Dệt may là một trong những ngành trụ vững trước những khó khăn của cuộc khủng hoảng vừa qua.
Khi nền kinh tế phục hồi, thử thách với doanh nghiệp (DN) chính là sức ép về đổi mới cơ cấu, theo đó phải thay đổi tư duy quản trị, chiến lược, phương hướng kinh doanh. Nhưng gói kích thích kinh tế (KTKT) để giúp cho các DN dần phục hồi và có thêm lực để bứt phá đang là vấn đề phải cân nhắc.
Cần tính bứt phá cao
Hai năm qua, DN trong nước đã phải trải qua thách thức của khủng hoảng, suy giảm kinh tế. Song cùng với những biện pháp hỗ trợ mạnh của Chính phủ, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất, DN đã bước đầu vượt qua cơn "bão" suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thể hiện được tính năng động, khả năng thích nghi của mình. Phần lớn DN đã trụ vững trong điều kiện suy thoái kinh tế và có khoảng 79.000 DN được thành lập mới trong giai đoạn đầy biến động, khó khăn. Một số DN không chỉ trụ vững mà còn đổi mới cơ cấu, mạnh dạn mở rộng thị trường. Một số thương hiệu đã khẳng định được vị thế của mình. Tuy nhiên, theo quy luật, thử thách trong khủng hoảng đã khó, áp lực hậu khủng hoảng sẽ còn khó hơn. Những khó khăn trong giai đoạn hậu khủng hoảng sẽ không giảm, mà có thể còn có nguy cơ tăng bởi sự cạnh tranh khốc liệt hơn ở giai đoạn này. Trong giai đoạn khủng hoảng và suy giảm kinh tế, số DN đổ vỡ không nhiều, điều này giúp cho ổn định kinh tế, bảo đảm việc làm, song cũng có hệ quả là sức ép cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh bị giảm đi, nhiều DN không chuyển đổi được.
Điều đáng nói, khi nền kinh tế phục hồi, vấn đề hàng đầu không còn là trụ vững, mà cần tính bứt phá rất cao. Như vậy, hiện tượng sàng lọc sẽ thể hiện rất rõ. Vì vậy, cải cách cơ cấu sau khủng hoảng là "mệnh lệnh" của nền kinh tế. Sau giai đoạn này, các nền kinh tế phải cải tổ, tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh hướng vào sự phát triển bền vững. Nhưng để có thể chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc DN, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi DN, Chính phủ cần sớm xây dựng chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, xác định được những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, trên cơ sở đó từng DN sẽ xác định định hướng tái cấu trúc. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên có gói KTKT tiếp theo để đầu tư tái cấu trúc DN, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể thâm nhập được vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và toàn bộ nền kinh tế.
Việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cũng như chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng là vấn đề phải được DN đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện hiện nay, thị trường của Việt Nam không phải là thị trường biệt lập, nên sự cạnh tranh của DN tại thị trường trong nước và thế giới trong một chừng mực nào đó cũng đồng nghĩa với nhau. Đặc biệt, khi Bộ Chính trị có chủ trương phát động phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", thì DN phải xác định những mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người Việt Nam.
Kích thích có chọn lọc
Theo đánh giá chung, nếu tiếp tục thực hiện gói KTKT sang năm 2010 sẽ tạo ra những áp lực lớn liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là bảo đảm yêu cầu ổn định chính sách lãi suất để ổn định môi trường tài chính tiền tệ, kiềm chế lạm phát tăng trở lại. Dự báo, năm 2010 nền kinh tế vẫn còn khó khăn và chưa ổn định. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hậu KTKT là cần thiết. Song cần điều chỉnh theo hướng dừng chính sách miễn giảm thuế, chỉ gia hạn thời gian giãn nộp thuế của năm 2009 đến hết quý I-2010; không thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Không thực hiện KTKT mang tính dàn đều, mà nên chuyển sang KTKT có trọng tâm trọng điểm, tập trung nguồn lực để tái cấu trúc lại nền kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn.
Về việc tiếp tục thực hiện gói KTKT, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho việc tiếp tục triển khai gói kích cầu thứ hai là rất cần thiết. Nền kinh tế Việt Nam với 95% số DN là nhỏ và vừa, 70% lao động ở nông thôn, các DN nhà nước lớn cơ bản bình yên vô sự cho đến nay tự xác nhận rằng nó có đủ năng lực vươn lên ngay cả khi Chính phủ không tiếp tục gói kích cầu. Nếu tiếp tục kích cầu, hậu quả không chỉ là thâm hụt ngân sách tăng, các cân bằng tiền tệ chịu áp lực lớn mà nghiêm trọng không kém là sự tổn hại cơ chế, thúc đẩy xu hướng phục hồi môi trường kinh doanh bất bình đẳng, có hại lâu dài cho cộng đồng DN.
Đến thời điểm này, kích cầu đã hoàn thành sứ mệnh "giải cứu" nền kinh tế vượt qua "đáy" của khủng hoảng. Việc ưu tiên đầu tư để giải tỏa "nút thắt" tăng trưởng là cần thiết, song có thể thực hiện theo các nguyên tắc thị trường công khai thay vì lạm dụng cách thức ưu tiên kích cầu. Nói như vậy, cũng có nghĩa là sang năm 2010 nền kinh tế cần chuyển sang hướng ưu tiên với nhiệm vụ tái cơ cấu.
(Theo HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com