Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam coi trọng nguồn vốn tư nhân

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và khuyến khích các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân ở cả trong và ngoài nước tham gia các dự án tại Việt Nam. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại một Hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 5 vừa qua.

Hợp tác công - tư (Public Private Partnerships-PPP) cơ sở để đạt mục tiêu


Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với khoản kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020 theo ước tính của các chuyên gia sẽ lên tới khoảng 150 tỷ USD thì lại không phải là chuyện đơn giản. Vì thế, để giải quyết bài toán về vốn này thì mô hình PPP là một giải pháp hữu ích.

Bởi không chỉ giúp giải quyết bài toán về vốn bằng cách huy động vốn từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân trong và ngoài nước, mô hình PPP còn giúp Việt Nam có thể tiếp cận được với trình độ công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án tiên tiến từ các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Nhất là trong bối cảnh nguồn vốn và công nghệ cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang còn thiếu và kém đồng bộ so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, thì PPP lại càng là yếu tố then chốt, là nền tảng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Vì, cơ sở hạ tầng phát triển được đánh giá như nền tảng cho sự phồn thịnh của một quốc gia.

Điều đó cũng đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI khẳng định: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị là một trong ba đột phá chiến lược giúp Việt Nam thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020.

Việt Nam đang tiến dần  hơn đến PPP

Để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình PPP phát triển tại Việt Nam, Ngày 9/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71 về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Đây là một trong những chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, và cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của chương trình PPP là tạo lập thị trường thu hút một cách có hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân trong các dự án kết cấu hạ tầng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, một tổ công tác liên ngành về PPP cũng đã được thành lập với 25 cán bộ cấp Vụ và chuyên viên có năng lực thuộc các Bộ: Tài chính; Tư pháp; Công Thương; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổ công tác này cũng đã triển khai một loạt các hoạt động và cùng nhau dự thảo Chương trình hành động về PPP. Chương trình này bao gồm tất cả những nội dung cần triển khai như: Tăng cường năng lực quản lý; xây dựng các hướng dẫn phù hợp trong các giai đoạn triển khai dự án như: Lựa chọn dự án, lập dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý hợp đồng; phát triển các mô hình tài chính hỗ trợ dự án; nâng cao dự án để tạo sự đồng thuận về việc triển khai PPP.

Mới đây, thông qua tổ công tác liên ngành về PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị lần thứ nhất giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ về chương trình đối tác công – tư  nhằm chia sẻ quan điểm và trao đổi một cách cụ thể về các định hướng viện trợ của các đối tác phát triển của Việt Nam cho chương trình PPP, nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia. Đây là một trong những bước tiến quan trọng, cho thấy Chính phủ nhất quán theo đuổi mục tiêu và quyết tâm thực hiện mô hình PPP. Đồng thời, khẳng định, Việt Nam đang tiến dần hơn đến mô hình PPP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến ngày 11/5/2011, đã có 24 dự án của các Bộ, địa phương gửi danh mục đề xuất triển khai theo mô hình PPP. Trong đó, dự án đường cao tốc Ninh Bình- Thanh Hoá, dự kiến quy mô 126,7km, có 6 làn xe với tổng mức đầu tư là 33.000 tỷ đồng; dự án đường cao tốc Bến Lức- Hiệp Phước tại tỉnh Long An, có chiều dài 25km, có từ 4-6 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến là 15.000 tỷ đồng; dự án nhà máy cấp nước sạch sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, có quy mô 100.000- 150.000 m3/ ngày đêm, với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.000 tỷ đồng.

(tamnhin)

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi