Chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện thống nhất quản lý sẽ giúp giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài như quản lý lưới điện manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật hạn chế...
Lưới điện do các hợp tác xã quản lý không đảm bảo an toàn - Ảnh Chinhphu.vn |
Việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý là chủ trương lớn của Chính phủ, vì việc làm này đem lại lợi ích thiết thực cho người dân khu vực nông thôn. Để phản ánh kết quả thực hiện và hiệu quả của công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn?
Phần lớn lưới điện hạ áp nông thôn nước ta được xây dựng từ 20-30 năm trước đây, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường dây và an toàn, đường dây dài, dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại. Thiết bị đo đếm điện năng mua trôi nổi ngoài thị trường, không được kiểm định, không chính xác, nhiều nơi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Chất lượng điện không đảm bảo có nơi điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V, làm tổn thất điện năng (TTĐN) của lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) rất cao.
Số liệu theo dõi từng tháng cho thấy TTĐN bình quân trên lưới điện khu vực mới tiếp nhận là 25,14% (tính đến cuối năm 2009). Các công ty điện lực có TTĐN bình quân cao như Nghệ An 38%, Lạng Sơn 36%, Tuyên Quang 35,8%, Hưng Yên 35%, Thanh Hóa 34%... Tỉnh có TTĐN thấp nhất là Lào Cai 16,74% .
Việc quản lý điện nông thôn tại các địa phương đều khoán cho một nhóm người không qua đào tạo nghề điện. Họ chỉ biết thu tiền, không đầu tư nâng cấp nên lưới điện ngày càng xuống cấp.
Mặc dù Chính phủ đã có chính sách trợ giá cho các hộ nông dân song thực tế do công tác quản lý kém, giá điện tại các thôn, xã cao gấp đôi, thậm chí có nơi cao gấp 4-5 lần giá quy định.
Việc EVN tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp tới khách hàng dùng điện nông thôn sẽ giải quyết cơ bản những bất cập lâu nay trong quản lý và bán điện ở nông thôn của các tổ chức, cá nhân ngoài EVN.
Đối với người dân nông thôn, sẽ được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước, trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Đối với ngành điện và Nhà nước, lưới điện sau khi tiếp nhận sẽ được cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp chặt chẽ sẽ giảm tổn thất điện năng, giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, giảm sự cố, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, theo đó giảm áp lực trong việc đầu tư phát triển thêm các nhà máy điện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng |
EVN đã triển khai tiếp nhận lưới điện hạ áp và kết quả thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ngay từ khi có quyết định của Thủ tướng năm 2008 về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, các công ty điện lực đã thành lập Ban chỉ đạo và khẩn trương tổ chức thực hiện chương trình; lập đề án tiếp nhận LĐHANT 3 năm 2008-2010. Lãnh đạo các công ty điện lực đã tiếp xúc để tranh thủ sự ủng hộ của các sở ban ngành liên quan và chính quyền địa phuơng các cấp.
Kết quả, từ tháng 6/2008 đến 6/2010, ngành Điện đã tiếp nhận LĐHANT tại 3.835 xã và 4.673.693 hộ sử dụng điện ở nông thôn. Khối lượng tài sản tiếp nhận bao gồm 910 km đường dây trung áp và 1.410 trạm biến áp, 56.635 km đường dây hạ áp. Tổng giá trị còn lại tài sản hai Bên giao nhận đã ký Biên bản bàn giao là 1.936.148 triệu đồng. Giá trị phải hoàn trả cho bên giao ước khoảng 730.368 triệu đồng.
EVN đã triển khai nâng cấp lưới điện như thế nào?
Sau khi tiếp nhận LĐHANT, công việc quan trọng đầu tiên nhằm đảm bảo tính pháp lý kinh doanh điện là tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện với từng hộ với số lượng trên 10 triệu hợp đồng. Để đảm bảo ký kết nhanh hợp đồng với các hộ sử dụng điện theo đúng quy định, Tập đoàn đã xem xét đơn giản hoá thủ tục, do vậy, các công ty điện lực đã tổ chức ký lại hợp đồng mua bán điện đạt tỷ lệ cao đến 95%.
Do các công tơ đo đếm điện trước đây không được kiểm định nên đo đếm không chính xác, nên các công ty điện lực phải tổ chức thay hơn 10 triệu công tơ cấp đạt tiêu chuẩn , bổ sung thay thế hệ thống tiếp địa, thay xà mục gãy, thay sứ cách điện vỡ, bổ sung cột đỡ dây để đảm bảo khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2010, các công ty điện lực sẽ tiếp tục bố trí vốn để thực hiện. Việc sửa chữa, cải tạo tối thiểu lưói điện hạ áp chỉ là biện pháp tình thế do chi phí thực hiện có hạn và hơn hết là do quy định về sử dụng chi phí sản xuất kinh doanh điện không cho phép nâng cấp tài sản lưới điện hiện hữu ( tăng tiết diện dây dẫn...).
Để giải quyết nâng cấp cơ bản lưới điện tiếp nhận cần phải có các nguồn vốn đầu tư khác. Hiện ngành Điện tận dụng tối đa nguồn vốn vay từ nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Công hòa Liên bang Đức để cải tạo LĐHANT sau tiếp nhận.
Vậy công tác quản lý kinh doanh sau tiếp nhận như thế nào, thưa ông?
Tính đến hết tháng 6/2010, các công ty điện lực đã ký 5.178 hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN), thuê 14.000 người (vốn là thợ điện của các HTX điện năng trước khi bàn giao) để thực hiện việc ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, kiểm tra lưới điện hàng ngày... bình quân 3,7 người/xã, thù lao trả cho mỗi người từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Tuỳ theo số lượng khách hàng và đặc điểm cụ thể của mỗi xã mà số lượng người được thuê làm dịch vụ khác nhau.
Hình thức DVBLĐN chỉ giải quyết được một số công việc, khối lượng lớn công việc chuyên môn khác thì ngành Điện vẫn phải bố trí nhân lực chính thức thực hiện.
Sau khi tiếp nhận trên diện rộng và bán điện 100% hộ nông thôn, địa bàn quản lý của các Điện lực quá rộng, Từ trụ sở của Chi nhánh điện tại huyện lỵ tới các xã có khi xa hàng chục km nên công tác sửa chữa điện và các công tác khác liên quan đến dịch vụ khách hàng không tránh khỏi khiếm khuyết.
Từ nhu cầu thực tế, các đơn vị hiện nay đề xuất mô hình tổ quản lý điện nông thôn, theo đó sẽ hành lập tổ/đội quản lý điện khu vực để quản lý vận hành và kinh doanh trên địa bàn từ 3-5 xã, kết hợp cả nhân viên biên chế của công ty điện lực và hợp đồng dịch vụ (người địa phương)
Công nhân Điện lực Hà Nội cải tạo lưới điện nông thôn - Ảnh Chinhphu.vn |
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa (tháng 12/2010) là hạn chót trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng là EVN phải tiếp nhận 100% lưới điện hạ áp nông thôn nhưng vẫn còn 2.014 xã chưa bàn giao. Ttheo ông lý do chính là gì và giải pháp nào để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch?
Hiện nay, số xã chưa bàn giao LĐHANT còn 2.014 xã gồm 699 xã được UBND tỉnh xác định là đủ điều kiện bán lẻ điện năng theo quy định; 77 xã được UBND tỉnh xác định không đủ điều kiện bán lẻ điện năng nhưng chưa nhất trí bàn giao; 1.238 xã trong dự án REII (Dự án năng lượng nông thôn 2 do Ngân hàng Thế giới – WB cho vay vốn thực hiện). Theo Hiệp định tín dụng ký với WB thì dự án REII sẽ kết thúc cuối năm 2013. Đa số UBND các tỉnh đã có chủ trương bàn giao các xã thuộc REII cho ngành Điện quản lý sau khi hoàn thành công trình điện.
Tại 77 xã kể trên, các tổ chức quản lý điện nông thôn đều là các HTX điện năng hoặc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Nếu bàn giao LĐHANT cho điện lực thì họ lúng túng chưa biết chuyển sang kinh doanh gì để duy trì thu nhập cho các xã viên, hoặc nếu không có nguồn thu từ kinh doanh điện bù thêm cho các dịch vụ nông nghiệp khác thì không duy trì được HTX.
Nhiều HTX đặt điều kiện đối với ngành Điện phải tiếp nhận lao động. Phía chính quyền địa phương cũng lúng túng trong vấn đề này. Phía Điện lực không thể áp dụng biện pháp ngừng cấp điện cho các HTX vì sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người dân. Vì vậy đối với các xã này không thể thúc ép được mà cần có thời gian vận động thuyết phục.
Đối với các xã tham gia dự án REII sắp kết thúc đầu tư xây dựng công trình, theo chỉ đạo của Bộ Công Thưong và phù hợp với thoả thuận trong Hiệp định ký kết với WB, UBND tỉnh sẽ thông báo cho tổ chức bán điện nông thôn về giá trị vốn đầu tư vào lưới điện sẽ chuyển giao cho các tổ chức này.
Các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn cách tính toán, phân tích phương án kinh doanh, đánh giá tính bền vững khi về lâu dài giá bán điện sẽ không còn bù lỗ. Qua đó giúp các tổ chức bán điện và xã viên đánh giá nhận thức rõ được rủi ro và khó khăn sau khi tiếp nhận vốn và tài sản lưới điện được đầu tư trong dự án để từ đó quyết định bàn giao hoặc không bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Như vậy cần chờ việc thực hiện ở phía chính quyền địa phương nên chưa thể tiếp nhận ngay.
Với hơn 300 xã REII hiện nay mới bước vào giai đoạn thực hiện đầu tư và nhiều xã không đủ điều kiện bán lẻ nhưng nếu dừng đầu tư để bàn giao cho ngành Điện thì sẽ bị WB loại khỏi dự án, trong khi rất cần vốn để cải tạo nâng cấp lưới điện. EVN cũng đang cân nhắc làm việc với UBND các tỉnh để làm sao vẫn bàn giao lưới điện hiện tại cho ngành Điện mà việc đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện được, tuy nhiên khó được sự chấp thuận của Bộ Công Thương và WB.
(Theo Minh Huệ // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com