Nhiều nhận định không mấy lạc quan đã được đưa ra cho tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm và cả năm tiếp theo.
Với mục tiêu phân tích tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng 2012 và đóng góp các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 23/9 đã nhận được tham luận của nhiều chuyên gia kinh tế với các phân tích đa chiều.
2011: Tiếp nối và tích hợp khó khăn
Tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát, bất ổn chưa giảm và rất khó chống là khái quát của Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên về tình hình kinh tế 2011.
Ông Thiên cho rằng, 2011 là năm tiếp nối và tích hợp khó khăn các năm trước, khi cả lạm phát và hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) đều “vô địch”. Và từ được vị viện trưởng này dành cho tình thế năm 2011 là “very hot”.
Còn theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh thì tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát , bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam... đã khiến niềm tin của người dân và các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đều giảm sút.
"Không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông Doanh quả quyết.
Nhìn tổng quan nền kinh tế, nỗi lo của không ít chuyên gia kinh tế thêm một lần nữa lại tập trung vào hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước.
Theo số liệu tại tham luận của ông Trần Đình Thiên thì năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỷ đồng (2010 lỗ 23.647 tỷ), Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex): 1.200 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy (Vinashin): 3.092 tỷ; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): 613 tỷ đồng...
Thiếu vốn đầu tư ngành chính nhưng đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ. Lĩnh vực được chuộng nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ, vẫn theo số liệu của ông Thiên.
Phân tích các chỉ số vĩ mô, ông Trần Kim Chung, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh rằng tỷ lệ lạm phát có xu hướng bùng phát, giá vàng tăng mạnh và đồng Việt Nam giảm giá nhanh chóng trong thời gian vừa qua là các tín hiệu cho thấy cho những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế.
Vì thế các giải pháp đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề trong các tháng cuối năm sẽ trở nên rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn so với 9 tháng đầu năm, ông Chung nhận định.
Một lưu ý khác cũng được ông Chung nhấn mạnh là thị trường vàng và thị trường ngoại hối sẽ có những biến động khó lường trong các tháng cuối năm. Do một thời gian bị kìm nén bởi các biện pháp hành chính, giá vàng và giá đồng USD (tỷ giá giữa đồng VND và đồng USD) sẽ vọt lên cao nếu các giải pháp chính sách không được triển khai kịp thời, đúng liều lượng và đúng đối tượng.
2012: Giảm lạm phát vẫn là ưu tiên số 1
Để giải quyết căn cơ những bất ổn của nền kinh tế, không chỉ có nhận định mà nhiều đề xuất về giải pháp ngay cho năm 2012 cũng đã được đặt ra tại các bản tham luận.
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2012 về cơ bản vẫn phải duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với sự điều chỉnh linh hoạt hơn 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11 của Chính phủ (không thay đổi quan điểm chính của hai nhóm chính sách này).
Do đó, năm 2012 cũng như năm 2011 không nên đặt mục tiêu tăng GDP cao (khoảng 6- 6,5%), mà vẫn ưu tiên số một là kéo giảm CPI xuống dưới một con số (khoảng 9%) và quan trọng hơn là từng bước triển khai các chính sách và giải pháp để giải quyết căn cơ những vấn đề kinh tế đang đặt ra trong bài toán phát triển.
Trong hàng loạt các giải pháp, ông Lịch cho rằng có bốn vấn đề cần được ưu tiên triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ khoá 13, bằng hệ thống pháp luật điều chỉnh, chứ không phải trên quan điểm định hướng.
Đó là phải cấu trúc lại đầu tư công, dựa trên hai nguyên tắc là phí tổn cơ hội và tính lan tỏa, tính đồng bộ; gắn liền với chính sách phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thứ hai, là tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính- tín dụng phi ngân hàng.
Thứ ba, cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và phải sớm ban hành cho được luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước. Và thứ tư là tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, tạo ra sức mua từ bên trong, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm chủ mạng phân phối nội địa.
Quan điểm phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tái cấu trúc nền kinh tế cũng được đề cập tại khá nhiều tham luận khác.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội không bình thường hiện nay cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012.
Theo ông Doanh, đặc trưng của nền kinh tế hiện nay là có nhiều bệnh mà nguồn gốc sâu xa gắn liền với thể chế kinh tế, chính sách của Nhà nước như chính sách đầu tư công, hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Để khắc phục các căn bệnh đó, không thể không cải cách bộ máy quản lý của nhà nước, các chính sách kinh tế.
Nếu không có những cải cách mạnh mẽ, có hiệu lực thì khả năng nước ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” ngay trong những năm sắp tới, với mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp sau khi vừa vượt qua ngưỡng nước nghèo, ông Doanh lo ngại.
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên viết trong tham luận "không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực".
------------------------------
NGUYÊN HÀ // VNeconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com