Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức và kỳ vọng

Một số dấu hiệu cho thấy, có thể trong quý II/2009, nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, nhưng thách thức lớn vẫn còn ở phía trước.

Nhận định chung được đưa ra tại Hội nghị giao ban sản xuất - kinh doanh quý I/2009 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, là có thể trong quý II, nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Những dấu hiệu có thể không nhiều, song lại đem đến những hy vọng mới sau một giai đoạn nền kinh tế suy giảm mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, sản xuất nông nghiệp trong quý II sẽ khả quan hơn quý I, đặc biệt trong phát triển chăn nuôi; xuất khẩu thủy sản sẽ có chiều hướng tốt hơn, khi mà vào trung tuần tháng 3 vừa qua, phía Nga đã mở cửa cho 30 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này, còn Brazil thì sẵn sàng đón nhận sản phẩm của 60 doanh nghiệp Việt Nam.

Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản Nhật Bản, Mỹ, EU gặp nhiều khó khăn, thì việc hai thị trường - được cho là có nhu cầu rất lớn về thuỷ sản, đặc biệt là cá tra, cá ba sa - mở cửa cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản trong tương lai gần. Và theo dự kiến, trong vài ngày tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ký hợp đồng xuất khẩu 7.000 tấn cá tra sang Nga với giá bình quân 1.700 USD/tấn.

Đồng quan điểm này, đại diện Bộ Công thương cho rằng, dù xuất khẩu các loại nông sản, sản phẩm công nghiệp chế biến, khoáng sản khó có khả năng tăng trưởng trong quý II, do một số loại nông sản đã hết vụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của thị trường thế giới, nhưng xuất khẩu thuỷ sản thì sẽ có biến chuyển tốt.

Về sản xuất công nghiệp, vị đại diện này nhận định rằng, trong quý II sẽ có chiều hướng tốt hơn, do các biện pháp kích cầu của Chính phủ đang quyết liệt được triển khai. Ông Ngô Văn Quý, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đặt nhiều hy vọng ở xu hướng đi lên trong sản xuất công nghiệp của Thành phố Hà Nội.

Trên một khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, việc tổng mức lưu chuyển hàng hóa của cả nước trong quý I, sau khi trừ yếu tố giá cả, vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ có thể coi là một yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng. Có lẽ, cũng chính nhờ chỉ số này, mà khu vực dịch vụ đã tăng trưởng 5,4% trong quý I, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Về đầu tư, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 3, hầu hết các địa phương đều thực hiện giải ngân vốn đầu tư tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng tới 79%. Tính chung cả quý I, khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện đạt 20.100 tỷ đồng, bằng 17,8% kế hoạch năm. Con số này mặc dù khá cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu đặt trong bối cảnh đang thực hiện các biện pháp kích cầu, thì vẫn là thấp. Chính vì vậy, lời bàn được đưa ra là, tới đây phải tiếp tục kích cầu một cách quyết liệt, tạo nền tảng cho nền kinh tế tăng trưởng.

Những dấu hiệu vừa đề cập là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế có thể "leo lên từng bước", hướng tới mục tiêu cả năm, song Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng đưa ra cảnh báo về những khó khăn, thách thức lớn mà nền kinh tế đang tiếp tục phải đối mặt. Đó là kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp chế biến sẽ còn tiếp tục khó khăn. Thị trường và giá cả hàng xuất khẩu cũng có nhiều yếu tố bất lợi. Dư nợ tín dụng dù đã tăng song vẫn còn thấp. Các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế dù đã được triển khai khá đồng bộ, song ở tầm địa phương vẫn còn chậm...

Một số chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ tái lạm phát trong bối cảnh mức bội chi ngân sách tăng cao. Những yếu tố này đòi hỏi trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

( Theo báo Đầu tư )

  • Tìm cơ hội trong khó khăn
  • Triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam
  • Cần đẩy mạnh kích cầu cho thị trường
  • Niềm tin vào nội lực phát triển của Việt Nam
  • Cách nhìn của... “người ngoài”
  • Standard Chartered: Việt Nam tăng trưởng GDP 4,2% năm nay
  • Nhu cầu trong nước giúp Việt Nam giảm ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế
  • Doanh nghiệp là trung tâm!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi