Nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, quý sau tăng hơn quý trước - Ảnh: Anh Quân. |
“Thực tế cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng ở mức 5,57% là có cố gắng. Nó có tác động từ loạt chính sách chúng ta điều hành, tôi cho là phù hợp, trúng và đúng”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức đã nhìn nhận như vậy về tình hình nền kinh tế nửa đầu năm 2011, tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011, do cơ quan này tổ chức chiều 29/6.
Tăng trưởng hợp lý
Chia sẻ quan điểm của lãnh đạo trực tiếp, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy cho rằng, Việt Nam là một trong số ít nước chịu tác động ít hơn về mặt kinh tế.
“Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Thêm nữa, hiện nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản đang đánh giá tốt về môi trường đầu tư Việt Nam, coi đây là nơi đầu tư tốt”, ông nói.
Cân đối giữa chỉ tiêu “được” và “mất”, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia Hà Quang Tuyến cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm 2011 nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng không đạt mục tiêu như tăng trưởng GDP, lạm phát, thâm hụt thương mại, thu hút FDI... nhưng nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, quý sau tăng hơn quý trước.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại và có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Trong đó một số ngành, lĩnh vực có điều kiện như lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp khai thác, giáo dục đào tạo, y tế vẫn có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
“Mặt khác, giữ được mức tăng trưởng hợp lý mới đảm bảo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thấp nghiệp còn 2,58% (năm 2010 là 4,1%), tỷ lệ thiếu việc làm 3,9%, người dân có thu thập để trang trải cho đời sống trong bối cảnh giá cả tăng cao”, ông cho hay.
Về điểm này, Tổng cục trưởng Đỗ Thức đồng tình rằng, tỷ lệ thất nghiệp giảm là diễn biến tích cực trong bức tranh kinh tế năm nay. Trong điều kiện khó khăn như vậy, đời sống người dân vẫn được đảm bảo. “Có thể nói là bức tranh sáng trong điều kiện khó khăn”, ông khẳng định vậy.
Trái chiều công nghiệp, dịch vụ
Khác với nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại một báo mới đây, rằng khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao; lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Tổng cục Thống kê cho rằng các doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang phát triển tốt.
Ông Thúy dẫn chứng từ kết quả điều tra trên 4.000 doanh nghiệp lớn cho biết, số lượng doanh nghiệp toàn nền kinh tế so với năm ngoái đã tăng 21,2% trong khi bình quân giai đoạn 2005 - 2011 tăng 20,8%/năm. Về vốn đầu tư, các chỉ tiêu tăng tương ứng là 34,7% và 35,2%; về doanh thu, tăng 28% và 26%/năm.
“Đây là số liệu minh chứng cho sự đầu tư và phát triển trong hệ thống doanh nghiệp vẫn ổn định và ngày càng tăng”, ông Thúy khẳng định.
“Kết quả sản xuất là tăng. Đương nhiên là có khó khăn mới giảm hơn năm ngoái, không có khó khăn thì phải hơn năm ngoái”, Tổng cục trưởng Đỗ Thức bình luận thêm.
Còn theo ông Thúy, doanh nghiệp Việt Nam đến 80% là vừa và nhỏ, phát triển linh hoạt; họ có thể đóng cửa lĩnh vực này nhưng mở ở lĩnh vực khác chứ không chịu ngồi yên.
Hơn nữa, trong tình hình khó khăn hiện nay doanh nghiệp cũng không thể đóng cửa, ngừng sản xuất dù chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, dù lợi nhuận giảm hoặc không tăng bởi vì họ vẫn hy vọng thời gian tới sẽ có cơ hội tiếp tục phát triển và cũng để giữ quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, trái với kết quả ngành công nghiệp kể trên, với các ngành dịch vụ, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng ngành này hầu hết là giảm, trong đó đặc biệt là ngành xây dựng và bất động sản.
Vụ trưởng Tuyến diễn giải, trong 21 ngành cấp 1, xây dựng và kinh doanh bất động sản tăng trưởng thấp hơn cả. “Chúng tôi dự tính tăng tưởng 6 tháng 2011 ngành xây dựng đạt khoảng 4,26%, trong khi đó 6 tháng 2010 là 10,86%. Tức là chưa bằng một nửa năm ngoái”, ông Tuyến cho hay.
Vị này cho rằng, nguyên nhân là do chính sách tài khóa thắt chặt, trong đó là cắt giảm đầu tư mà chủ yếu là đầu tư công, đã ảnh hưởng đến đóng góp của ngành này vào tăng trưởng GDP.
Riêng với ngành kinh doanh bất động sản, ông Tuyến cho biết, tình hình khá hơn ở các tháng đầu năm, nhưng kể từ tháng 4 đến nay, tăng trưởng giảm hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ và kinh doanh bất động sản được cho là phi sản xuất nên bị hạn chế cho vay tín dụng.
Mặc dù cũng đánh giá tình hình là khả quan, Phó tổng cục trưởng Lâm lưu ý thêm rằng, tăng trưởng GDP theo giá thực tế lên đến 25%, trong khi giá trị gia tăng chỉ đạt mức 5,57% là có yếu tố giá tác động mạnh. Chỉ số giá GDP tăng tới 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Những nghiên cứu của cơ quan này trước đây cũng cho thấy, hiệu quả sản xuất có xu hướng giảm. Điều này chưa thể đo đếm trong số liệu 6 tháng đầu năm nay, nhưng cũng là chuyện cần lưu ý.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com