Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ủy ban Kinh tế: Mất cân đối vĩ mô chủ yếu do yếu kém nội tại

Tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp đã tác động xấu đến các cân đối lớn của nền kinh tế.

Lạm phát, lãi suất, tỷ giá biến động mạnh cùng những yếu tố làm tăng nguy cơ mất ổn định nền kinh tế được đề cập với nhiều quan ngại, khi Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 9.

Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 3,87% so với tháng 12 năm 2010, bằng 55% so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Lãi suất trên thị trường tiền tệ tiếp tục tăng cao, lãi suất tiền gửi VND có thời điểm lên tới 16-17%/năm, lãi suất cho vay 18-20%/năm; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do biến động mạnh và có thời điểm cao hơn tỷ giá giao dịch chính thức gần 10%, kể cả sau khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng 9,3%.

Ngoài sự lo ngại về tính không vững chắc của các cân đối lớn trong nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra những yếu tố mới ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam năm 2011.

Trong đó có yếu tố lạm phát tiếp tục chịu nhiều sức ép tăng cao, nhất là sau khi điều chỉnh tỷ giá và tăng giá một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất như xăng (tăng 17,68%), điện (tăng 15,28%).

Không dùng vàng làm phương tiện thanh toán

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội là nhóm giải pháp đầu tiên được cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần tập trung thực hiện.

Theo đó, cần điều tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế để giảm bớt sức ép lạm phát; thu hẹp chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế để từng bước giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài, cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát nợ công và nợ quốc gia bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Một số biện pháp cụ thể được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh là trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cần ưu tiên vốn tín dụng phục vụ trực tiếp sản xuất hàng hóa, sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Hạn chế cấp vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Từng bước giảm mặt bằng lãi suất bảo đảm hài hòa lợi ích của người gửi tiền và người đi vay, khuyến khích được doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm cung-cầu hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối nguồn điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần sớm khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, không phát sinh phức tạp mới.

Trước mắt, cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp lý được mua ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Trong điều hành chính sách tài khóa, Ủy ban đề nghị đưa mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP. Đồng thời kiến nghị Chính phủ giao cụ thể chỉ tiêu cắt giảm vốn đầu tư cho mỗi ngành, mỗi địa phương, việc cắt giảm các dự án cụ thể giao cho ngành và địa phương quyết định, không nên thành lập nhiều đoàn đi rà soát các dự án rồi mới cắt giảm.

Giải quyết căn bản mất cân đối vĩ mô

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu có tính căn nguyên của những hạn chế của nền kinh tế hiện nay là xuất phát từ sự yếu kém nội tại.

Đó là mô hình tăng trưởng kinh tế những năm qua dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển chiều rộng, phân bổ nguồn lực lại chưa hợp lý, tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao, tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp đã tác động xấu đến các cân đối lớn của nền kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, nhập siêu cao, mất cân đối ngoại tệ...

Đây là những yếu tố mang tính cốt yếu, tác động xấu đến nền kinh tế không chỉ trong trước mắt mà còn cả trong trung và dài hạn, phản ảnh thực lực của nền kinh tế chưa mạnh và thiếu tính bền vững, đòi hỏi có kế hoạch, lộ trình điều chỉnh trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, các ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đều cho rằng, để giải quyết căn bản những mất cân đối vĩ mô, cùng với thực hiện các biện pháp trước mắt, phải đồng thời thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Một số giải pháp cần được quan tâm, theo Ủy ban Kinh tế là cơ cấu lại việc phân bổ các nguồn lực cho các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách hợp lý. Cải cách doanh nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm.

Đồng thời phải rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, tăng cường công tác quản lý thực hiện quy hoạch, khắc phục tình trạng tùy tiện trong bổ sung và điều chỉnh quy hoạch...

(Theo Vneconomy)

  • Chỉ số cạnh tranh 2010: Vẫn chưa cải thiện nhiều
  • Chuyên gia: "Metro không giúp giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe"
  • Việt Nam nhảy vọt về chỉ số niềm tin trong quý 1
  • Chỉ số năng lực hội nhập tỉnh, thành: Một công bố nửa mùa
  • Tạm trữ lúa gạo: Cần Chính phủ vào cuộc
  • Đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế địa phương qua 8 trụ cột
  • Cần chính sách “một tiếng nói” để ổn định kinh tế vĩ mô
  • WB: GDP Việt Nam năm 2011 tăng trưởng 6,3%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi