Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thông điệp ẩn sau đường đi của giá cả cuối năm

Năm 2010 là năm vất vả của ngành ngân hàng và đường đi của giá cả-lạm phát năm 2010 Việt Nam "vừa quen lại vừa lạ". Câu hỏi đặt ra là: Thông điệp nào ẩn chứa đằng sau đó?

Năm 2010 Việt Nam vừa phải gồng mình tiếp tục đối phó với hệ quả cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, vừa liên tiếp đương đầu với nhiều trận mưa, lũ lớn  xảy ra trên diện rộng, kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư trên toàn quốc.

Nhưng với quyết tâm chính trị cao và những chỉ đạo sát sao, mềm dẻo của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam về tổng thể vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá cao (khoảng 7%). Bên cạnh đó, các cân đối vĩ mô cũng cơ bản được ổn định.

Tuy nhiên, năm 2010 là năm vất vả của ngành ngân hàng và đường đi của giá cả-lạm phát năm 2010 Việt Nam "vừa quen lại vừa lạ". Câu hỏi đặt ra là: Thông điệp nào ẩn chứa đằng sau đó?

Bình thường và bất thường


Có ba điểm bình thường dễ nhận thấy.

Thứ nhất, xu hướng tăng, giảm CPI về cơ bản tương đồng với những năm trước theo đồ thị hình sin. Cụ thể là CPI tăng vào những tháng sau tết Nguyên đán, rồi giảm dần từ đầu quý II và lại tiếp tục tăng trở lại vào cuối quý III, đầu quý IV.

Thứ hai, tốc độ tăng giảm mạnh CPI thường diễn ra không đều giữa các địa phương và thường đạt đỉnh cao ở những địa phương - đô thị lớn như Hà nội và TP.HCM.

Thứ ba, các nguyên nhân gây tăng giảm CPI về cơ bản vẫn tập trung vào những nhân tố quen thuộc, trước hết gắn với những sự tăng giảm nhu cầu tiêu dùng gắn với lễ, tết và sự điều chỉnh giá cả thị trường những hàng hóa đầu vào nhậy cảm trên diện rộng hoặc do tác động nhân quả dây chuyền. Tuy nhiên, chính cú sốc tăng giá vàng thế giới và trong nước lên khoảng 38% so với đầu năm 2010 đã giáng cú sốc mạnh vào việc nâng nền giá trong nước tăng không thể kiểm soát.

Theo đánh giá của người viết, năm 2010 cũng chứng kiến ba điểm bất thường.

Điểm bất thường nổi bật của động thái CPI những tháng qua là sự trồi sụt mạnh và đột ngột của chỉ số CPI tại mỗi bước ngoặt bản lề giảm hoặc tăng giữa các "pha trong chu kỳ" CPI. Chỉ số CPI với mức cả năm 2010 so với năm trước là 9,19%. Còn nếu mức tháng 12/2010 so cùng kỳ năm trước là 11,75%, tức gần gấp đôi mức đặt ra đầu năm của Quốc hội và Chính phủ.  CPI trong 2 tháng cuối năm với mức tăng khủng trên đã thực sự đóng đinh cú sốc tăng vọt CPI cả năm 2010 lên mức ngất ngưởng, gây nhiều thất vọng, tranh cãi và quy lỗi khá ồn ào trong các cơ quan quản lý có liên quan...

Thứ hai, cần kể đến một số xu hướng "lội ngược dòng" với giá thế giới của giá cả một số mặt hàng có tính đặc thù cao trên thị trường, như giá sữa, giá xăng, dầu, giá ngoại hối...Đặc biệt, giá cả các mặt hàng nhà nước quản lý lại thường lên không đều và đồ thị lên, xuống theo hình bậc thang, giật từng nấc, nhất là xăng dầu, điện. Việc tăng giá sữa ở nhiều chủng loại mặt hàng thời gian gần đây, trong khi tồn kho của nhóm sản phẩm này tại thời điểm 1/8/2010 so với cùng kỳ năm trước ở mức khá cao và giá sữa thế giới giảm trong tháng 8, cho thấy có hiện tượng tăng giá tâm lý và "tát nước theo mưa".

Ngoài ra, những số liệu Tổng cục Thống kê công bố gần đây còn cho thấy một điều bất thường khác là chỉ số giá bán của người sản xuất tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, với mức chênh lệch giữa hai chỉ số này là hơn 4%.

Triển vọng giá cả năm 2011


Đường đi của Giá cả-lạm phát năm 2011 của Việt Nam nhìn chung sẽ phức tạp và khó lường, do chịu hợp lực của nhiều nhân tố tác động trực tiếp và gián tiếp, tức thời hay trễ muộn ít nhiều do sự gia tăng không chỉ một lần các chi phí "đầu vào", như tăng giá xăng, than, điện (theo lộ trình thực hiện giá cả thị trường), nước, chi phí vận tải, mức tiền lương, lãi suất ngân hàng và các chi phí vốn của doanh nghiệp. Đó là chưa kể việc tiếp tục tái thu, thậm chí tăng thu thuế (như thuế tài nguyên), và một số nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, kinh tế thế giới 2011 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường hàng hoá và tài chính-tiền tệ. Trong đó có xu hướng tiếp tục hoặc gia tăng biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt và khủng hoảng nợ do thâm hụt ngân sách của nhiều nước, như là hệ quả các gói kích thích kinh tế kéo dài đến 2010.

Đồng thời, nhiều khả năng cho thấy sự phục hồi từng bước nền kinh tế và gia tăng các hoạt động tiêu thụ hàng hoá, nguyên liệu cả trên thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, khi kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu sẽ tăng cao, kéo theo giá xăng, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu sắt, thép, xi măng... tăng, sẽ còn làm tăng đồng thời các loại lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, mức độ gia tăng và tác động của lạm phát đến đời sống kinh tế-xã hội còn tuỳ thuộc khá nhạy cảm vào hệ quả và khả năng phối hợp đồng bộ, linh hoạt các chính sách và những yếu tố tâm lý xã hôi khác của Việt Nam, trong đó có công tác dự báo, thông tin, yếu tố tin đồn và khả năng kiểm soát đầu cơ, lũng đoạn thị trường...

Để kiềm chế tốt lạm phát ở mức dưới một con số, ổn định và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế trong năm 2011 và tiếp theo, một mặt, Việt Nam cần chú ý hơn đến đảm bảo yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường đầy đủ có sự kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Nhất là đối với các lĩnh vực chưa tự do hoá và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Hơn nữa, nhà nước cần cân nhắc hợp lý hơn thời điểm và mức tăng giá các mặt hàng nhạy cảm, dễ gây ảnh hưởng dây chuyền, như điện, than..., cũng như tăng cường hoạt động kiểm toán, giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía doanh nghiệp và các bên liên quan. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến sự đủ đầy của các kho dự trữ quốc gia phòng khi "trái nắng, trở giời".

Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là mặt trái  của những chính sách đang và sẽ triển khai. Đặc biệt, cần phối hợp hoạt động và cơ quan dự báo với giám sát, bao gồm cả giám sát chuyên ngành với giám sát hợp nhất, tổng thể toàn thị trường để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ.

TS. Nguyễn Minh Phong

(tuanvietnam)

  • Hiệu quả bình ổn giá, nhìn từ con số thống kê
  • ‘Ẩn số lớn của lạm phát 2011 là giá thực phẩm’
  • 'Hàng không VN sẽ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới'
  • Thêm nhiều quy định có lợi cho dân
  • Bất ổn chất lượng dân số
  • PwC dự báo kinh tế Việt Nam đứng thứ 14 thế giới vào năm 2050
  • 10 năm tới GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5-7%
  • Việt Nam tăng hạng về tự do kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi