Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Vấn đề nằm trong chính nội tại của doanh nghiệp"

Từ khi tham gia WTO, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập và xây dựng năng lực cạnh tranh cho DN trong xu thế phát triển của toàn cầu.

Nhưng không phải trở ngại nào cũng đổ lỗi cho ngoại cảnh, ngược lại DN Việt cần phải tự đánh giá khả năng bản thân, thừa nhận những hạn chế để tìm cách khắc phục mới hy vọng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề "Xây dựng năng lực cạnh tranh thông qua thương mại quốc tế & quyền sở hữu trí tuệ" do Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM – trực thuộc VCCI) tổ chức sáng nay 5/5 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, DN Việt Nam đang tồn tại 4 vấn đề lớn trong nội tại DN, gây trở ngại cho việc xây dựng năng lực cạnh tranh thông qua thương mại điện tử (TMĐT) của DN.

Hạn chế lớn nhất, theo ông Tuấn Anh, là quy mô và năng lực của DN Việt yếu hơn rất nhiều so với các DN trong khu vực và quốc tế

Đa số DN Việt đều có quy mô nhỏ và ít vốn. Theo điều tra mới nhất, Việt Nam hiện có 51,3% DN có dưới 10 lao động, 44% DN có từ 10 đến 200 lao động, chỉ có 4,3% DN có từ 200-300 lao động, 42% DN có vốn dưới 1 tỷ đồng, 37% DN có vốn từ 1 đến 5 tỷ đồng và chỉ có 8,18% DN có vốn từ 5 đến 10 tỷ đồng.

Trong điều kiện quy mô nhỏ, vốn ít, DN lại còn gặp phải thách thức rất lớn do chất lượng đội ngũ nhân lực thấp. Đội ngũ chủ DN, cán bộ quản lý rất thiếu kiến thức quản trị và ký năng, kinh nghiệm quản lý.

Kết quả điều tra hơn 63.000 DN trên cả nước cho thấy: 43,3% lãnh đạo DN có trình độ học vấn dưới THPT, số chủ DN có trình độ thạc sĩ trở lên chỉ chiếm 2,99%. Các khảo sát cũng đã cho thấy đa số các chủ DN, giám đốc DN tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, văn hóa, luật pháp... và kỹ năng quản trị kinh doanh, nhất là kỹ năng kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong việc nhiều DN Việt chưa chấp hành tốt các quy định về thuế, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp...

Thứ hai là sự lạc hậu về khoa học - công nghệ


Một con số khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải “giật mình” nhưng là sự thật: 76% máy móc, dây chuyền công nghệ đang được sử dụng trong các DN Việt được sản xuất từ những năm 1950 – 1960, lạc hậu hơn so với thế giới 2 đến 3 thế hệ, thậm chí 75% thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị là đồ tân trang... Tóm lại, máy móc, thiết bị đang được sử dụng trong các DN Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2% (tỷ lệ này ở Thái Lan là 31%, Malaysia là 51% và Singapore là 73%). Ngoài ra, các DN nước ta đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí chỉ khoản 0,2-0,3% tổng doanh thu.

Hạn chế nội tại thứ ba là khâu nguyên vật liệu và sự yếu kém về thương hiệu


Đa số các DN Việt Nam phải nhập khẩu các nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh. Trong những năm qua, nhiều sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm có tăng trưởng cao (hàng da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thép và kim loại màu, sản phẩm nhựa, hàng điện tử, ô tô, xe máy…) đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu này trên thế giới đang có xu hướng gia tăng, làm cho nhiều nhóm sản phẩm có tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu khá cao, chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.

Mặt khác, uy tín thương hiệu của các DN Việt Nam chưa thật sự đủ sức cạnh tranh với thương hiệu các DN khác trong khu vực và quốc tế. Nguyên nhân là trong nhiều sản phẩm của Việt Nam, yếu tố cấu thành của tri thức, công nghệ thấp, trong khi yếu tố sức lao động và nguyên vật liệu cao... làm cho sức cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm không có ưu thế rõ rệt trên thị trường.

Thứ tư là chưa chú trọng xây dựng chiến lược phân phối, truyền thông và xúc tiến thương mại

Do DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên hạn chế tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực. Có rất ít DN xây dựng được chương trình xúc tiến, giới thiệu một cách bài bản về sản phẩm cho khách hàng. Hầu hết DN chưa nhận thức đúng giá trị và ý nghĩa của xúc tiến thương mại, quảng cáo... Vì vậy, chi phí cho quảng cáo rất thấp, chỉ dưới 1% doanh thu (tỷ lệ này ở các DN nước ngoài thường chiếm khoảng từ 10 đến 20% doanh thu).

“Rõ ràng, bài toán xây dựng năng lực cạnh tranh cho DN, vấn đề nằm trong chính nội tại của DN. Một mong muốn chung của nhiều DN là được Chính phủ và Nhà nước tư vấn, hỗ trợ. Vì vậy, có thể nói, một biện pháp có thể khả thi nhất trong trường hợp này là DN nên hợp tác với Chính phủ, Nhà nước để có một cơ chế đối thoại công tư hợp lý, để cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn của chính DN; và đồng thời cũng giúp Chính phủ điều tiết tốt hơn các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững”, Thứ trưởng gợi ý và kết luận.

(Tamnhin)

  • Lựa theo chiều gió
  • CPI 2011 ở mức 11,75% liệu có khả thi?
  • Việt Nam mục tiêu tăng trưởng 7%/năm trong 5 năm tới
  • Thủ tướng: 'Việt Nam vẫn là nước nghèo'
  • Việt Nam sẽ nhận được những khoản vay rất lớn từ ADB
  • ‘Lình xình’ thuế thu nhập cá nhân (kỳ 1)
  • Kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng bền vững: Năng suất và đổi mới là then chốt
  • Việt Nam đang đối mặt với ‘bẫy thu nhập trung bình’
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi