Ông Naoyuki Shinohara - Phó tổng giám đốc IMF đã nhấn mạnh điều này khi đề cập tới những vấn đề mà các nước đang phát triển như Việt Nam đang phải đối đầu.
Ông Naoyuki Shinohara nêu rõ, vẫn còn những nước đang phát triển như Việt Nam phải chịu áp lực lạm phát. Sự thắt chặt chính sách tiền tệ tại những nước này vẫn là cần thiết. Còn một số nước khác phải tìm cách tạo được sự cân bằng giữa chính sách tiền tệ và tác động lan truyền từ rủi ro bên ngoài.
Ông Naoyuki Shinohara cho rằng, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là tạo dựng môi trường kinh tế ổn định và đáng tin cậy thông qua chính sách tiền tệ. Điều này sẽ mời gọi được các dòng vốn nước ngoài có tính ổn định hơn, dài hạn hơn và dưới dạng đầu tư trực tiếp. Việt Nam vốn đang cần các nguồn vốn dài hạn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Việt Nam hiểu rõ và đang nỗ lực để thực hiện điều này.
Về các tác động bên ngoài như khủng hoảng nợ châu Âu đối với hệ thống ngân hàng của các nước đang phát triển như Việt Nam, ông Naoyuki Shinohara nêu rõ, điều quan trọng là cần có các ngân hàng khỏe mạnh, đáng tin cậy và phải có đủ vốn để có thể hấp thụ được các rủi ro có thể đến. Để làm được điều này, cần đánh giá cơ chế kiểm soát hiện tại đã đủ chưa, các điều kiện đảm bảo an toàn như tỷ lệ đủ vốn đã đủ chưa. Đây là điều nước nào cũng phải làm. Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng mới thực hiện việc này, nên cần tiếp tục đẩy mạnh, nhất là trong điều kiện biến động như thế này
Theo ông Naoyuki Shinohara, các chuyên gia của IMF cho rằng lạm phát kỳ vọng của Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát, nên sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô cần tiếp tục là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam. IMF cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể để đạt được mục tiêu đó. Nên thành quả này cần được duy trì.
Ông Naoyuki Shinohara cho rằng, điều quan trọng là cần đảm bảo lạm phát kỳ vọng được kiểm soát. Nghĩa là nhìn vào chỉ số lạm phát tổng thể chưa đủ, cần nhìn vào các yếu tố kinh tế ẩn dưới đó, quan tâm đến các yếu tố tạo ra lạm phát từ trong nước. Nếu lạm phát kỳ vọng vẫn chưa được kiểm soát, chính sách tiền tệ vẫn cần hết sức thận trọng.
Ông Naoyuki Shinohara nhấn mạnh, tại thời điểm biến động này, chính sách nới lỏng tại các nước phát triển không có tác động trực tiếp đến các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, dòng vốn nước ngoài không đáng lo ngại vì vốn vào Việt Nam chủ yếu dưới dạng đầu tư trực tiếp. Rõ ràng là vốn ngắn hạn và không ổn định mới đáng lo ngại, còn vốn dài hạn thì là cơ hội.
Theo nhận định chung của giới chuyên gia, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng mạnh.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp, nhất là trong việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, nền kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo được sự ổn định và đạt được những kết quả tích cực, trong đó có hoạt động xuất khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được một lượng hàng hóa trị giá 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Kết quả này cho thấy hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường xuất khẩu cũng có những kết quả khả quan.
Ở trong nước, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt cũng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, trong đó khó khăn nhất hiện nay là các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn hoạt động, khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng với lãi suất phù hợp.
Ông Trần Duy Hưng, Phó Vụ trưởng vụ 2 - Văn phòng Trung ương Đảng nêu rõ dự kiến trong cả năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt khoảng 90 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 110 tỷ USD, như vậy tỷ lệ nhập siêu vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, giá trị tăng thêm của hàng xuất khẩu Việt Nam chưa cao, ngoài những nguyên nhân khó khăn khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan như về cơ chế, chính sách, về năng lực quản lý, điều hành…
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nêu lên các giải pháp như tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế; đa dạng hóa diện mặt hàng xuất khẩu; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường; có giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng truyền thống; tăng cường xúc tiến thương mại…
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com