Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam có tránh được lời nguyền tài nguyên?

Nước ta giàu tài nguyên khoáng sản đến mức nào? Về việc này có lẽ nên nhắc lại một phát biểu dựa trên khoa học địa chất và ý tưởng thống kê của A. P. Aleksandrov, nguyên chủ tịch viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, theo đó trữ lượng khoáng sản của một nước nói chung tỷ lệ thuận với diện tích của nước ấy.

Chả thế mà Nga, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Australia, Brazil... luôn dẫn đầu thế giới về sản lượng hầu hết các loại khoáng sản. Nước ta đất chật người đông, cho dù thượng đế có ưu ái cũng không thể hoá phép để biến một nước có diện tích thứ 65 trên thế giới (dân số thứ 13) trở thành cường quốc về tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, bauxite Tây Nguyên và cát đen chứa titan dọc theo ven biển miền Trung được xem như một lợi thế tài nguyên lớn của đất nước. Song nhiều chuyên gia địa chất lâu năm lại tỏ ra dè dặt về những con số trữ lượng dường như được thổi phồng, thậm chí họ còn nhắc nhở thêm: cái mà thế giới cần, ta không có, còn cái ta có, thế giới lại không cần, hoặc họ có nhiều hơn.

Trên thực tế, hai mặt hàng khoáng sản lớn nhất của Việt Nam là dầu và than đá, dầu mỏ đứng thứ 36 trên thế giới (hơn 300 ngàn thùng/ngày), than đá thứ 17 (41 triệu tấn). Xem ra, chúng ta không nằm ngoài quy luật thống kê vừa nói trên. Năm 2008, xuất khẩu khoáng sản của ta chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 80% là dầu thô, 10% than đá, và các khoáng sản khác chỉ chiếm 10%.

Có tài nguyên dồi dào mới chỉ là tiền đề, xử lý chúng thế nào mới là chuyện quyết định. Liệu việc đào bới cát đen trong mấy chục năm qua đã sinh lợi cho ai, và nguồn lợi mà Chính phủ thu được có thấm thía gì nếu muốn khôi phục lại vùng ven biển miền Trung đã bị tàn phá hay không?

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite do TKV trình và được Chính phủ phê duyệt tháng 11.2007, đã toát lên một tinh thần khẩn trương, chạy đua với thời gian để năm 2015 đạt 6 – 8,5 triệu tấn alumina, và tăng tốc mạnh hơn nữa đến 15 triệu tấn vào năm 2025. Ngay đến Trung Quốc, nước hàng đầu thế giới cả về alumina lẫn aluminium (nhôm), với tập đoàn Chalco hùng mạnh, khai thác khoáng sản khắp nơi trên thế giới, cũng chỉ sản xuất hơn 8 triệu tấn alumina hàng năm. Trớ trêu hơn, toàn bộ sản lượng khổng lồ ấy của ta lại phải xuất sang Trung Quốc, nước vừa cung cấp công nghệ vừa bao tiêu sản phẩm cho hai nhà máy đầu tiên, Tân Rai và Nhân Cơ, và chắc chắn sẽ tiếp tục làm như thế cho các nhà máy sau. Trong khi đề xuất một kế hoạch quá mạo hiểm như vậy, lại không hề nói rõ bao giờ ta mới nội địa hoá và làm chủ được công nghệ chế biến alumina, một công nghệ quá cổ điển, đã có từ cuối thế kỷ 19.

Chúng ta đã có quá nhiều bài học thất bại về làm chủ công nghệ. Sau hàng chục năm xây dựng công nghiệp ôtô, mức độ nội địa hoá chỉ quanh quẩn 4 – 5%. Với 100 đôla xuất được từ hàng may mặc ta phải nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu đến 80 đôla ngay từ các nước láng giềng. Năm nay Việt Nam mới bắt đầu có sản phẩm lọc dầu nội địa, chậm hơn Thái Lan và Malaysia đến vài chục năm. Song có nhà máy lọc dầu không đồng nghĩa với làm chủ công nghệ hoá dầu. Tình trạng chậm tiến độ do trục trặc kỹ thuật tại nhà máy Dung Quất gần đây cho thấy làm chủ công nghệ, ngay chỉ ở mức độ vận hành suôn sẻ những công nghệ nhập từ nước ngoài, vẫn còn lắm gian nan.

Tại sao người Việt Nam không bước lên được quỹ đạo mà người Hàn Quốc đã ung dung trên đó từ cách đây bốn thập kỷ?

Hàng trăm đề tài được nghiệm thu xuất sắc về chế biến quặng ilmenit để tạo ra bột TiO2, zircon... , vẫn nằm trong ngăn kéo. Trong khi đó, qua chuyến khảo sát gần đây tại Bình Thuận, nơi dự kiến có lượng ilmenit và zircon đến hơn 6 triệu tấn, chúng tôi được xác nhận rằng cách có lời nhất là bán ilmenit sơ chế thô (qua khâu tuyển trọng lực) cho Trung Quốc, rồi mua lại của họ các thành phẩm chế biến tiếp theo.

Cần phải nhận dạng cho đúng tại sao chúng ta thất bại, không làm chủ được công nghệ trong rất nhiều ngành công nghiệp. Việc này sẽ giúp chúng ta đi dúng quỹ đạo công nghiệp hoá – hiện đại hoá, để không sa lầy vào cái “bẫy thu nhập trung bình”. Nhưng cho dù có những thất bại vừa qua, chúng ta không được phép hạ cái khẩu hiệu “khoa học – công nghệ là then chốt” xuống trong khi rất cần trưng nó lên để hoạch định một ngành công nghiệp hướng đến thương hiệu quốc gia dựa trên lợi thế tài nguyên thiên nhiên của mình.

Có tài nguyên không thể không khai thác. Nhưng không vội, không vơ vét, vì còn phải dành cho con cháu mai sau, và vì phải có đủ thời gian để học làm chủ công nghệ. Nhất quyết không bán rẻ tài nguyên cho nước ngoài. Cát đen không những chỉ chứa TiO2, monaxit, đất hiếm mà trong đó còn có zircon, từ đó làm ra hợp kim zircaloy cho vỏ thanh nhiên liệu trong nhà máy điện hạt nhân, còn có thorium, nguồn nhiên liệu tương lai có thể thay thế cho uranium đang cạn dần. Vậy tại sao phải ra sức đào bới các đụn cát xinh xắn mà thượng đế đã dày công vun đắp để chắn sóng, che gió, để từ nước mưa chắt lọc ra những mạch nước mội ngay sát bờ biển... rồi đem cát đen ấy bán vội cho nước ngoài? Như thế đâu phải là công nghiệp hoá – hiện đại hoá!

Có người phản biện: “Các nước ngày nay giàu có chính là nhờ vơ vét tài nguyên để công nghiệp hoá trong hàng trăm năm qua, có còn gì dành lại cho con cháu họ đâu?” Xin thưa, ít ra họ cũng còn truyền lại khối tri thức khoa học – công nghệ khổng lồ làm của hồi môn cho con cháu.

(Theo Phạm Duy Hiển // SGTT Online)

  • WEF: Môi trường thương mại Việt cải thiện mạnh
  • Việt Nam phấn đấu thành quốc gia mạnh từ biển
  • Giá xăng dễ lên, khó xuống
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới kinh tế và đời sống vùng dân tộc thiểu số
  • Phát triển không gian ngầm - Tiềm năng lớn chưa khai thác
  • Thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển
  • Nhìn đúng về tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi