Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng trưởng trong âu lo

Khách du lịch trong nước trong một tour tham quan đảo yến ở Nha Trang. Ảnh: Thanh Tao.

Thị trường du lịch đã có một bức tranh đa sắc trong bảy tháng đầu năm qua. Mảng du lịch nội địa và nước ngoài sôi động, trái ngược hẳn với bức tranh màu xám như dự báo ban đầu của giới kinh doanh du lịch. Trong khi đó, mảng du lịch khách quốc tế vẫn chưa có sự trỗi dậy thật ấn tượng.

Thị trường trong nước nằm ngoài quy luật

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã thở phào khi kết thúc mùa du lịch hè, mùa kinh doanh quan trọng nhất trong năm của thị trường trong nước, bao gồm mảng nội địa và du lịch nước ngoài. Dù kinh tế khó khăn nhưng chi tiêu du lịch vẫn tăng. Dù giá tour có cao hơn trước nhưng du khách vẫn chịu chi để mua tour.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, ngành du lịch đã thu hút 17,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 500.000 lượt so với cùng kỳ năm trước. Không có thống kê chung nào về lượng khách trong nước đi du lịch nước ngoài nhưng theo các công ty du lịch thì con số không hề nhỏ, đặc biệt là với các điểm đến như Thái Lan hay Singapore vốn đang đón hàng trăm ngàn du khách Việt Nam đến mỗi năm. Như thường lệ, những chuyến bay đến đây trong mùa du lịch hè thường kín khách Việt Nam.

Điểm nổi bật nhất của ngành du lịch từ đầu năm đến nay là các tour đến những nơi xa và đắt đỏ như Mỹ, châu Âu lại thu hút khách, tốc độ tăng trưởng cao. Ghi nhận tại một số công ty cho thấy mức tăng trưởng trung bình khoảng 30%, thậm chí có công ty tăng đến 50%, dù giá tour cũng cao hơn trước.

Tại Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, từ tháng 5 đến tháng 7, mỗi tháng công ty có tám đoàn, với khoảng 40 người mỗi đoàn đi du lịch Mỹ với giá tour tăng hơn trước 10%. Chi phí tour  đi Mỹ 10 ngày khoảng hơn 70 triệu đồng vẫn rất hấp dẫn khách trong nước. “Tour đến Mỹ thường tăng trưởng tốt trong mùa hè nhưng năm nay lượng khách tăng gấp đôi. 60% trong số này là khách gia đình, đi du lịch kết hợp với tìm hiểu chuẩn bị cho con đi du học”, ông Nguyễn Thế Khải, Giám đốc công ty, nói.

Ở Công ty Viettours, tour Mỹ vẫn khởi hành đều đặn từ 2-3 đoàn mỗi tháng và tour đi châu Âu tăng trưởng  rất cao, khoảng 40-50%. Khoảng 90% khách du lịch đến từ các công ty. “Kinh tế khó khăn làm một số công ty chi tiêu ít hơn cho du lịch nhưng những công ty dược, thuốc lá hay dầu khí vẫn mua tour đường xa cho nhân viên hoặc khách hàng quan trọng”, ông Lưu Đình Phục, Giám đốc công ty, nói.

Giám đốc một công ty du lịch ở quận 3 cho biết, lượng khách đi du lịch châu Âu tăng khoảng 30% trong mùa hè. Mỗi tháng, công ty có từ 3-4 đoàn với số lượng từ 30-40 người/đoàn. Giá tour tại công ty này tăng khoảng 20%. Lượng khách chủ yếu là doanh nhân. Sự tăng trưởng tốt của các tour đường xa, có giá cao này đã làm cho doanh thu của cả mảng du lịch nước ngoài tăng đáng kể trong mùa này.

Tại Vietravel, tốc độ tăng trưởng của các tour đến Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc đang dẫn đầu, tăng khoảng 40%. Trong đó, khách du lịch đi cùng gia đình chiếm đa số.

Lý giải về sự tăng trưởng đột biến này, một số doanh nghiệp cho rằng khi kinh tế khó khăn, những người nghèo, vốn không phải là khách hàng chính của du lịch phải cắt giảm chi tiêu trong khi đó thu nhập của những người có điều kiện đi du lịch lại không bị tác động đáng kể nên sức mua vẫn không giảm. Một bộ phận khách hàng có thu nhập cao, vốn đã đến rất nhiều nước lân cận đang dần mở rộng đến những điểm đến xa, mới lạ hơn dù phải bỏ thêm nhiều tiền hơn.

Rảo quanh các công ty du lịch, có thể thấy ngoài các tour đến châu Âu, Mỹ, Úc... các chương trình đến những điểm đến mới hơn như Nga, Đông Âu... đang được rao bán khá rôm rả và khách trong nước cũng tỏ ra rất quan tâm.

“Giá tour đi Nga hiện khoảng hơn 100 triệu đồng/khách nhưng chúng tôi vẫn có khách. Những người đã đi du lịch nhiều thường quan tâm đến các điểm đến mới dù giá tour có cao hơn”, ông Khải nói.

Mảng khách quốc tế chưa thể bật lên

Vào thời điểm này của năm ngoái, thị trường du lịch ghi nhận sự gia tăng đáng kể của khách MICE (du lịch kết hợp tham gia các sự kiện) thì nay mảng du lịch này tương đối trầm lắng. Tương tự, những mảng du lịch khác cũng chỉ tăng nhẹ, thậm chí ở một số thị trường như Nhật Bản hay Trung Quốc nếu không giảm về số lượng thì chi tiêu trên đầu khách cũng giảm hơn trước.

Tại khách sạn 5 sao New World Saigon, công suất phòng trung bình trong tháng 7 đạt khoảng 67%, tương đương với cùng kỳ năm trước. Lượng khách doanh nhân trong tuần khá tốt nhưng khách du lịch thuần túy vào các ngày cuối tuần lại giảm. Hiện tại, khách sạn không có nhiều đoàn MICE lớn, cỡ 200-300 khách như trước mà chỉ có những đoàn nhỏ. Trong khi đó, Nhật Bản, thị trường quan trọng của khách sạn, dù đang hồi phục sau khi sụt giảm do ảnh hưởng của động đất, sóng thần hồi tháng 3 thì lại cắt giảm chi tiêu.

“Lượng khách đến cũng khá nhưng thực sự thì chưa có sự tăng trưởng đáng kể”, ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc khách sạn, nói.

Mảng lữ hành cũng ghi nhận tình hình tương tự. Tại Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, du khách từ Singapore, Malaysia tăng chỉ khoảng vài phần trăm so với mùa vắng khách năm trước. Trong khi đó, khách Trung Quốc, chủ yếu là những người đến TPHCM bằng đường hàng không lại giảm đến 50%. Nhiều đoàn đã nhận báo giá cho những tour khởi hành từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay vẫn chưa thấy xác nhận chỗ.

Bảy tháng đầu năm nay, cả nước có gần 3,43 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách có tăng nhưng mức tăng trưởng thấp hơn so với mức 34,9% của cùng thời điểm năm ngoái.

Trong tổng số khách đến Việt Nam, có đến gần một phần ba, tương đương hơn 1 triệu lượt đến từ hai nước lân cận là Trung Quốc và Campuchia, vốn có rất nhiều người qua lại hàng ngày ở các cửa khẩu biên giới với mục đích thương mại. Đây cũng là hai thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong những tháng qua, 53,5% với thị trường Trung Quốc và 74,2% với Campuchia.

Tám thị trường chính còn lại gồm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Malaysia, Pháp và Singapore chiếm gần một nửa trong tổng lượng khách, tức gần 1,6 triệu lượt khách, chỉ tăng nhẹ so với trước.

Theo các doanh nghiệp, chưa tính đến điểm yếu về hạ tầng, dịch vụ chưa tốt, thiếu sản phẩm hấp dẫn thì những chính sách về phát triển thị trường, quảng bá trên bình diện chung chưa tạo nên dấu ấn cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch chưa gắn kết các hoạt động quảng bá với sản phẩm dành riêng cho thị trường để kéo khách đến.

Giám đốc một công ty du lịch cho rằng nếu chỉ có giới thiệu điểm đến, nói đến bờ biển đẹp hay các thắng cảnh thì việc quảng bá sẽ không hiệu quả. Muốn kéo khách thì phải có đường bay, có dịch vụ tốt, có chương trình đặc biệt thì mới thu hút được du khách.

“Dịch vụ, khuyến mãi cho thị trường muốn tiếp cận phải được chuẩn bị trước khi đi mời khách đến. Chúng ta chưa làm đúng điều này. Có thể, sự kiện mở đường bay thẳng đến Anh vào đầu tháng 12 tới cũng sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ vì chưa thấy có một chương trình xúc tiến chung với các sản phẩm đặc biệt được chuẩn bị riêng cho thị trường này”, ông nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thương hiệu nông sản Việt Nam đang bị tấn công?
  • Vì sao Việt Nam mất hai thương hiệu cà phê nổi tiếng?
  • Quy hoạch điện VII: Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu
  • Vốn FDI: giải ngân tăng, thu hút giảm
  • TS. Trần Đình Thiên: Áp lực tái cấu trúc nền kinh tế đang rất lớn
  • Lạm phát kỳ vọng có thể gây sức ép tăng giá
  • Tập đoàn, tổng công ty: Nơi gặp khó, chỗ “ngon xơi”
  • Tập đoàn Nhà nước: Nơi gặp khó, chỗ “ngon xơi”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi