPP - Public Private Partnerships) đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ hơn 50 năm nay, song lại rất mới đối với Việt Nam.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhờ áp dụng hình thức PPP, NN và DN cùng có lợi lớn. Đầu tư PPP giúp chính phủ giảm bớt gánh nặng bảo lãnh vốn, giải được bài toán thu hút đầu tư trong cơ sở hạ tầng; đồng thời tạo cơ hội cho phép các nhà đầu tư tư nhân được đóng góp ý kiến, đề xuất các quy định, chính sách kinh tế, xã hội phù hợp hơn cho hoạt động của tất cả các bên.
Tuy nhiên, cơ chế hợp tác công tư ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu được triển khai thực hiện từ ngày 15/1/2011, sau khi Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được ban hành kèm theo Quyết định 71/QĐ-TTg ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Vì thế, cơ chế đối thoại, hợp tác nào phù hợp cho NN và DN ở Việt Nam vẫn còn rất lúng túng.
Nhận thấy, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hình thức PPP và nếu có một cơ chế đối thoại công tư hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh doanh không những trong nội địa mà còn tạo nhiều thuận lợi hơn cho các DN FDI khi tham gia đầu tư vào Việt Nam, Trưởng đại diện Chính sách kinh doanh và thương mại Tổ chức ITC/UN/WTO – ông Rajesh Aggarwal đã gợi ý cho chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thiết lập cấu trúc hợp tác công tư, được đúc rút từ kinh nghiệm thành công của nhiều nước trên thế giới.
Cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Rajesh Aggarwal nhận định: Ước tính chỉ trong 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 70 đến 80 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng (CSHT) đường bộ, đường sắt, cảng biển và sẽ cần tới 140 tỷ USD nếu bao gồm cả CSHT cho năng lượng. Việc phát triển CSHT là một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam để đạt được sức cạnh tranh trong khu vực và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt trung và dài hạn, chính phủ không thể cung cấp vốn cho các nhà đầu tư trên từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc tăng khoản nợ nước ngoài và các đóng góp của nhà tài trợ vào các đầu tư trên là điều không mong muốn và không thực tế. Do đó, hình thức hợp tác PPP (nhà nước – tư nhân) sẽ là chìa khoá quan trọng để vừa xây dựng hạ tầng giao thông làm bệ phóng phát triển kinh tế một cách bền vững, vừa không tăng nợ công.
Nhưng hợp tác, đối thoại như thế nào mới hiệu quả?
Theo ông Rajesh, trong bối cảnh của Việt Nam, chính phủ phải có được góc nhìn toàn diện, có trách nhiệm tiếp nhận mọi quan điểm của khối DN tư nhân ở các cấp độ khác nhau. Dựa trên sự lắng nghe một cách công khai và toàn diện, chính phủ phải đưa ra được những quyết định công bằng để ngăn chặn sự độc quyền trong khu vực tư nhân. Chính phủ nên khuyến khích những sáng kiến xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở cấp quốc gia mà phải mở rộng xuống các cấp tỉnh, thành, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau. Và tất nhiên, không quên tham khảo, học hỏi từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các nước có nhiều thành công trong ứng dụng hình thức PPP (ông Rajesh gợi ý, Việt Nam có thể học hỏi mô hình hợp tác PPP của các nước như Anh - hơn 50 năm kinh nghiệm, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia…)
Ông Rajesh cho rằng một cơ chế hợp tác PPP thành công phải đạt được phần giao thoa (A) của tính khả thi giữa chính sách (B), chính trị (C) và hành chính (D) lớn nhất và thực thi hiệu quả nhất (xem sơ đồ minh họa ở dưới).
Và bàn về vai trò của DN trong hợp tác công tư, ông Rajesh cũng đưa ra những lưu ý cụ thể đối với DN. Ông nói, để đạt được hiệu quả khi làm việc với chính phủ, DN cần phải đưa ra được những trường hợp cần hỗ trợ, tư vấn cụ thể. Phải có phân tích, dẫn chứng, bằng chứng rõ ràng để giúp chính phủ rút ngắn thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, đưa ra được chính sách thấu đáo. DN nên gặp gỡ và duy trì tiếp xúc thường xuyên với những quan chức chính phủ, những nhà đàm phán trực tiếp với chính phủ ở mọi cấp độ để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN với chính phủ cũng như tiếp nhận những chính sách, quy định mới từ chính phủ.
Lấy ví dụ về mô hình hợp tác của Malaysia, ông nói, chính phủ Malaysia đã tạo ra hẳn một ban thư ký trong văn phòng chính phủ làm cầu nối để kết nối chính phủ với Hiệp hội DN và khối DN tư nhân. DN tư nhân luôn được mời tham gia vào các buổi gặp gỡ giữa chính phủ và các hiệp hội. Các bên cùng lắng nghe, cùng thảo luận để đưa ra những chính sách, quy định có lợi cho tất cả các bên, cùng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Và mô hình hợp tác giữa chính phủ và DN này của Malaysia đã được duy trì, hoạt động rất hiệu quả hơn 30 năm qua.
Ngoài ra, ông Rajesh còn lưu ý khối DN phải bảo đảm tính bảo mật giữa các cuộc đàm phán nếu chính phủ yêu cầu; không những chỉ thiết lập liên minh trong nước mà còn phải xây dựng một liên minh toàn cầu, không chỉ tiếp xúc với chính phủ trong nước mà phải thông qua hoạt động kinh doanh, xâm nhập thị trường, quan hệ với người mua hàng để tiếp cận với chính phủ ở các nước để các chính phủ có thể gặp nhau, đàm phán, hỗ trợ công việc kinh doanh cho DN...
Ông tư vấn DN nên đối thoại trực tiếp với chính phủ về các vấn đề như: chính sách giới hạn lao động quốc tế, chi phí lao động, kế hoạch xây dựng CSHT, giao thông vận tải, tệ quan liêu, tham nhũng...
“Hình thức PPP tuy mới ở VN, nhưng may mắn là vì mới, vì đi sau nên VN sẽ có nhiều kinh nghiệm từ các nước đi trước và chắc chắn sẽ thành công”, ông Rajesh Aggarwal kết luận.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com