Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam: Ngăn chặn đà suy thoái

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 9 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2012 là 4,73%, thấp hơn so với chỉ tiêu 5,5% mà Chính phủ đặt ra trước đó cho cả năm 2012, đồng thời cũng thấp hơn mức 5,77% của năm 2011 và là một trong những mức tăng trưởng GDP thấp nhất của Việt Nam trong vòng năm năm trở lại đây. Trong khi sản lượng khu vực thương mại dịch vụ tăng kém, đạt 5,97%, thấp so với cùng kỳ 2011, điều đáng lưu ý là tăng trưởng sản lượng công nghiệp chỉ đạt 4,36%, thấp hơn mức tăng của GDP và giảm gần 1/2 so với mức tăng 7,8% cùng thời điểm năm trước.

 

Những số liệu không lạc quan

Trong nhiều năm, đây là lần đầu tiên mà mức tăng trưởng công nghiệp của nền kinh tế nước ta lại thấp hơn tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp cũng chỉ tăng 2,48%, so với mức kỷ lục 4,1% cùng kỳ năm 2011, nguyên nhân giảm được cho là do ảnh hưởng của lũ lụt và dịch bệnh động vật. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 17,3% nhưng giảm gần 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2011 là 22,8%. Khu vực kinh tế đối ngoại là khu vực duy nhất còn có những sắc hồng.

Trong chín tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,8 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu từ khu vực nội địa đạt 31,3 tỉ USD, giảm 0,6%, xuất khẩu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 52,5 tỉ USD, tăng 34,6%. Kim ngạch nhập khẩu chín tháng đạt 83,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó nhập khẩu cho khu vực nội địa (chủ yếu là tập đoàn kinh tế nhà nước) đạt 39,8 tỉ USD, giảm mạnh đến 8,2%; nhập khẩu cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,9 tỉ USD, tăng 24,8%. Chín tháng đầu năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm xuất siêu 30 triệu USD. Số dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận tính đến 20-9-2012 nhiều hơn 100 dự án so với cùng kỳ 2011 tuy nhiên số vốn đăng ký lại thấp hơn 2,1 tỉ USD.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37% so với cuối năm 2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 11,23%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong chín tháng chỉ tăng 2,35% so với cuối năm 2011. Riêng trong tháng 9, tín dụng tăng gần 1%. Trong toàn hệ thống ngân hàng, kể từ giữa năm 2012, lãi suất huy động đã giảm nhanh, và kéo theo nó - chậm hơn - là lãi suất cho vay, với tổng mức giảm từ 5 - 8%/năm. Cán cân thanh toán quốc tế chín tháng ước thặng dư ở mức khoảng 8 tỉ USD, tỷ giá đồng Việt Nam được giữ ở mức dưới 21.000 VND cho 1 USD.

Trên lĩnh vực giá cả, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 9 đã tăng đến 2,2% so với tháng trước đó, cao nhất kể từ tháng 6-2011. Nhận xét với báo chí về chỉ số CPI trong tháng 9-2012, ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết: "Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả".

Còn theo Matt L Hildebrandt, chuyên gia phân tích kinh tế của JP Morgan Chase, tuy mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 của Việt Nam là cao hơn dự kiến (trong tám tháng trước đó, CPI chỉ tăng bình quân mỗi tháng 0,2%) nhưng lạm phát của Việt Nam sẽ không tăng mạnh trong thời gian còn lại của năm 2012. Báo cáo của JP Morgan Chase cũng chỉ rõ rằng, nguyên nhân khiến CPI tháng 9 tăng mạnh nằm ở bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục, giao thông và lương thực - thực phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, báo cáo của JP Morgan Chase không cho là CPI của Việt Nam sẽ tăng vọt vào cuối năm nay như thường xảy ra trong mấy năm gần đây mà dự đoán rằng lạm phát sẽ có thể hướng tới ngưỡng 9% trong thời gian còn lại của năm. Mức lạm phát dưới 10%, mặc dù giá xăng dầu và giá điện được điều chỉnh tăng mạnh trong năm 2012 cũng là dự báo của các chuyên gia kinh tế trong nước. Trao đổi với báo
Wall Street Journal, ông Lê Thẩm Dương thuộc Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định, năm học mới bắt đầu vào tháng 9 và giá xăng tăng đã đẩy giá cả ở các nhóm giáo dục và giao thông tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng mức tăng CPI năm nay sẽ được duy trì ở một con số, khoảng 8 - 9%.

Bắt đầu từ hệ thống ngân hàng

Lạm phát trong năm 2012 dù là 9% hay 10% chẳng có gì đáng lo ngại, nhưng lạm phát trong tình hình kinh tế suy thoái mới là chuyện đáng quan tâm. Lạm phát suy thoái sẽ khiến cho các chính sách tiền tệ - tài chính trở nên lưỡng nan. Suy thoái đòi hỏi một chính sách tiền tệ mở rộng để kích thích kinh tế, nhưng đối với nhiều nhà phân tích kinh tế, một chính sách tiền tệ mở rộng lại có thể làm gia tăng cơn sốt lạm phát.

Trong tình hình đó, các nhà lãnh đạo kinh tế vĩ mô buộc phải chọn lựa mục tiêu ưu tiên giữa phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp và một tình trạng ổn định trì trệ. Đó không phải là một quyết định quá khó khăn, điều khó khăn chính là dám làm điều cần làm vì lợi ích thực sự của nền kinh tế. Các con số thống kê đã cho thấy những dấu hiệu của suy thoái đang phủ một bóng mây mù lên nền kinh tế chúng ta năm nay khi tăng trưởng giảm sụt ở hầu hết các khu vực kinh tế dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, lao động mất công ăn việc làm, giá nhà đất đóng băng, thị trường chứng khoán giảm điểm, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh và điều này có khả năng sẽ kéo dài đến tận 2013, nếu chúng ta không chọn được giải pháp đúng. Nhiều người đã đề cập đến vấn đề sàng lọc, loại bỏ những con sâu làm rầu nồi canh, để có được một lực lượng doanh nghiệp lành mạnh hơn, một hệ thống ngân hàng hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn và được tín nhiệm hơn. Nhưng ai sẽ là những con sâu được gắp ra khỏi nồi canh và một sự sàng lọc liệu có nguy cơ đưa đến đổ vỡ dây chuyền làm hao tổn nguyên khí kinh tế của quốc gia? Mặt khác, liệu nền kinh tế Việt Nam có thể tự hồi phục khi nền kinh tế thế giới còn chưa rút chân khỏi vũng lầy suy thoái?

Dù thế nào đi nữa, một viễn cảnh phục hồi phải bắt đầu từ hệ thống ngân hàng. Một kịch bản lạc quan cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ cần thiết về thanh khoản cho các ngân hàng thương mại đồng thời tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất phù hợp, thay cho tình trạng thâu tóm thù nghịch. Trước tình hình thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, các ngân hàng thương mại sẽ nhận thấy rằng lợi ích thực sự của họ không nằm ở chỗ chuyển các khoản nợ vay sang quá hạn, điều này chỉ đưa các doanh nghiệp hoạt động chính đáng trong ngành này đến bờ vực phá sản, mà cần thiết phải giúp họ tồn tại bằng cách cơ cấu lại các khoản vay, gia hạn nợ và không chuyển nợ quá hạn. Biện pháp này cũng cần được áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng trong các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn nhất thời.

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chính sự hợp tác quý giá này sẽ giúp ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khủng hoảng. Còn đối với các tập đoàn nhà nước, song song với việc cấu trúc lại nợ, họ sẽ được Chính phủ yêu cầu nhanh chóng thu hẹp hoạt động, tập trung các nguồn lực đang có vào chức năng hoạt động chủ yếu, thực hiện hiệu quả kế hoạch giảm vốn, giảm nợ bằng cách bán bớt tài sản và đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa. Có thể chúng ta sẽ chứng kiến một định chế quốc gia mua bán tài sản không vì lợi nhuận được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, hoạt động với một phương thức tốt hơn và công bằng hơn, ít sử dụng nguồn tiền của ngân sách quốc gia mà vẫn có thể tạo nguồn thanh khoản cần thiết cho hệ thống ngân hàng. Khi băng tan từ các ngân hàng, các doanh nghiệp của chúng ta có điều kiện được tiếp vốn, tín dụng có hiệu quả sẽ gia tăng, sản xuất kinh doanh dần dần phục hồi.

***

Nếu những dự báo nêu trên xảy ra sớm trong năm 2012, chúng ta có thể chứng kiến một năm 2013 tốt hơn. Nhưng cần thấy rằng để có thể mang đến những thành tựu kinh tế mong muốn, các giải pháp chọn lựa nhất thiết phải phù hợp với nguyên tắc chung. Luôn luôn có tiêu chí rõ ràng về tính chất phù hợp của mọi giải pháp kinh tế, dù là vĩ mô hay vi mô. Tiêu chí đó là tính chất hiệu quả và tiết kiệm của việc sung dụng các nguồn lực của đất nước. Các nguồn tài nguyên quốc gia (con người, đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng, công nghệ,...) cần phải được phân phối hợp lý cho những khu vực kinh tế, những ngành nghề, những con người biết sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và mang lại kết quả tốt hơn hết cho họ và cho nền kinh tế quốc dân. Điều đó sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp cho đất nước nhanh chóng vượt qua các thời kỳ khó khăn và là nền tảng cho một tương lai kinh tế cường thịnh.

  • Tác giả: Huỳnh Bửu Sơn
    Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

  • Phía sau báo cáo môi trường kinh doanh 2013
  • Tư duy "chỉ lo phần ngọn" và nguy cơ bất ổn
  • Cạnh tranh cao, nhưng người dùng chưa được hưởng lợi
  • Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2013”: Việt Nam nỗ lực cải cách thủ tục doanh nghiệp
  • Xếp hạng 99, Việt Nam chậm cải thiện môi trường kinh doanh
  • Lo giữ giá hàng Tết
  • Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám
  • Năng lực cạnh tranh: Nhìn vào sự “thụt lùi" của Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi