Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam khó thoát 'bẫy thu nhập trung bình'

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khả năng Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam" do UB Kinh tế tổ chức sáng 23/6.

Cần quyết tâm chính trị lớn

Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS Kenichi Ohno nhấn mạnh tăng trưởng chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, luồng vốn FDI hay lợi thế vị trí địa lý thì sớm muộn gì cũng sẽ đến hồi kết.

"Việt Nam đã đạt đến một mức phát triển mà tại đó tăng trưởng hướng tới mức thu nhập cao hơn sẽ không thể được bảo đảm nếu như không đổi mới đáng kể quá trình hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng đầy đủ của đất nước", GS Ohno nói.

Mô tả ảnh.

 
Với tiềm năng và lợi thế của mình, Việt Nam có thể sẽ còn được hưởng một nhịp độ tăng trưởng ấn tượng trong một thời gian nữa. Thế nhưng, nếu không có một công cuộc phát triển thần kỳ trong những thập kỷ tới, Việt Nam dường như sẽ chịu chung số phận như đã thấy ở nhiều nước đang phát triển

Theo GS Ohno, tăng trưởng mà Việt Nam có được trong một thập kỷ rưỡi vừa qua là do tác động của tự do hoá đúng thời điểm và sức mua từ các nước khác đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

"Nhưng hiện nay, với quá trình chuyển đổi một cách có hệ thống và sự hội nhập toàn cầu ngày càng trở nên sâu sắc, Việt Nam cần xây dựng giá trị nội tại để tiếp tục tăng trưởng và tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”", GS Ohno cảnh báo.

Chia sẻ nhận định này, TS Vũ Thành Tự Anh nêu lên thực tế tất cả các nước Đông Á thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều duy trì  được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian rất dài khoảng 30 năm hoặc hơn nhưng Việt Nam chưa làm được điều đó.

Ông Tự Anh cho rằng muốn làm được như thế thì nguồn lực phải được phân bổ một cách hiệu quả, cụ thể khu vực nào có hiệu quả nhất của nền kinh tế thì phải được phân bổ một cách tương ứng.

"Nếu chúng ta chọn khu vực kém hiệu quả nhất làm động lực tăng trưởng, làm chủ đạo thì chúng ta phải chấp nhận đi chậm thôi", TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Chuyên gia đến từ Fulbright Việt nam cũng nhấn mạnh tất cả các nền kinh tế muốn thành công  đều phải có cạnh tranh, ở đây là cạnh tranh trong nước và cạnh tranh với nước ngoài.

Nhưng ở VN thay vì việc bắt các tập đoàn cạnh tranh, DNNN cạnh tranh thì Nhà nước lại tạo ra những sân chơi riêng cho họ, giúp họ có được vị thế độc quyền trong thị trường nội địa, vì thế không có sức ép để doanh nghiệp đổi mới, phát triển.

Ở trạng thái như hiện nay, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng "Việt Nam nên phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ mà không nên tập trung quá nhiều vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Nền tảng của Việt Nam phải là các doanh nghiệp dân doanh".

Và khi xác định được điều đó thì các chính sách liên quan đến nó phải nhất quán tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển vì theo ông một thực tế ở VN là nhiều khi một chính sách rất tốt nhưng đến khi thực hiện cụ thể thì vì lợi ích đặc quyền đặc lợi của một số nhóm nó có thể bị biến dạng.

"Để làm được điều đó thì phải có một quyết tâm chính trị rất lớn và phải có một hệ thống chiến lược chính sách nhất quán và hệ thống thực thi ở dưới nó phải được cấu hình theo cách để hỗ trợ chứ không phải phá vỡ quy hoạch ấy", TS Vũ Thành Tự Anh kết luận.

Đổi mới thể chế trong bối cảnh các nhóm lợi ích đã hình thành

TS Võ Trí Thành trong tham luận tại Hội thảo khẳng định để có thể tránh được nguy cơ tụt hậu, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững, VN cần có những định hướng rõ hơn cho mô hình phát triển đất nước.

"Bài toán tổng thể ở đây chính là việc nâng cao năng lực thể chế, năng lực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, và năng lực liên kết quốc tế để có thể đón bắt và tận dụng cơ hội có được, mô hình phát triển đảm bảo tốt các yêu cầu đó chính là lựa chọn đầy thách thức đối với VN", ông Thành nhấn mạnh.

GS Võ Đại Lược cũng cho rằng sự chuyển đổi về thể chế là quan trọng nhất, "Nhưng để đổi mới thể chế thì phải đổi mới tư duy trong đó đổi mới tư duy của lãnh đạo cấp cao, những người đứng đầu đất nước là quan trọng nhất".

Theo GS Lược, khái niệm thể chế trong nghĩa rộng có 3 lĩnh vực bao gồm hệ thống luật lệ, bộ máy điều hành và phương thức điều hành của nhà nước.

Ông Lược đánh giá Việt Nam đang thay đổi nhưng rất chậm so với yêu cầu phát triển của đất nước.

Ông cho rằng những nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội đã hình thành và những nhóm lợi ích khác nhau thì yêu cầu đổi mới thể chế cũng khác nhau và thậm chí xung đột nhau.

Lợi ích của các nhóm đó không phải khi nào cũng đồng nhất với lợi ích phát triển của quốc gia, của đất nước, do vậy mà khó để có thể hình thành một sự nhất trí về mặt tư duy và thể chế.

Vẫn nặng bản sắc của ý chí

Còn trong bài viết gửi đến Hội thảo của mình, TS Vũ Minh Khương lại bày tỏ sự lo lắng: "Chiến lược phát triển của Việt Nam dường như vẫn dựa trên nguyên lý chủ yếu là hối thúc đầu tư từ nguồn ngân sách đến nguồn FDI, trong khi coi nhẹ hiệu lực chiến lược, hiệu quả kinh tế, và tính bền vững của nền móng phát triển".

Kết quả là, các dự án lớn như mía đường, xi măng lò đứng, lọc dầu Dung Quất trong thời gian qua không chỉ gây lãng phí rất lớn mà còn làm đất nước mất đi nhiều cơ hội nâng cấp thực lực cạnh tranh.

Ông Khương cũng cho rằng các đại dự án tới đây như mở rộng thủ đô Hà nội, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, và xây dựng các tuyến tàu hỏa cao tốc dường như vẫn mang nặng bản sắc của ý chí hơn là bước đi khôn ngoan hoạch định bởi một tầm nhìn sâu rộng và tư duy chiến lược.

Một góc độ khác của sự hạn chế trong tầm nhìn và tư duy chiến lược mà TS Vũ Minh Khương cũng chỉ ra ở đây là chúng ta chưa quyết liệt cải cách và kiến tạo môi trường kinh doanh binh đẳng cho các doanh nghiệp quốc doanh.

"Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động với sự dung túng trong bao cấp, tùy tiện trong quản lý điều hành, thiếu trung thực trong báo cáo", ông Khương khẳng định.

(vietnamnet)

  • 6 tháng đầu năm 2010: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều khả quan
  • Chính sách chưa đủ mà cần phải có hành động
  • CPI: Đó là bữa ăn hằng ngày của dân
  • VNCF góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của doanh nghiệp
  • "Phát triển xanh" cần phải là một hướng ưu tiên
  • 'Việt Nam - lựa chọn mới ở châu Á'
  • 3 năm gia nhập WTO: Gấp rút tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam cần tìm đường riêng, không để các lực đẩy dẫn đi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi